Sơn La: Kinh tế tập thể giúp thanh niên vững bước trên con đường khởi nghiệp
Trong những năm qua phong trào thanh niên phát triển kinh tế ở huyện Thuận Châu đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, điều dễ nhận thấy là đa số họ đều chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Minh chứng sinh động cho tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân để vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, đó là chàng thanh niên Vũ Văn Lâm, bản Đông Hưng xã Muổi Nọi huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Tốt nghiệp khoa Giáo dục thể chất, Trường Cao đẳng Sơn La thay vì tìm cho mình những công việc nghề nghiệp ổn định thì anh Vũ Văn Lâm lại trở về mảnh đất của quê hương để lập nghiệp. Là đoàn viên thanh niên dám nghĩ dám làm, không cam chịu đói nghèo năm 2016, sau những trận sương muối liên tiếp, cùng với khí hậu khô cằn khiến hiệu quả của cây cà phê không còn phù hợp với địa phương, anh Lâm đã mạnh dạn chuyển đổi trồng 1 ha cây bưởi da xanh, nhãn ghép, mận và các loại cây có múi… Do thường xuyên đi học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương khác, tham khảo trên tivi, sách báo về kỹ thuật trồng và chăm sóc, áp dụng vào diện tích trồng cây ăn quả đến nay diện tích của gia đình anh là trên 2ha, năm 2022 gia đình anh thu về gần 7 tấn quả, sau khi trừ chi phí đạt trên 200 triệu đồng.
Anh Vũ Văn Lâm, bản Đông Hưng xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Do điều kiện thiên nhiên ở địa phương thường hay bị sương muối, giá cả của cây cà phê thì chưa đáp ứng được phát triển kinh tế, qua đi học hỏi mô hình trồng cam ở Mai Sơn tôi đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây cà phê sang cây có múi gồm cam, bưởi da xanh. Sau 5 năm chuyển đổi sang cây có múi này tôi thấy cây phát triển rất tốt, so với cà phê thì cây có múi cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 – 3 lần”.
Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, nhận thấy phát triển cây ăn quả đang là hướng đi bền vững giúp người dân làm giàu, năm 2019 anh Lâm đã vận động đoàn viên thanh niên trong bản thành lập HTX nông nghiệp Lâm An. Đến nay HTX có 9 thành viên với diện tích là 20ha, trong đó đa phần là đoàn viên thanh niên. Từ khi tham gia HTX các đoàn viên đã được tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản suất nhằm nâng cao năng suất chất lượng trên cùng 1 diện tích canh tác. Đến nay thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt trên 100 triệu đồng/người/năm.
Anh Đỗ Tiến Đông, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, Thuận Châu, Sơn La vui mừng nói: “Là đoàn viên thanh niên chúng tôi thường xuyên đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả, đặc biệt tại địa phương có HTX nông nghiệp Lâm An do thanh niên làm chủ, đến đây chúng tôi được tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đoàn viên thanh niên HTX chia sẻ kinh nghiệm, tôi đã về áp dụng vào vườn cây của gia đình từ đó thấy hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và tự mình đúc kết lại trong quá trình trồng, hiện nay gia đình anh Lâm đang mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả lên 3 ha. Không còn điệp khúc chặt trồng, trồng chặt giờ đây các loại cây ăn quả đã và đang là cây trồng chủ lực không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình anh Vũ Văn Lâm mà nhiều đoàn viên thanh niên trong xã từ đó cũng đã nâng cao chất lượng cuộc sống, đây trở thành mô hình điểm cho đoàn viên tại huyện học tập và làm theo.
Chị Lò Thị Diên, Bí thư Đoàn xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết “ Ở bản thường xuyên có khoảng 20 – 30 đoàn viên thanh niên trong độ tuổi lao động, qua đi tìm hiểu các mô hình kinh tế, các đoàn viên đã tập hợp lại với nhau thành lập HTX do đồng chí Vũ Văn Lâm làm chủ. Qua 2 năm thành lập HTX và phát triển các loại cây có múi thì hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định và phát triển kinh tế của xã nhà. Trong thời gian tới đoàn xã sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho đoàn viên được vay vốn, kết nối tiêu thụ sản phẩm của các đồng chí”.
Xen lẫn những gam màu thiên nhiên của núi rừng Tây bắc giờ đây luôn có những người trẻ dám nghĩ dám làm như anh Vũ Văn Lâm, đó là những bông hoa đẹp tô điểm lên bức tranh đầy màu sắc trong việc phát triển kinh tế của địa phương.