Indonesia kêu gọi các nước ASEAN hợp tác chống tin giả

Thế giới - Ngày đăng : 10:24, 04/03/2023

BVCL - Phát biểu tại Hội thảo ASEAN về hướng dẫn quản lý thông tin chính phủ, chống tin giả và thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông, đại diện Indonesia đã kêu gọi các nước trong khu vực hợp tác chống tin giả và thông tin sai lệch liên quan đến chính phủ.
indonesia-keu-goi-cac-nuoc-asean-hop-tac-chong-tin-gia-hinh-anh0583109505(1).jpg
Ảnh minh họa

Theo đó, tại hội thảo diễn ra ngày 2/3, ông Ichwan Nasution, quan chức Bộ Thông tin và Truyền thông (Kominfo) của Indonesia - Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023 đã nhấn mạnh: “Thông tin chính phủ phải được quản lý đúng đắn và phù hợp để trở thành một trong những giải pháp đấu tranh và đối phó với thông tin sai lệch và tin giả lan truyền trong cộng đồng ASEAN”.

Ông Ichwan cho rằng, cùng với tốc độ Internet ngày càng tăng và sự xâm nhập của công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực, tin giả và thông tin sai lệch đã trở thành một vấn đề lớn, không chỉ ở các nước ASEAN mà còn trên toàn thế giới.

Ông Ichwan đánh giá rằng, tin giả liên quan đến chính phủ là vấn đề nghiêm trọng nhất. Cụ thể, thông tin về các chương trình và chính sách của chính phủ thường bị các phần tử xấu nhắm mục tiêu hoặc xuyên tạc trên mạng xã hội.

Ông Ichwancho biết, Indonesia đã có sáng kiến xây dựng “Hướng dẫn quản lý thông tin chính phủ nhằm chống tin giả và thông tin sai lệch trên truyền thông”. Hội thảo là một phần trong nỗ lực này nhằm khuyến khích chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa tất cả các nước thành viên ASEAN.

Trong khi đó, Tổng cục trưởng Thông tin và Truyền thông đại chúng thuộc Kominfo - ông Usman Kansong khẳng định rằng, Chính phủ Indonesia đặc biệt quan tâm đến vấn đề tin giả và thông tin sai lệch liên quan đến chính phủ.

Ông Kansong cho biết, trong đại dịch COVID-19, Chính phủ Indonesia đã từng phải đối mặt với vô số tin giả và thông tin sai lệch gây hiểu lầm như vấn đề vaccine, biến thể virus và lĩnh vực tôn giáo. Trước đó, tin giả và thông tin sai lệch cũng gây chia rẽ và bất ổn xã hội trong các cuộc tổng tuyển cử năm 2014 và 2019.

Ông Usman cho biết thông qua hội thảo này, Kominfo muốn chia sẻ kinh nghiệm với các nước thành viên ASEAN về các bước có thể thực hiện, nhằm tạo ra các thông điệp phản ứng hiệu quả, cũng như cách thức nhận biết và phát hiện các trang tin tức giả mạo và xác định thông tin sai lệch.

Mới đây, ngày 22/2, tại thủ đô Paris của Pháp đã diễn ra hội nghị toàn cầu, trong đó các bên tham gia kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm ra những cách thức bảo vệ tốt hơn trước những thông tin sai lệch và phát ngôn thù hận trên mạng.

Hội nghị tập trung thảo luận về cách thức sàng lọc nội dung trên mạng Internet mà vẫn đảm bảo các quyền cơ bản của con người. Hàng trăm quan chức, các đại diện đến từ các công ty công nghệ, các viện nghiên cứu học thuật và nhiều tổ chức quan tâm đã được mời tham dự hội nghị kéo dài hai ngày của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia và đại diện các chính phủ đã đóng góp các tham luận, trong đó có nhà khoa học dữ liệu Christopher Wylie, người từng góp phần phanh phui bê bối tiết lộ dữ liệu người dùng Facebook.

Một số ý kiến tham luận tại hội nghị cho rằng truyền thông xã hội đang là vùng đất nảy nở những thông tin sai lệch, các hệ thống thông tin liên lạc hiện nay thậm chí đang thao túng con người từ bên trong. Do đó, nếu chỉ tập trung vào việc đính chính nội dung thì sẽ chỉ như "muối bỏ bể". Việc cần làm là tìm đến nguồn gốc tạo những thông tin gây ô nhiễm không gian mạng và chặn đứng hoạt động này.

Trong thông điệp tới hội nghị của UNESCO, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula nhấn mạnh cần chặn đứng các chiến dịch lan truyền thông tin sai lệch trên các nền tảng kỹ thuật số và các ứng dụng tin nhắn mà ở đó những thông tin sai lệch được sử dụng để thao túng dư luận. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp để có câu trả lời xác đáng cho câu hỏi gai góc của thời đại.

Bạch Dương