Vé máy bay nội địa tăng dịp cao điểm, vì sao?
Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 và hơn 1 tháng nữa là đến kỳ nghỉ hè của học sinh, cũng được coi là cao điểm phục vụ du lịch hè, thế nhưng tại thời điểm này nhiều người dân vẫn ngần ngại chọn địa điểm du lịch xa với lý do vé máy bay nội địa đang có chiều hướng tăng.
Xu hướng du lịch nước ngoài kỳ nghỉ lễ
Chiều 12/4, chị Mai Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) lên mạng đặt mua vé máy bay cho kỳ nghỉ tới của gia đình. Biết rằng kỳ nghỉ lễ nhu cầu của người dân tăng cao, nên chị đã tính đặt vé cho cả nhà vào cuối tháng 5. Nhưng điều khiến chị bất ngờ là qua khảo sát cho thấy, vé đường bay trong nước còn cao hơn cả vé ra nước ngoài.
Cụ thể, với lịch trình đi ngày 27/5 về ngày 30/5, nếu chọn bay khứ hồi Hà Nội-Phú Quốc của Vietnam Airlines cho đoàn 9 người, số tiền vé chị phải trả sẽ lên tới 56.181.000đ. Thế nhưng, cùng hãng bay, cùng ngày bay, nếu chọn sang đường bay Hà Nội-Bangkok (Thái Lan), thì vé khứ hồi cho đoàn 9 người chỉ hết 51.560.000đ.
“So với việc bỏ 6 hay 7 triệu đồng để bay đi Phú Quốc, tôi thấy Bangkok rõ ràng là lựa chọn tốt hơn”, chị Phương cho hay. Không chỉ có chị Phương bất ngờ với việc giá vé tăng cao, qua khảo sát cho thấy, trên đường bay “nóng” Hà Nội-Nha Trang đi vào ngày cao điểm 28/4, về ngày 2/5 cũng khá cao.
Cụ thể, nếu khách chọn đi hãng hàng không Vietnam Airlines cho 4 người, mức vé sẽ là khoảng 28 triệu (tương đương khoảng 7 triệu/vé khứ hồi); với hãng bay Vietjet Air thì giá vé sẽ là 24.400.000đ (tương đương 6,1 triệu/vé khứ hồi); cùng chặng bay này, nếu khách bay hãng hàng không Bamboo Airway, giá vé cũng rơi vào khoảng 24.472.000đ/4 vé khứ hồi.
Phân tích về vấn đề giá vé, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không cho rằng, do giá nhiên liệu bay, tỷ giá, lãi suất đều tăng mạnh khiến chi phí của các hãng tăng. Còn theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 31/3, lượng khách đặt chỗ đạt trung bình trên 80% tổng số chuyến bay dịp 30/4, một số chuyến đã hết chỗ. Vị này cũng cho rằng, để đáp ứng nhu cầu hành khách thì các hãng bay sẽ phải xin tăng chuyến.
Nhưng các hãng đều đã khai thác chặng quốc tế nên phải cân đối nhân lực, máy bay, không thể ồ ạt tăng chuyến phục vụ vận tải nội địa như năm 2022 khiến các chuyến bay trong nước hạn chế hơn. Chia sẻ thêm, phía Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hoàn toàn hiểu lý do hàng không tăng giá mạnh trong dịp lễ 30/4 nhưng bài toán đặt ra là tăng sao cho hợp lý?
Hiện thu nhập của nhiều người dân bị ảnh hưởng vì kinh tế. Họ có thể trả khoảng 10 triệu đồng cho chuyến đi 4-5 ngày. Nhưng trả 7 hay 8 triệu đồng cho vé máy bay trong nước là điều không phải ai cũng đủ khả năng. Giá vé quá cao khiến du lịch nội địa giảm sức cạnh tranh so với nước ngoài. Người dân sẽ đem tiền ra nước ngoài tiêu.
Các hãng hàng không: Vé cao do quy luật cung cầu thị trường
Trước câu hỏi vì sao giá vé máy bay nội địa có xu hướng gia tăng, đại diện của Vietnam Airlines lý giải, giá vé được các hãng thực hiện theo cơ chế dải linh hoạt, gồm nhiều mức từ thấp đến cao với các điều kiện khác nhau để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Loại vé giá thấp sẽ đi kèm hạn chế như không được hoàn hủy, đổi chuyến, giờ bay không đẹp. Khách mua sớm sẽ có cơ hội mua giá thấp, sát ngày phải trả giá cao hơn.
Nhu cầu hành khách đi lại tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 nên nhiều chuyến bay đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 80%, đa số là các chặng từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến những điểm du lịch "nóng" như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Huế, Quy Nhơn (Bình Định), Phú Quốc (Kiên Giang). Giá thấp đã được mua hết, chỉ còn loại giá cao, song mức giá này vẫn nằm trong khung được Bộ Giao thông-Vận tải quy định. "Đây là quy luật cung cầu thị trường, nếu doanh nghiệp hàng không chỉ bán vé giá thấp, khuyến mại thì không bù đắp được chi phí", đại diện Vietnam Airlines nói.
Tương tự, phía hãng hàng không Bamboo Airlines cho rằng, dịch vụ vận chuyển hàng không mang tính mùa vụ cao. Giai đoạn cao điểm như lễ 30/4-1/5, nhu cầu đi lại tăng đột biến, trong khi tải cung ứng của các hãng có hạn, dẫn đến giá vé bị đẩy lên cao.
Đây hoàn toàn là đặc trưng của ngành vận tải hàng không nói chung. Bamboo Airways khuyến nghị hành khách nên mua vé từ sớm để đảm bảo lịch trình. Để tránh mua phải vé giả mạo và bị rò rỉ thông tin cá nhân, hành khách lưu ý lựa chọn các địa điểm mua vé uy tín, như website chính thống của Hãng, ứng dụng mobile, đại lý, phòng vé chính thức…
Đại diện của hãng cũng cho biết thêm, trước nhu cầu hàng không được dự báo tăng mạnh mẽ, Bamboo Airways dự kiến tăng cung ứng 25.000 ghế mỗi ngày trên các đường bay nội địa, tăng khoảng 15% tải cung ứng. Hãng dự kiến tăng tần suất trên toàn mạng bay, trong đó tập trung vào đường bay trục như Hà Nội – TP Hồ Chí Minh/Đà Nẵng, các đường bay du lịch đi Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang… Tính đến thời điểm hiện tại, một số chặng bay của hãng đã có những chuyến có lượng đặt vé cao trên 90%, có chuyến 100% như Hà Nội – Nha Trang, Hà Nội – Đà Nẵng...
Trước lo ngại về giá vé máy bay, gần đây Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành chỉ thị tuân thủ các quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam thực hiện nghiêm việc niêm yết, công bố, công khai giá bán vé theo quy định trên các kênh phân phối.
Đồng thời, có chế tài đối với các đại lý không thực hiện đúng quy định về giá vé nội địa. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của hành khách khi tham gia giao thông bằng đường hàng không, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm hè 2023.
Ngoài ra, Cục Hàng không cũng yêu cầu tăng cường kiểm soát công tác bán vé của hãng, đảm bảo triển khai bán vé theo đúng mức giá kê khai, không vượt giá trần quy định tại Thông tư 17/2019 của Bộ GTVT về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền tới hành khách về việc mua vé máy bay tại các đại lý ủy quyền, các kênh phân phối chính thức cũng như việc phản hồi thông tin về việc mua vé máy bay nội địa cao quá quy định tới đường dây nóng của các hãng hàng không.