Ngành ngân hàng phối hợp Bộ Công an làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng
Ngày 18/5/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023, với chủ đề thông điệp “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - Động lực thúc đẩy chuyển đổi số”. Chủ đề này khẳng định sự quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng năm nay được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả ngành Ngân hàng đạt được sau 2 năm triển khai Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “Năm 2023 - Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.
Sự kiện năm nay tiếp tục góp phần đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tài chính toàn diện, đồng thời lan tỏa tinh thần, chuyển đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Ngân hàng về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động Ngân hàng.
Đến nay, 95% TCTD đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Nhiều TCTD chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; Nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng.
Năm 2022, tăng trưởng thanh toán qua kênh di động, phương thức QR Code tăng trưởng trên 100% so với năm 2021 (kênh Mobile tăng 139,3% về số lượng và 106,5% về giá trị; Qua phương thức QR code tăng 225,4% về số lượng và 243,9% về giá trị); 74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; Khoảng 18,6 triệu thẻ, 8,7 triệu tài khoản ngân hàng được mở bằng phương tiện điện tử (eKYC) đang hoạt động; Hơn 2,8 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, với khoảng 70,4% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... với hơn 8.800 điểm kinh doanh và hơn 15.000 đơn vị chấp nhận thanh toán, số lượng giao dịch của tài khoản Mobile Money đạt hơn 19 triệu món với giá trị đạt khoảng 1.268 tỷ đồng.
Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nên việc ngành Ngân hàng đã gặt hái một số kết quả tích cực trong triển khai Đề án 06. NHNN đã hoàn thành kết nối, khai thác CSDLQGvDC chính thức từ ngày tháng 12/2022 cho dịch vụ công của NHNN. NHNN đã phối hợp với C06 – Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch hàng triệu hồ sơ khách hàng còn lại…
Một số đơn vị như Vietcombank, BIDV, VietinBank… đã phối hợp với C06 - Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ CCCD gắn chíp trong một số nghiệp vụ như xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch. Một số TCTD như Vietcombank, MB, PVComBank... đã phối hợp với C06 thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư. Ngoài ra, tại VietinBank, thực hiện chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ và góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, VietinBank triển khai các hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử và đặc biệt là cho vay tín chấp đối với các món nhỏ.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHHH Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Các tổ chức tín dụng đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, học máy... nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm, dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp với nhu cầu, hành trình khách hàng.
Nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; Cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; Làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…
Nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; Nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.