Nhức nhối tình trạng phân lô, bán nền trái quy định tại TP Phú Quốc (kỳ 5)
Người dân và dư luận đang chờ chính quyền tỉnh Kiên Giang làm rõ những sai phạm; đặc biệt là xử lý và công khai kết quả xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến tình trạng phân lô, bán nền trái quy định và xây dựng không phép xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc.
Với quyết tâm chính trị cao nhất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang với mục tiêu lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn TP Phú Quốc; sau loạt bài phản ánh xuyên suốt của Báo Công lý, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo và cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành thanh tra về trách nhiệm việc quản lý, xử lý các vi phạm về đất đai, đất rừng, trật tự xây dựng trên địa bàn TP Phú Quốc.
Kết quả đã phát hiện 202 khu phân lô bán nền xây dựng nhà ở tự phát, diện tích đã xây dựng đường bê tông xi măng lên tới 29,899 ha tại các xã, phường trên địa bàn TP Phú Quốc.
Đoàn thanh tra đã kiểm tra thực tế 67/202 khu phân lô, bán nền, xây dựng nhà ở tự phát; phát hiện có 333 căn nhà xây dựng kiên cố đang tồn tại nhưng UBND các xã, phường không xử lý hoặc có xử lý nhưng không kiên quyết.
Đoàn thanh tra đã tra ngẫu nhiên tình hình quản lý trật tự xây dựng trên các địa bàn phường An Thới, phường Dương Đông, xã Gành Dầu, phát hiện 39/49 trường hợp đang xây dựng nhà ở, có vi phạm về xây dựng, sử dụng đất không đúng mục đích, nhưng UBND xã, phường, Đội Kiểm tra trật tự đô thị TP Phú Quốc không phát hiện kịp thời, để xử lý theo quy định của pháp luật.
Kết quả thanh tra cũng chỉ ra việc UBND các xã, phường: An Thới, Cửa Cạn, Gành Dầu, Hàm Ninh, Dương Đông, Dương Tơ, thực hiện trách nhiệm quản lý đất do Nhà nước quản lý trên địa bàn chưa chặt chẽ, có biểu hiện buông lỏng quản lý để xảy ra 744 trường hợp chiếm dất, xây dựng nhà ở trái pháp luật trong diện tích 202,179 ha; Trong đó có những trường hợp vi phạm phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đặc biệt, UBND xã Cửa Cạn đã xét duyệt nguồn gốc đất không đúng thực tế, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong xét duyệt nguồn gốc đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với 10 hồ sơ xin cấp GCNQSDD của cá nhân (trong đó có 5 hồ sơ đã được UBND TP Phú Quốc cấp GCNQSDĐ).
Đoàn thanh tra chuyển 10 hồ sơ xét duyệt nguồn gốc, cấp GCNQSDĐ lần đầu tại xã Cửa Cạn và 3 vụ việc sai phạm nghiêm trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, để xảy ra việc bao chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đất Nhà nước quản lý, xây dựng trái phép trên đất rừng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Kiên Giang để điều tra, xử lý.
UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu kiểm điểm 10 tập thể, gồm: Phòng Tài nguyên và Môi trường; Đội Kiểm tra trật tự đô thị; UBND các xã, phường: Dương Đông, An Thới, Cửa Cạn, Gành Dầu, Cửa Dương, Dương Tơ, Hàm Ninh; Bãi Thơm
Cùng với 45 cá nhân là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, công chức địa chính các xã, phường phải kiểm điểm, như: Trương Thành Tấn - Chánh Thanh tra TP Phú Quốc; Huỳnh Văn Định - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường; Dương Kỳ Nam - Đội trưởng Đội kiểm tra trật tự đô thị; Huỳnh Văn Son - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường; Phan Quốc Thới - Chánh Văn phòng Thành ủy; Trương Quốc Thanh - Trưởng ban Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Du Việt Thanh - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị…;
Đối với Chủ tịch UBND TP Phú Quốc (giai đoạn từ tháng 01/2018 đến tháng 6/2022), phải chịu trách nhiệm chung với vai trò của người đứng đầu; Các Phó Chủ tịch UBND TP Phủ Quốc (giai đoạn từ tháng 01/2018 đến tháng 6/2022), phải chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực được phân công phụ trách để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm.
Việc hình thành hàng trăm khu phân lô bán nền trái quy định, xây dựng nhà không phép để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, cho những người nhận chuyển nhượng và cho cả công tác xử lý, cưỡng chế vi phạm của cơ quan chức năng. Vì thế, phải chủ động phòng ngừa, đấu tranh từ sớm, từ xa đối với các vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng tại TP Phú Quốc.
Cần tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện giám sát hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng tại địa phương. Hội đồng nhân dân các cấp cần tổ chức nhiều hơn nữa các chuyên đề giám sát, các phiên giải trình về hoạt động quản lý, sử dụng đất và trật tự xây dựng trên địa bàn.
Cần chú trọng công tác cán bộ, tuyển dụng cán bộ, có cơ chế giám sát, luân chuyển cán bộ có liên quan đến quản lý đất đai, trật tự xây dựng một cách chặt chẽ hơn nữa; Tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ này.
Đề cao và gắn trách nhiệm cụ thể đối với cấp ủy, chính quyền ở xã, phường đặc biệt là cán bộ cấp ủy, Ban Công tác Mặt trận ở ấp, tổ, khu phố trong giám sát quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng; Đồng thời tăng cường vai trò giám sát của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường; Vai trò giám sát của nhân dân.
Tăng cường và chú trọng chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra trong quản lý, sử dụng đất, xây dựng; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chuyển cơ quan công an có thẩm quyền xử lý theo quy định. Khi có phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm minh, làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Rà soát, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai, xây dựng, hạn chế thấp nhất các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng trong đất đai. Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công khai minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động của của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Thanh tra, kiểm tra hoạt động lập vi bằng của các văn phòng thừa phát lại, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động thừa phát lại liên quan đến bất động sản.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng thiết bị chuyên dụng trong quản lý đất đai, xây dựng để phát hiện từ sớm các hành vi vi phạm để ngăn chặn kịp thời.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không nhận chuyển nhượng đất sử dụng sai mục đích, phá vỡ quy hoạch, làm manh mún đất nông nghiệp; Thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân không phân lô, bán nền, không xây nhà trên đất nông nghiệp và phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng tới cơ quan có thẩm quyền; Tuyên truyền dưới nhiều hình thức để người dân cần tìm hiểu thông tin, quy định của pháp luật trước khi quyết định mua đất nền xây dựng nhà ở…
Nhưng trước mắt, trên tinh thần xem xét, xử lý tất cả các sai phạm với quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ; Để tăng hiệu quả răn đe, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai và xây dựng, thiết lập trật tự, kỷ cương, thiết nghĩ chính quyền tỉnh Kiên Giang cần kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến tập thể, cá nhân có sai phạm và công khai kết quả xử lý trước dư luận.