Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc từng bước chuyển mình
Du lịch - Ngày đăng : 19:09, 12/09/2022
Các chuyên gia của Việt Nam và UNESCO đều đánh giá, khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc đáp ứng rất tốt các tiêu chí của di sản thế giới, đề cao tính xác thực, tính toàn vẹn của di tích. Đây là điều kiện thuận lợi để khu di tích này có cơ sở cho hành trình trở thành một di sản thế giới, đáp ứng mong mỏi và niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung và người dân tỉnh Hải Dương nói riêng.
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh) được biết đến như một địa chỉ văn hóa tâm linh quan trọng trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Sự giàu có về các giá trị văn hóa vật thể hội tụ cùng những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc thể hiện ở các lễ hội gắn với di tích là lý do nơi đây thu hút hàng chục vạn lượt du khách mỗi năm.
Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc Lê Duy Mạnh cho biết thêm: “Các di tích đã được tu bổ, tôn tạo đúng với các hệ thống di tích đã ghi trong văn bia và các tài liệu lịch sử. Tại di tích Côn Sơn, đã khôi phục lại gác chuông, tòa Cửu phẩm liên hoa, Hậu đường, Lầu thờ Đức Phật Quán thế âm Bồ Tát, Am Bạch Vân. Tại di tích Kiếp Bạc, đã khôi phục lại nhà giải vũ, đền chính và các di tích liên quan đến thái ấp Vạn Kiếp của Đức Thánh Trần ở thế kỷ XIII…”
Cùng với đó, công tác bảo tồn, nâng cấp lễ hội chùa Côn Sơn vào tháng giêng, lễ hội đền Kiếp Bạc vào tháng tám âm lịch hàng năm cũng được Hải Dương quan tâm. Thực hiện Đề án nâng cấp lễ hội từ năm 2006, Hải Dương đã phục dựng các nghi lễ, diễn xướng hầu Thánh, Hội quân trên sông Lục Đầu, lễ tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn... Đến năm 2012, Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được xếp hạng là di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Côn Sơn và Lễ hội đền Kiếp Bạc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia.
Hiện nay, mỗi năm, khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc thu hút hàng chục vạn lượt du khách thập phương về tham quan, chiêm bái. Riêng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2022, có trên 7,2 vạn lượt khách về với di tích. Để nơi đây trở thành một địa chỉ tâm linh có sức hấp dẫn với nhân dân cả nước, bên cạnh công tác bảo tồn, Hải Dương đã làm tốt công tác thông tin, quảng bá để giá trị của di tích được lan tỏa và ngày càng phát huy.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương Nguyễn Trường Thắng cho biết: Chúng tôi cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá trị văn hóa, về công tác duy tu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản cho cán bộ các cấp, đội ngũ làm tại Ban Quản lý di tích.
Để nâng tầm giá trị của di tích, hiện nay, tỉnh Hải Dương cùng hai tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang đang khẩn trương phối hợp xây dựng Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” để trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đến tháng 8/2022, việc xây dựng Hồ sơ đã hoàn thành giai đoạn 1. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã thống nhất điều chỉnh lùi tiến độ xây dựng Hồ sơ 12 tháng so với kế hoạch đã được phê duyệt nhằm đảm bảo chất lượng hồ sơ.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, Ban Quản lý đã chỉnh trang lại di tích, di chuyển hàng quán, hoàn thiện lại hồ sơ liên quan, đặc biệt là các hồ sơ khai quật khảo cổ học tại di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc từ năm 1972 đến nay.
Hy vọng rằng Quần thể di tích sẽ sớm được công nhận là di sản thế giới. Đây sẽ là danh hiệu xứng tầm với những giá trị về nhiều mặt của Quần thể di tích nói chung, Côn Sơn - Kiếp Bạc nói riêng.