Góp ý tiến trình thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên
Tòa án với công dân - Ngày đăng : 15:48, 11/11/2022

Tọa đàm nhằm đánh giá mức độ phù hợp của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên với nhu cầu, năng lực và nhiệm vụ trong bối cảnh tổng thể, xu hướng và môi trường, chính sách về tư pháp cho người chưa thành niên ở Việt Nam.

Các đại biểu tham gia đã đóng góp ý kiến về một số nội dung như: Mong muốn được tập huấn kiến thức, trang bị kỹ năng kiến thức, tâm lý cho cán bộ Tòa án tại Tòa người chưa thành niên, thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên ở các quận, huyện, có lộ trình, bàn bạc cụ thể cho việc thành lập Tòa này… Hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế, có chỉ tiêu cụ thể cho Tòa Gia đình cấp huyện, cấp tỉnh. Ban hành chỉ thị nghị quyết sớm để thực hiện và cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Kết luận tại Tọa đàm, ông Nguyễn Chí Công khẳng định, các ý kiến đóng góp của đại biểu rất có ý nghĩa và giá trị, những ý kiến này sẽ được bổ sung, đề xuất trong Dự thảo để Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học trình lên Ủy ban Thường vụ quốc hội.
Chế định Tòa Gia đình và Người chưa thành niên phù hợp với cải cách tư pháp của Đảng, đặc biệt là hệ thống Tòa án, cũng như chính sách và khung pháp luật về bảo vệ trẻ em và tư pháp người chưa thành niên. Việc thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên phù hợp với Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và khuyến nghị của Liên hợp quốc về người chưa thành niên.

Hệ thống pháp luật Việt Nam và thiết chế Tòa Gia đình và Người chưa thành niên đã tương thích với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và tư pháp cho người chưa thành niên. Việc thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên đảm bảo sự phù hợp với nhu cầu đặc thù và tính dễ bị tổn thương của phụ nữ, trẻ em trong hệ thống tư pháp.
Ông khuyến nghị, trước mắt, cần xây dựng chương trình tập huấn về tư pháp người chưa thành niên, tổ chức tập huấn cho các thẩm phán Tòa Gia đình và Người chưa thành niên…