Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai "kêu cứu" vì thiếu vật tư y tế, khó khăn tài chính

Y tế - Ngày đăng : 14:53, 23/02/2023

BVCL - Nhiều bệnh viện đang gặp khó khăn khi không thể đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế do vướng mắc tại các quy định hiện hành dẫn tới tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, thuốc điều trị.
benh-vien-viet-duc-bach-mai-keu-cuu-vi-thieu-vat-tu-y-te-kho-khan-tai-chinh-hinh-anh0899106861.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và các khách mời tham gia tọa đàm. Ảnh: VGP

Ngày 23/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Ngành y vượt khó" nhằm tháo gỡ những trở ngại, vướng mắc đang tồn tại.

GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm tại cơ sở y tế này gần như sắp hết. Bệnh viện Việt Đức chỉ 1 tuần nữa sẽ hết hóa chất xét nghiệm. Bên cạnh đó, số lượng vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống tại bệnh viện này cũng hạn chế, chỉ chỉ định cho trường hợp cấp cứu.

Đơn vị này còn thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống.

Theo GS Giang, tình trạng này không chỉ diễn ra ở Bệnh viện Việt Đức mà còn tương tự ở nhiều bệnh viện lớn khác. Đây là việc "cấp cứu" của cấp cứu, cần được tháo gỡ ngay lập tức. Nếu không đủ vật tư, bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu.

Liên quan đến việc mua sắm hóa chất xét nghiệm sử dụng cho các hệ thống xét nghiệm, theo ông Giang hiện nay trên thị trường hệ thống máy xét nghiệm chủ yếu là hệ thống máy đóng. Vì vậy, bệnh viện đang gặp một số khó khăn như:

Tình huống số 1: Bệnh viện mua máy hoặc thuê máy xét nghiệm thì đồng nghĩa với việc bệnh viện phụ thuộc vào hóa chất sử dụng cho máy đó trong suốt dòng đời của máy hay trong thời gian thuê. Vì thế, khi đấu thầu sẽ rơi vào tình trạng chỉ có một hóa chất, sẽ vi phạm quy định về chỉ định thầu. 

Tình huống số 2: Bệnh viện thực hiện thuê máy hoặc liên doanh liên kết theo hướng dẫn của Nghị định 151/2017/NĐ-CP thế nhưng hiện chưa có văn bản hướng dẫn cách xác định giá trị thương hiệu đối với các bệnh công lập.

Tình huống số 3: Hiện nay tại tất cả các bệnh viện đấu thầu hóa chất chạy máy, đơn vị trúng thầu sẽ cung cấp các giải pháp để triển khai xét nghiệm bao gồm phần mềm kết nối với mạng LIS, máy xét nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, bảo hành, bảo trì... Tuy nhiên, hiện chưa có các văn bản quy phạm pháp luật cho hoạt động này.

Bên cạnh đó, danh mục các mặt hàng hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao thông thường chưa được chuẩn hóa nên khi tra cứu và so sánh giá vô cùng khó khăn, dẫn tới phát sinh nguy cơ sai sót trong quá trình thực hiện đấu thầu...

Riêng tại Bệnh viện Việt Đức, chi phí xét nghiệm khoảng 20 tỷ đồng mỗi tháng và chi phí đầu tư cho hệ thống xét nghiệm lên tới 50 tỷ đồng.

Ngoài ra, các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong 1 tháng. Nhưng hầu hết giấy phép với vật tư tiêu hao vẫn chưa được gia hạn.

"Đây là việc "cấp cứu của cấp cứu", làm sao để tháo gỡ sớm vì chỉ còn khoảng 1 - 2 tuần nữa, các bệnh viện sẽ gần như không làm được. Các vật tư tiêu hao phục vụ mổ cũng chỉ còn 1 tháng nữa là hết", lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức nói. 

benh-vien-viet-duc-bach-mai-keu-cuu-vi-thieu-vat-tu-y-te-kho-khan-tai-chinh-hinh-anh1814405653.jpg
GS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Quang Thương/VGP

Ngoài thiếu hụt vật tư y tế, GS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị này đang đối mặt với những khó khăn "vô cùng" về tài chính, phải sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp tiết kiệm hơn 10 năm qua để chi tiêu.

3 năm gần đây, bệnh viện không được đầu tư cũng như không mua sắm thiết bị. Các tòa nhà xuống cấp trầm trọng, không được di tu bảo dưỡng, trong khi bệnh viện quá tải, mỗi ngày khám, điều trị 8.000-12.000 bệnh nhân.

Bệnh viện Bạch Mai cũng đang phải bỏ không nhiều thiết bị y tế, do thông tư liên doanh liên kết hết hiệu lực, trong khi thông tư mới chưa ban hành. Do đó, đơn vị không thể tái ký hợp đồng, còn mua mới thì "không có tiền". Việc này đang ảnh hưởng đến hàng nghìn người bệnh, trong đó có nhiều trường hợp nan y hiểm nghèo.

GS Cơ lấy ví dụ, siêu âm ổ bụng nhiều nơi có giá 110.000 - 150.000 đồng còn tại Bệnh viện Bạch Mai là 43.900 đồng. Trong khi đó, nhân sự của Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện đều là các giáo sư, các chuyên gia đầu ngành.

Hiện tại, giá vật tư tăng nhưng bệnh viện chỉ được áp dụng giá cũ nên nguồn tài chính, chênh lệch thu chi không có, đãi ngộ cho nhân viên thấp. Bệnh viện đã dùng quỹ phát triển sự nghiệp chi nhưng không đủ. GS Cơ tâm sự, mỗi khi có một cơ sở tư nhân hay bệnh viện khác thành lập khoa mới, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai lại xin sang đó làm việc.

GS Cơ bày tỏ thêm, từ tháng 7 sẽ áp dụng mức lương mới, nguồn tài chính của Bệnh viện Bạch Mai cũng không đủ chi cho nhân viên. Vì vậy, ông đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng tháo gỡ cho đơn vị.

Sau khi nghe tâm tư của lãnh đạo các bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin, Bộ Y tế vẫn đang tập trung giải quyết các khúc mắc này. Ngành y là ngành đặc thù từ khi học tới lúc làm việc nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, điều kiện làm việc khó khăn nên nhân viên y tế nghỉ việc khó tránh khỏi.

Bộ Y tế đang cùng các bộ, ban ngành trung ương xây dựng và ban hành những quy định liên quan tới khám chữa bệnh, liên doanh liên kết đảm bảo chế độ cho nhân viên y tế. Ngoài ra, ngành y cũng nâng cao năng lực cán bộ y tế trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế. Từ đó, người dân không cần ra nước ngoài chữa bệnh.

Thảo Nguyên