Diễn đàn pháp lý

Quy định cụ thể về hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô trong Luật Giao thông đường bộ

L. Thanh 11/04/2023 08:53

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều, so với dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 đã chuyển 2 chương sang Luật TTATGT đường bộ; giữ nguyên 1 điều; sửa đổi 40 điều, bổ sung mới 54 điều.

Chiều 10/4, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (QP và AN) của Quốc hội đã họp phiên mở rộng thẩm tra dự án Luật Đường bộ. Trung tướng Lê Tấn Tới, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban QP và AN của Quốc hội chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ; đại diện các bộ, ngành chức năng; đại diện các Uỷ ban của Quốc hội…

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều, so với dự thảo Luật GTĐB năm 2008 đã chuyển 2 chương sang Luật TTATGT đường bộ, đó là chương: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB; giữ nguyên 1 điều (điều 2 về đối tượng áp dụng); sửa đổi 40 điều, bổ sung mới 54 điều.

Dự án Luật Đường bộ tập trung điều khiển 3 nhóm chính sách lớn gồm: hoàn thiện khung pháp lý kết cấu hạ tầng GTĐB; hoàn thiện khung pháp lý đối với phương tiện GTĐB và hoàn thiện khung pháp lý trong vận tải đường bộ; trong đó có một số quy định mới đáng chú ý, khắc phục được 1 số bất cập hiện nay như: quy định ngân sách địa phương được sử dụng để đầu tư, xây dựng, cải tạo nâng cấp, bảo trì đường gom, đường bên, nút giao kết nối vào quốc lộ; đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp quốc lộ đi qua địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ATGT của địa phương; hỗ trợ cho địa phương khác để đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.  Đặc biệt, trong dự án Luật đã quy định cụ thể về hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô, giải quyết được mối quan tâm của dư luận xã hội trong việc bảo vệ trẻ em – là đối tượng yếu thế tham gia giao thông.

dsc_8367.jpg -0
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban QP và AN, trình bày báo cáo thẩm tra.

Thẩm tra dự án Luật Đường bộ, Uỷ ban QP và AN nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật để tiếp tục thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, nội luật hoá các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động GTVT đường bộ, thúc đẩy phát triển GTĐB và đảm bảo tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân. Đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế của luật GTĐB 2008, nhất là việc xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trong quản lý nhà nước về phát triển hạ tầng GTĐB, phương tiện GTĐB gắn với bảo đảm TTATGT đường bộ, điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GTĐB.

Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí cần thiết phải xây dựng Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ thay thế cho Luật GTĐB năm 2008 hiện nay nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng GTĐB; phương tiện GTĐB; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác đảm bảo TTATGT hiện nay.

dsc_8459.jpg -0
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tiếp thu ý kiến đại biểu nêu.

Một trong những ý kiến được nhiều đại biểu quan tâm là ý kiến của Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Quản Minh Cường - một trong những địa phương đang “vướng” trong xây dựng hạ tầng giao thông, đó là quy định trong Luật phải cụ thể, chặt chẽ nếu không sẽ không áp dụng được trong cuộc sống, nên phân cấp cho địa phương quyết định một số vấn đề cụ thể, để giải quyết vướng mắc, nhất là quy định về thu hồi đất để làm công trình giao thông. Kiến nghị, nội dung này nên quy định 1 chương hoặc điều rất cụ thể trong Luật Đường bộ để thực hiện được ngay; việc xây dựng hạ tầng giao thông tại các vị trí giáp ranh giữa các tỉnh phải tránh lợi ích cục bộ giữa các địa phương. Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai lấy ví dụ những khó khăn, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng các cao tốc tại địa phương, nếu không giải quyết được vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thì không đảm bảo tiến độ; việc xây dựng 3 cây cầu nối giữa Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh 10 năm nay không thực hiện được dù có chủ trương, có vốn nhưng hai bên không thống nhất được vị trí nối cầu phù hợp.

dsc_8483.jpg -0
Chủ nhiệm Uỷ ban QP và AN của Quốc hội Lê Tấn Tới kết luận phiên họp.

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu nêu, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc sớm xây dựng Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ để bảo đảm ATGT, mục tiêu là bảo vệ con người. Việc xây dựng 2 Luật thay thế Luật GTĐB vì xây dựng quy định theo 2 hướng giao thông “tĩnh” và giao thông “động”, phân biệt rõ 2 nội dung này. Trong đó, giao thông “tĩnh” quy định về kết cấu hạ tầng, phương tiện…; giao thông “động” là bảo đảm TTATGT liên quan đến con người, quy tắc giao thông. Xây dựng 2 Luật cũng sẽ phân công trách nhiệm chính của từng bộ, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ. “Mỗi Luật phù hợp với từng giai đoạn lịch sử đất nước, quy định Luật GTĐB không còn phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung phù hợp với giai đoạn hiện nay. Quy định của pháp luật càng chi tiết, cụ thể hoá, công, khai minh bạch càng dễ thực hiện” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban QP và AN Lê Tấn Tới cho rằng hồ sơ dự án Luật đầy đủ, trình tự đúng quy định, phạm vi điều chỉnh được thống nhất; nhất trí báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Đối với các vấn đề đại biểu nêu, Chủ nhiệm Uỷ ban QP và AN đề nghị ban soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu, chỉnh sửa dự thảo phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác đảm bảo TTATGT đặt ra trong tình hình mới.

L. Thanh