Cần đầu tư thỏa đáng cho y tế cơ sở
Y tế - Ngày đăng : 13:22, 29/03/2023
Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, công tác y tế cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng. Mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp cả nước, từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được tăng cường, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi, phòng chống và quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe người dân bước đầu được triển khai tại tuyến xã; chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe của nhân dân.
Phân tích về việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở của Chỉ thị số 06-CT/TW, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu của Việt Nam năm 2020 đạt 70/100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (61 điểm) và của toàn cầu (67 điểm).
Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Có được những thành tựu quan trọng như vậy là do có sự đóng góp rất lớn của mạng lưới y tế cơ sở.
Mạng lưới y tế cơ sở phủ rộng khắp toàn quốc, 100% xã phường/thị trấn có trạm y tế xã. Đáng lưu ý, tỷ lệ bao phủ BHYT tăng nhanh từ 16% (năm 2002) lên 92% (năm 2022). Giai đoạn 2018-2022, tổng số chi khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở chiếm khoảng 30% tổng chi khám chữa bệnh BHYT.
Số lượng nhân lực y tế tuyến cơ sở trên 187.000 người, chiếm 40% tổng số nhân lực y tế của cả nước, trong đó nhân lực tuyến huyện là 115.000 người (24,5%), tuyến xã là 72.000 người (15%)
Giai đoạn 2008-2015, trái phiếu Chính phủ đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở là 19.220 tỷ đồng cho 598 bệnh viện/trung tâm y tế huyện, 114 phòng khám đa khoa khu vực.
Giai đoạn 2016-2020, ngân sách trung ương tiếp tục hỗ trợ 240 tỷ đồng cho 24 bệnh viện huyện. Bộ Y tế cũng đã triển khai một số dự án ODA đầu tư cho y tế cơ sở, trong đó có một số trung tâm y tế huyện, 460 trạm y tế xã. Nhiều trạm y tế xã được đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương và viện trợ.
Tuy nhiên, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cũng phân tích những tồn tại, hạn chế về y tế cơ sở như: Tổ chức hệ thống y tế cơ sở thời gian qua chưa ổn định, tạo ra những biến động cả về tổ chức, nhân lực và khả năng cung ứng dịch vụ; Một số địa phương đã giải thể trạm y tế phường, thị trấn; Chất lượng nguồn nhân lực tại tuyến y tế cơ sở còn yếu, số lượng còn thiếu; Việc đào tạo, cập nhật thường xuyên kiến thức kỹ năng y khoa còn hạn chế, nhiều nơi không có nhân lực đủ trình độ chuyên môn để thực hiện dịch vụ.
Đặc biệt, nguồn lực cho y tế cơ sở còn hạn chế, tỷ trọng ngân sách nhà nước và BHYT cho tuyến cơ sở còn thấp, chưa đáp ứng với yêu cầu.
Tỷ lệ lượt khám chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện và xã năm 2022 khoảng 75%, nhưng tỷ lệ chi phí sử dụng quỹ BHYT chỉ khoảng 33%, trong đó tuyến xã tỷ lệ lượt khám chữa bệnh BHYT là 17%, nhưng tỷ lệ chi phí chỉ 2%.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giớ (WHO), phải tăng phân bổ quỹ BHYT cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu đạt mức 30% tổng quỹ BHYT, trong đó, chi cho tuyến xã phải là 20% và chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu là 10%. Trong khi đó, với tuyến huyện, tổng chi khám chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện chiếm khoảng 31% tổng chi quỹ BHYT.
Chính vì vậy, một trong những đề xuất và giải pháp được đưa ra, đó là tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tăng định mức phân bổ kinh phí và tăng tỷ trọng chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu từ nguồn ngân sách nhà nước cho y tế tuyến huyện, xã và cho y tế dự phòng. Tăng tỷ trọng chi của quỹ BHYT cho khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện và đặc biệt là trạm y tế xã thông qua việc mở rộng danh mục thanh toán BHYT. Đồng thời, có cơ chế tài chính để chi trả cho các dịch vụ sàng lọc phát hiện bệnh sớm.