Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp
Vấn đề và Sự kiện - Ngày đăng : 10:29, 30/03/2023
Tăng năng suất, kiểm soát dịch bệnh
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 127/QÐ-TTg (ngày 26-1-2021) ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó có nội dung: Thúc đẩy và phát triển các ứng dụng AI trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Về chủ trương này, theo Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng, tại Việt Nam, ứng dụng AI vào nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ, nhưng bước đầu đã được các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nông dân quan tâm và áp dụng vào thực tiễn sản xuất vì những ưu thế vượt trội. Thực tế cho thấy, một số mô hình ứng dụng Hệ thống quản lý điều khiển nông trại quy mô lớn bằng AI cho tái canh cà phê của Netafim Việt Nam đã giúp nông dân trồng cà phê đạt năng suất 5 tấn/ha ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên, tăng 300% so với phương pháp truyền thống. Ngoài ra, mô hình này còn góp phần giảm chi phí cho cà phê tái canh, nâng cao lợi nhuận sản xuất.
Hiện nay, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã sử dụng công nghệ AI trong sản xuất nông nghiệp, lắp đặt hệ thống trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G. Hệ thống này cập nhật được tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa…, giúp nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả.
Ông Hoàng Văn Vị (tổ dân phố Giáp Ngọ, thị trấn Chúc Sơn) chia sẻ: "Được Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn tập huấn kiến thức canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gia đình tôi đã xây dựng 2.200m2 nhà lưới kết hợp với lắp đặt hệ thống tưới phun tự động để trồng rau. Để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thì chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng các hộ dân có thể sử dụng từ 3 đến 4 năm. Hiện, sản phẩm rau của gia đình được Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn bao tiêu với giá ổn định 8.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm".
Tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp” do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, vùng nông thôn là nhân tố thúc đẩy giai đoạn bùng nổ tiếp theo của nền kinh tế số. Hiện tại, có khoảng 77% số người dân nông thôn kết nối internet và 91% trong số đó lên mạng hằng ngày. Do đó, những loại thiết bị máy móc ứng dụng AI đang dần được phổ biến trong sản xuất nông nghiệp, như: Tham gia vào phân tích dữ liệu đất, theo dõi và dự báo thời tiết, điều khiển tự động… Không những vậy, ứng dụng AI còn dự báo sản lượng, tối ưu hóa chuỗi cung ứng nông sản và cải thiện chất lượng sản phẩm, giúp nông dân trong việc gia tăng sản xuất, sử dụng ít đất và ít nhân công hơn.
Đào tạo và hỗ trợ về tài chính
Việc ứng dụng AI trong sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại hiệu quả, nhưng vẫn còn “nút thắt” cần tháo gỡ, như: Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi, dữ liệu chuỗi ngành hàng; hạ tầng thiết bị cũ, thiếu đồng bộ, phân tán. Cùng với đó, giá cả phần cứng và phần mềm cho các hệ thống AI đang rất cao; trình độ, nhận thức của người nông dân còn hạn chế…
Theo Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam Trần Quý, để nông dân có thể tiếp cận được các công nghệ mới, cần có sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ Nhà nước, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, mới có thể đầu tư được hệ thống AI và robot tự động hóa, các dịch vụ tư vấn; hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân tiếp cận các công nghệ mới.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp Nguyễn Quốc Toản, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân về ứng dụng AI trong sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển hạ tầng số, nền tảng số; củng cố an ninh mạng. Mặt khác, phối hợp với các doanh nghiệp, nhà khoa học để nghiên cứu hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ đi vào thực tiễn.
Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng cho biết, Hội sẽ tiếp tục tham mưu để các cơ quan quản lý xây dựng các chính sách phù hợp; kết nối và thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học và nông dân, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI trong sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, cải tiến thông minh hóa, tự động hóa, khép kín quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, từ đó cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.