Tòa án nhân dân

Học viện Tư pháp: Tăng cường kỹ năng qua các phiên tòa giả định

Kim Sáng - Hồng Thắm 24/04/2023 - 12:10

Ngày 23/4, tại trụ sở TAND TP.HCM, Học viện Tư pháp tổ chức 2 phiên tòa giả định vụ án hình sự và dân sự liên quan đến người chưa thành niên.

p1840162.jpg
Học viên Học viện Tư pháp trong vai trò HĐXX tham gia phiên tòa giả định.

Tham dự phiên tòa giả định, về phía TAND TP.HCM có Thẩm phán Sỹ Hồng Nam - Phó Chánh văn phòng TAND TP.HCM.

Về phía Học viện Tư pháp có TS Trương Thế Côn - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; đại diện UNICEF tại Việt Nam và các cán bộ, học viên, Kiểm sát viên, Luật sư cùng tham dự.

p1840103.jpg
TS Trương Thế Côn - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp phát biểu.

Theo đó, Học viện Tư pháp tổ chức 2 phiên tòa giả định vụ án hình sự và dân sự nhằm tăng cường kỹ năng của các học viên lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư về xét xử, bào chữa, bảo vệ trong các vụ án liên quan đến người chưa thành niênPhiên tòa có sự tham gia của các học viên tại TP.HCM.

Trong phiên tòa hình sự, theo cáo trạng của Viện KSND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, bị cáo Ngô Thành Luân (SN 1997) bị truy tố ra trước TAND quận Hoàn Kiếm để xét xử về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.

p1840171.jpg
Thẩm phán Sỹ Hồng Nam - Phó Chánh văn phòng TAND TP.HCM nhận xét về phiên tòa giả định.

Thông qua phiên tòa, bị cáo đã ăn năn hối cải, nhận thức được hành vi phạm tội của mình. Hình phạt đối với bị cáo cũng là bài học cảnh tỉnh cho các đối tượng chưa thành niên để từ đó các em nhận thức đúng đắn về các mối quan hệ, tránh sa vào lưới pháp luật.

Theo quan sát của phóng viên, dù còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng các học viên lớp 3 chung của Học viện Tư pháp khá nhuần nhuyễn trong các vai trò, từ Thẩm phán, Viện kiểm sát, Luật sư đến Thư ký đều phát huy tốt khả năng, biết lồng ghép kiến thức chuyên môn ở giảng đường vào phiên tòa giả định.

p1840122.jpg
Bị cáo Ngô Thành Luân tại phiên tòa.

Trong vai trò Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa, học viên Huỳnh Tấn Lộc chia sẻ: “Khi nhận vai, em rất hồi hộp nhưng sau khi tham gia phiên toà và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử thì em dần bình tĩnh lại để tiếp tục công việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phiên tòa đã trang bị cho em và các học viên nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, trải nghiệm thực tế, từ đó chúng em hy vọng sẽ có cơ hội hoạt động với nghề, góp phần phát triển nền tư pháp nước nhà”.

Nhận xét về phiên tòa giả định, Thẩm phán Sỹ Hồng Nam - Phó Chánh văn phòng TAND TP.HCM đánh giá HĐXX tham gia phiên tòa khá bài bản, thể hiện sự trang nghiêm.

Ông cũng lưu ý đến các học viên một số nội dung trong phần tranh luận, về cách xưng hô, câu hỏi đối với bị hại, nhất là những bị hại có tuổi đời còn trẻ.

p1840167.jpg
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

TS Trương Thế Côn - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp nhấn mạnh: Thông qua các phiên tòa giả định, học viên lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư có cơ hội học hỏi, tích lũy một cách trực quan, thực tế các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong thủ tục xét xử thân thiện với người chưa thành niên.

“Việc tổ chức các phiên tòa giả định là hoạt động thiết thực mà Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EUJULE)” và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hỗ trợ Học viện Tư pháp nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên, hoàn thiện hệ thống học liệu và nâng cao hiệu quả triển khai đào tạo về tư pháp người chưa thành niên trong các chương trình đào tạo”, TS Côn cho biết thêm.

Chiều cùng ngày, tại trụ sở TAND TP.HCM tiếp tục diễn ra phiên tòa giả định vụ án dân sự liên quan đến người chưa thành niên.

Kim Sáng - Hồng Thắm