Chủ tịch Quốc hội trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Công tác đại biểu
Vấn đề và Sự kiện - Ngày đăng : 09:40, 23/03/2023
Chiều ngày 22/3, tại Nhà Quốc hội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (17/3/2003 - 17/3/2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự Lễ kỷ niệm.
Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Thượng tướng Trần Quang Phương; các nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, các Ủy viên UBTVQH và nguyên Ủy viên UBTVQH...
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Ban Công tác đại biểu.
Đóng góp tích cực vào đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 368/2003/NQ-UBTVQH11 về việc thành lập Ban Công tác đại biểu. Trải qua 20 năm hoạt động, từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XI đến nay, được sự quan tâm sâu sát, cụ thể, trước yêu cầu đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã hai lần được UBTVQH sửa đổi, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và không ngừng phát triển cả về tổ chức và hoạt động.
Qua 5 thế hệ lãnh đạo, tập thể lãnh đạo Ban và các cán bộ, công chức chuyên môn phục vụ hoạt động qua các thời kỳ đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm. Nhiều cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, có kinh nghiệm công tác, chủ động, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên để hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng. Công tác tham mưu ngày càng nề nếp, chất lượng, góp phần tích cực vào tiến trình đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng là cơ quan tham mưu của UBTVQH về công tác đại biểu, công tác tổ chức, cán bộ.
Về công tác bầu cử, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tích cực tham mưu cho UBTVQH thể chế hóa quan điểm của Đảng, trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013, đặc biệt là các chế định về bầu cử, Hội đồng bầu cử Quốc gia. Đến nay, hệ thống pháp luật về bầu cử đã cơ bản được hoàn thiện, làm cơ sở pháp lý quan trọng để phát huy dân chủ, bình đẳng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Về hoạt động tổ chức bộ máy và nhân sự, Ban Công tác đại biểu đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan và Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ để tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH chuẩn bị tốt công tác nhân sự trình Quốc hội và nhân sự thuộc thẩm quyền của UBTVQH bảo đảm kịp thời, dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật và đạt được đồng thuận cao.
Về nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), xác định đây là yêu cầu thường xuyên và là yếu tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Nhấn mạnh điều này, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, từ năm 2005 đến nay, Ban Công tác đại biểu đã tổ chức 142 hội nghị bồi dưỡng, thu hút sự tham dự của gần 15.000 lượt ĐBQH, Thường trực HĐND, lãnh đạo và chuyên viên của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh/thành phố. Đồng thời liên tục cập nhật thông tin, kiến thức hỗ trợ cho các đại biểu; phối hợp với HĐND cấp tỉnh tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND các cấp. Các hội nghị đã được Lãnh đạo Quốc hội, ĐBQH, đại biểu HĐND ghi nhận và đánh giá cao về tính thiết thực, hữu ích. Nội dung, chương trình bồi dưỡng đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho ĐBQH, giúp đại biểu tự tin hơn, kinh nghiệm hơn, bản lĩnh hơn khi thực hiện nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của mình mà cử tri đã gửi gắm.
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển của Ban Công tác đại biểu chưa phải là dài, nhưng với những thành quả đạt được đã đóng góp ngày càng hiệu quả vào hoạt động của Quốc hội, UBTVQH trong tiến trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Với thành tích đạt được, Ban Công tác đại biểu vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, đây là phần thưởng cao quý nhất mà Đảng, Nhà nước trao tặng và là niềm cổ vũ động viên rất lớn đối với tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Ban Công tác đại biểu qua các nhiệm kỳ.
Bước vào nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Ban Công tác đại biểu luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trước Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH, cử tri và nhân dân. Trong thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để xây dựng Ban ngày càng vững mạnh, cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực, kỹ năng công tác để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quốc hội dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn mới.
Tham mưu chuyên sâu, chiến lược cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt UBTVQH, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của Ban Công tác đại biểu qua các thời kỳ.
"20 năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức của Ban Công tác đại biểu đã luôn đoàn kết một lòng, kế thừa, phát huy, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng; phát huy tinh thần chủ động, tích cực; từng bước kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ; thực hiện tốt công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất trực tiếp cho UBTVQH về công tác ĐBQH và hướng dẫn hoạt động của HĐND", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận.
Mặc dù lĩnh vực công tác có nhiều vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, chưa có tiền lệ như việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, công tác quy hoạch ĐBQH chuyên trách và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của UBTVQH…, song theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, tập thể Lãnh đạo Ban qua các nhiệm kỳ đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức thực hiện bài bản, đúng với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 21/2022/UBTVQH15 về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu được UBTVQH ban hành trong năm 2022 đã bao quát đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ của Ban. Việc chuyển một số nhiệm vụ cho cơ quan khác để tập trung vào công tác tổ chức bộ máy, cán bộ đã cho thấy tầm nhìn mới và yêu cầu mới của UBTVQH đối với Ban Công tác đại biểu là phải: tham mưu chuyên sâu, chiến lược.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh, Đảng ta đã xác định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Về tiêu chuẩn của ĐBQH, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rất cô đọng là: “Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”…“ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”.
Trước yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu tiếp tục nỗ lực phấn đấu, xác định trọng tâm, trọng điểm trong công việc và có giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả, thiết thực nhất.
Trong đó, Ban Công tác đại biểu cần tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. "Tập trung nghiên cứu các vấn đề mới, quan trọng để chủ động tham mưu, sớm phát hiện những nhân tố mới, kịp thời đề xuất với Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH trong việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự của Quốc hội, tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm của ĐBQH trong hoạt động của Quốc hội", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.
Cùng với đó, Ban Công tác đại biểu cần tham mưu, kiến nghị đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH. Đây là cơ sở để tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xác định mô hình, phương thức hoạt động của Quốc hội và đề xuất các kiến nghị trong Đề án phương hướng bầu cử ĐBQH hội khóa 16, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Chú trọng công tác quy hoạch ĐBQH để thật sự giới thiệu được những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Đảng và pháp luật, tham gia làm ĐBQH; đổi mới công tác bồi dưỡng ĐBQH một cách khoa học, thiết thực, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ĐBQH. Tham mưu thật tốt những vấn đề liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế giám sát của cử tri và phương thức, tiêu chí đánh giá ĐBQH; bảo đảm các điều kiện để ĐBQH thực hiện tốt vai trò của mình.
Chủ động chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH Khoá XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 theo tinh thần từ sớm, từ xa. Trong đó chú trọng hoàn thiện văn bản hướng dẫn cuộc bầu cử theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
Tăng cường sự phối hợp, đổi mới phương thức giám sát của UBTVQH đối với HĐND trên cơ sở Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 của UBTVQH về hướng dẫn hoạt động giám sát của của HĐND và Kết luận của UBTVQH sau Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động của HĐND cấp tỉnh năm 2022 tại tỉnh Quảng Ninh. Tiếp tục tham mưu, kiến nghị về đổi mới tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, trước hết tập trung vào cơ quan dân cử ở địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Ban Công tác đại biểu hết sức lưu ý những yêu cầu cụ thể của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong công tác tham mưu, triển khai công việc của Ban, đó là: phải bám sát thực hiện Nghị quyết số 21 của UBTVQH Khoá XV ngày 11/7/2022 về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu; phải thường xuyên cập nhật, nghiên cứu kỹ các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ để tham mưu cho chắc, cho đúng, cho kịp thời; hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo mật thông tin, lưu trữ hồ sơ, dữ liệu.
Chủ động hơn trong công việc, trong tham khảo ý kiến của các ban xây dựng Đảng, các Bộ, ngành và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan thuộc UBTVQH, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Duy trì nền nếp, kỷ cương công tác, đoàn kết, động viên nhau, luôn thống nhất thật sự, trách nhiệm hết mình với công việc. Phát huy năng lực, trình độ, thế mạnh của mỗi cán bộ, vừa kế thừa, phát huy, vừa đổi mới, chuyên nghiệp, hiệu quả, khẳng định vai trò tích cực của mình đối với các hoạt động của Quốc hội.
Khẳng định Lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Ban Công tác đại biểu hoạt động hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng, Ban Công tác đại biểu sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các mặt công tác, luôn giữ vững vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức, bộ máy của Quốc hội, UBTVQH và trong hệ thống chính trị. "Đây cũng là tiền đề để tập thể lãnh đạo, công chức của Ban Công tác đại biểu có thêm động lực, quyết tâm thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023 và những năm tiếp theo", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.