Nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường vùng cao

Giáo dục - Ngày đăng : 14:19, 22/02/2023

BVCL - Với đặc thù của tỉnh miền núi, các trường học ở tỉnh Sơn La thường có nhiều điểm lẻ cách xa trung tâm, ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới. Ở những ngôi trường ấy ngày ngày các thầy cô vẫn đang miệt mài, vượt khó bám trường, bám bản nâng bước, ươm mầm tương lai.

Xã Phiêng Pằn là xã biên giới của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, các em học sinh đa số đều là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh việc giảng dạy trên lớp các thầy cô nơi đây đã chủ động khắc phục những khó khăn, dựa vào khả năng của từng học sinh để đưa ra những phương pháp dạy và học hợp lý tạo hứng khởi cho các em học sinh trong quá trình học tập.

anh-1-son-la-nang-cao-chat-luong-giao-duc-o-cac-truong-vung-cao.jpg
Một giờ học tại Trường THCS Chiềng Khoong huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La

Đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn vào những ngày cuối năm mới thấy hết được không khí hăng say học tập của thầy và trò nơi đây. Trường hiện có 35 lớp, 67 cán bộ giáo viên, 1.114 học sinh trong đó có 561 em được ăn, ở bán trú tại trường. Hàng ngày trường đã phân công các thầy cô thay phiên nhau hướng dẫn các em học sinh bán trú ôn luyện bài trước khi đến lớp, quan tâm đến việc ăn, ở của các em tại trường. Chính sự ân cần, quan tâm, sẻ chia của các giáo viên nơi đây đã giúp các em học sinh thêm yêu lớp, mến trường, tích cực rèn luyện, học tập.

Em Hờ Dương Mỉ, học sinh lớp 8C, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phiêng Pằn cho biết: “Chúng em đi học rất vui, đến trường em được thầy cô quan tâm, chỉ bảo tận tình, bài nào khó không hiểu em thường nhờ thầy cô giải đáp sau mỗi giờ lên lớp. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cho chúng em tham gia các câu lạc bộ để tìm hiểu về văn hoá, nghệ thuật của các dân tộc, em thấy rất hay và bổ ích”.

anh-2-son-la-nang-cao-chat-luong-giao-duc-o-cac-truong-vung-cao.jpg
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bó Sinh

Để nâng cao chất lượng dạy và học, hàng năm các trường học trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chủ động xây dựng kế hoạch theo hướng phát triển năng lực của học sinh, phù hợp với tình hình thực tế của trường thông qua việc tăng cường các hoạt động thực hành vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, chú trọng giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kĩ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh.

Cô giáo Đào Thị Thủy, Trường Tiểu học và THCS Chiềng Mung, Mai Sơn, cho biết: “Chúng tôi luôn luôn chú trọng việc sáng kiến đổi mới trong quá trình dạy học để giúp học sinh tiếp thu tốt bài học, tâm huyết với nghề nghiệp, hiểu học sinh, từ đó xây dựng giáo án. Vận dụng lý thuyết và liên hệ thực tiễn, tận dụng tối đa các phương tiện dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong các tiết học một cách hiệu quả nhất”.

anh-3-son-la-nang-cao-chat-luong-giao-duc-o-cac-truong-vung-cao.jpg
Các thầy cô hướng dẫn các em học sinh thêu hoa văn trên trang phục dân tộc

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bó Sinh nằm trên địa bàn xã Bó Sinh, một xã vùng ba đặc biệt khó khăn của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số gần 1200 học sinh của trường có trên em thuộc diện bán trú. Hầu hết học sinh bán trú đều ở cách xa trường từ 10-15km. Nhà trường đã tận dụng tối đa về cơ sở vật chất, huy động nguồn vốn xã hội hoá đầu tư trang thiết bị đảm bảo điều kiện tốt nhất cho học sinh ăn, ở bán trú tại trường.

Để quản lý, chăm sóc cho học sinh bán trú, Ban giám hiệu nhà trường đã phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ luân phiên theo ca đôn đốc, nhắc nhở các em thực hiện nội quy bán trú cũng như sinh hoạt ngoài giờ lên lớp. Công tác bán trú rất vất vả đặc biệt là đối với các em học sinh lớp 1, 2 các em mới xa nhà nên còn nhiều bỡ ngỡ. Các thầy cô ngoài việc giảng dạy trên lớp còn phải quản lý học sinh như con em của mình. Vất vả là vậy nhưng mỗi thầy cô nơi đây đều xác định đã công tác tại trường là phải có trách nhiệm để giúp học sinh có sức khỏe và yên tâm học tập.

Em Lường Văn Nghiệp, học sinh lớp 9B, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bó Sinh cho biết: “Ngoài giờ học chính trên lớp em còn được tham gia các lớp học buổi tối, các lớp rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử và xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống. Qua các lớp học này giúp cho em hiểu và tránh xa được các tệ nạn xã hội, định hướng được cho em về nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình sau này”.

Đằng sau những thành tích học tập đáng nể của các em học sinh, là sự nỗ lực, cố gắng của các thầy giáo, cô giáo, nhân viên nhà trường, với mục tiêu “tất cả vì học sinh thân yêu”, giúp các em có điều kiện học tập tốt nhất. Huyện Sông Mã hiện có 53 đơn vị trường học với tổng số trên 44.300 học sinh trong đó có gần 9.800 học sinh ăn, ở bán trú tại trường. Để giảm bớt khó khăn cho học sinh, giáo viên tại các trường bán trú, huyện Sông Mã đã quan tâm đầu tư các hạng mục công trình phục vụ công tác bán trú như nhà ở, bếp ăn, nhà vệ sinh. Đồng thời huy động nguồn vốn xã hội hoá để xây dựng cơ sở vật chất, tạo cảnh quan trường từng bước đáp ứng điều kiện ăn ở, học tập cho học sinh một cách thuận lợi nhất.

Thầy Nguyễn Chí Công, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bó Sinh chia sẻ: “Đặc thù của nhà trường là trường vùng 3 nằm trên địa bàn một xã đặc biệt khó khăn của huyện Sông Mã. Các em học sinh chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, khi các em đến trường chúng tôi xác định mỗi thầy cô phải như những người cha, người mẹ thứ 2 dốc hết tâm huyết, trí tuệ của mình để dạy cho các em cái chữ, dạy cách làm người. Cũng mong sao học sinh của chúng tôi sau này sẽ tiếp tục theo đuổi con đường học tập mang những tri thức của mình giúp xã nhà phát triển và thoát nghèo”.

anh-4-son-la-nang-cao-chat-luong-giao-duc-o-cac-truong-vung-cao.jpg
Các em học sinh đọc sách tại thư viện xanh

Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có trên 610 cơ sở giáo dục. Công tác xóa mù chữ, huy động trẻ đến trường đạt trên 99,9%; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học lớp 6; tỉ lệ người trong độ tuổi từ 15-60 tuổi biết chữ đạt 94,4%. Các loại hình giáo dục từng bước được đa dạng hóa với hệ thống trường ngoài công lập, hệ thống trường chuyên biệt được xây dựng và đầu tư. Cùng với đó, công tác giáo dục dân tộc được quan tâm phát triển, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, mô hình bán trú trong các trường mầm non, phổ thông được mở rộng và từng bước được củng cố để đáp ứng yêu cầu đào tạo học sinh người dân tộc thiểu số.

Theo đó, tỉ lệ và chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng được cải thiện. Đến hết năm học 2021-2022, toàn tỉnh Sơn La có 346/598 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 57%, trong đó 24% cơ sở giáo dục được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết: Hiện tại chúng tôi đã và đang có những chính sách ưu tiên đối với giáo viên và học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn như hỗ trợ sách giáo khoa, tạo điều kiện cho các em ăn, ở bán trú… Mỗi cán bộ công tác trong ngành giáo dục đều xác định dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt và phương châm hành động “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, “Quyết tâm, kiên trì cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp”.

Thu Trang