Phó Chánh án TAND tỉnh Bến Tre: Tăng cường và đổi mới các phiên tòa rút kinh nghiệm
Tòa án với công dân - Ngày đăng : 18:08, 08/04/2023
Thẩm phán Phan Thanh Tòng, được bổ nhiệm làm Phó Chánh án TAND tỉnh Bến Tre từ tháng 7/2022, trước đó ông là Chánh án TAND huyện Châu Thành.
Trong quá trình công tác, Thẩm phán Phan Thanh Tòng đã có nhiều biện pháp, giải pháp trong việc đổi mới công tác quản lý, các sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc như: Sáng kiến "Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa trong vụ án dân sự”; Sáng kiến “Áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý phân công án, tiến độ giải quyết, báo cáo thống kê bằng chương trình Excel với các lệnh đơn giản”; Sáng kiến “Công tác phối hợp trong thu thập chứng cứ".
Theo Thẩm phán Phan Thanh Tòng, một trong những nhân tố quan trọng để mỗi Thẩm phán trong đó có cá nhân ông hoàn thành các chỉ tiêu công tác đó là việc triển khai các phiên tòa rút kinh nghiệm. Các biện pháp đã thực hiện và những bài học kinh nghiệm rút ra trong thực hiện nhiệm vụ của người Thẩm phán.
Thẩm phán Phan Thanh Tòng cho biết, thực hiện Chỉ thị số 01/2017/CT-CA ngày 16/01/2017 của Chánh án TANDTC đặt ra yêu cầu đổi mới việc tổ chức phiên tòa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, ngày 30/3/2017, TANDTC ban hành Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC, hướng dẫn công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp. Bản thân ông đã quán triệt và thực hiện một cách nghiêm túc, ngày càng bài bản, được duy trì thường xuyên.
“Thực tế đã chứng minh việc tổ chức, triển khai các phiên tòa rút kinh nghiệm là một nhân tố quan trọng giúp mỗi Thẩm phán nói riêng và Tòa án nói chung hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu công tác, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của hệ thống TAND”, Thẩm phán Phan Thanh Tòng chia sẻ.
Quá trình thực hiện các phiên tòa rút kinh nghiệm, Thẩm phán Phan Thanh Tòng đã rút ra được một số vấn đề qua chỉ đạo thực hiện, đó là: Thẩm phán phải đánh giá, lựa chọn những vụ án, loại án phù hợp với sở trường, lĩnh vực công tác, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, kể cả phù hợp với tâm lý bản thân, tâm lý giới tính. Các vụ án lựa chọn phải phù hợp với tình hình thực tế địa phương, phải đảm bảo tính điển hình cho vấn đề nổi cộm cần tập trung đấu tranh, giải quyết. để báo cáo lãnh đạo đơn vị cho chủ trương tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.
Phải chuẩn bị kịch bản điều hành, trong đó phải dự liệu được các diễn biến, tình huống có thể xảy ra trước, trong và sau phiên tòa. Thẩm phán phải tự chuẩn bị một tâm lý, tác phong thật tốt, thật nghiêm túc để tạo sự uy nghiêm và nâng cao hình ảnh của Tòa án, thẩm quyền của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, thể hiện sự chuẩn mực, tạo được niềm tin đối với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa vào pháp luật, vào công lý và công bằng xã hội. Sau mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm rút ra những ưu điểm, tồn tại, hạn chế thiếu sót những người tiến hành tố tụng;
Không được làm qua loa, chiếu lệ, mà phải chú trọng vào thực chất, với mục đích tạo ra sự chuyển biến về chất, biến mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm là một cơ hội tốt để rèn luyện, nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ năng để có thể đảm nhiệm và hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn. Là cơ hội để đội ngũ Thẩm phán, Thư ký trong đơn vị phát huy tinh thần trách nhiệm, các phát biểu ý kiến góp ý đối với Thẩm phán là để học tập lẫn nhau.
Tăng cường kiểm tra, giám sát số lượng, chất lượng các phiên tòa; ngoài việc dùng cơ chế thi đua khen thưởng còn vận dụng vào cơ chế tổ chức, cán bộ như việc ưu tiên xem xét đào tạo, bổ nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.
Với nhiều thành tích trong công tác, nhiều năm liền, Thẩm phán Phan Thanh Tòng được Chánh án TAND tỉnh Bến Tre tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Chánh án TANDTC tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua TAND và đặc biệt là danh hiệu Thẩm phán Giỏi năm 2022.