Kiên Giang: 12 năm tù cho hai đối tượng tham gia tổ chức phản động của Đào Minh Quân

Tòa tuyên án - Ngày đăng : 08:21, 07/10/2022

BVCL - Ngày 6/10/2022, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Văn Nghĩa và Dương Thị Bé về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Vào khoảng năm 2014, Nguyễn Văn Nghĩa (sinh ngày 09/12/1975, tạm trú tại khu phố 3, phường An Thới, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), thường xuyên sử dụng điện thoại di động hiệu Iphone 7 để lên mạng vào trang web “chinhphuquocgia.com” để tìm hiểu tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” (gọi tắt là tổ chức) của Đào Minh Quân.

Đến cuối năm 2018, thông qua trang web “tcdy.us” của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, Nghĩa tham gia “Trưng cầu dân ý” bầu Đào Minh Quân làm tổng thống “Đệ tam Việt Nam cộng hòa” và tự nguyện làm hồ sơ xin tham gia tổ chức.

Khi được tổ chức công nhận là thành viên, Nghĩa lần lượt được tổ chức cấp các bí số: A1242; A6029; A10001, A1097, A405 và các bí danh “Nguyễn Nghĩa”, “Trần Nghĩa”, “Nguyễn Hòa Nghĩa”, “Trần Chánh Trung” để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của tổ chức, Hiến pháp Đệ tam Việt Nam cộng hòa, tiểu sử của Đào Minh Quân và lôi kéo người tham gia tổ chức.

Đến khoảng tháng 3/2020, Nghĩa được tổ chức phong hàm Thiếu tá, Nha nhân viên Bộ Quốc phòng. Tháng 6/2020, Nghĩa được phong hàm Trung tá, Nha nhân viên Bộ Quốc phòng, với nhiệm vụ huấn luyện quân trường lưu động FCC (phòng họp trực tuyến giữa các đối tượng trong tổ chức).

Tháng 8/2020, Nghĩa được phong hàm Đại tá, Giám đốc Nha quân Pháp, với nhiệm vụ chỉnh sửa lỗi chính tả các bài viết do các thành viên của tổ chức đăng trên mạng xã hội. Tháng 10/2020, Nghĩa được phong hàm Chuẩn tướng, Giám đốc Nha quân Pháp với nhiệm vụ soạn thảo luật “Trừng phạt những kẻ quậy phá” và luật “Quân nhân” cho tổ chức.

Đến giữa năm 2021, Nghĩa tham gia “Ban thông tin, báo chí” với nhiệm vụ quản trị email “banthongtin-baochi@cpqgvnlt.com” để nhận, chỉnh sửa các bài viết do các thành viên của tổ chức đăng trên mạng xã hội nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, chia rẽ, phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc; xúc phạm danh dự của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đến cuối tháng 10/2021, Nghĩa làm phát ngôn viên chính thức của tổ chức và tham gia vào Toán 2 của “Thập bát tú” với nhiệm vụ sẵn sàng thuyết trình trong các buổi họp FCC.

Nghĩa đã câu kết, lôi kéo những người thân của mình vào tham gia tổ chức, cụ thể, Nghĩa gặp Dương Thị Bé (là bạn gái của Nghĩa, sinh ngày 20/10/1982, ngụ tại khu phố 6, phường An Thới, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), để làm hồ sơ cho Bé tự nguyện tham gia tổ chức và được tổ chức công nhận là thành viên.

z3779817588340_8e4da1d1fd1172466a86d4bcd1e2f22e.jpg
Hai bị cáo tại phiên tòa

Khi đó, Nghĩa cùng Bé tiếp tục gặp Nguyễn Thanh Nga (chị ruột của Nghĩa) và Lê Thị Diễm Trinh (em cùng mẹ khác cha với Nghĩa) tuyên truyền đường lối, chủ trương và chính sách ưu đãi của tổ chức nhằm mục đích lôi kéo Nga và Trinh vào tham gia chiến dịch “Trưng cầu dân ý” để làm hồ sơ cho Nga và Trinh tự nguyện tham gia tổ chức nhưng Nga và Trinh chưa được tổ chức công nhận là thành viên.

Ngoài ra vào cuối năm 2020, Nghĩa tham gia “Ban cấp đất, cấp nhà” và được tổ chức nói trên giao nhiệm vụ kiểm định, xét duyệt hồ sơ hộ nghèo của người dân ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Quảng Trị để cho tổ chức cấp đất, cấp nhà nhưng phải chờ sự tài trợ của tổ chức nên chưa thực hiện.

Đối với Dương Thị Bé, vào khoảng giữa năm 2020, sau khi đồng ý tham gia vào tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” theo yêu cầu của Nghĩa, Bé bắt đầu sử dụng điện thoại để lên mạng vào trang web “chinhphuquocgia.com” để tìm hiểu tổ chức của Đào Minh Quân; tham gia trưng cầu dân ý và được tổ chức công nhận là thành viên của tổ chức, cấp bí danh “Mai Liên”, bí số A0001, phong hàm Trung tá, tham gia vào “Đoàn nữ quân nhân” với nhiệm vụ là tuyên truyền tiểu sử của Đào Minh Quân, chủ trương, đường lối, mục đích hoạt động của tổ chức nói trên để lôi kéo nhiều người tham gia chiến dịch “Trưng cầu dân ý” và tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”.

Đến khoảng tháng 8/2021, Bé được phân công vào Ban điều hành “Đoàn nữ quân nhân” với bí danh “Mai Chí Thanh”, bí số B20003, làm nhiệm vụ phụ giúp Thiếu tướng Kim Lan điều hành “Đoàn nữ quân nhân”, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong các buổi huấn luyện, phân chia bản Hiến pháp “Đệ tam Việt Nam cộng hòa” cho các thành viên đọc trong các buổi huấn luyện, trực tiếp thuyết giảng, nhận xét bài thuyết trình cho các thành viên mới thông qua các buổi họp FCC.

Đến tháng 10/2021, Bé được phong hàm Đại tá, tiếp tục tham gia “Viện chiêu hiền” với nhiệm vụ kêu gọi cán bộ, lực lượng vũ trang tham gia tổ chức cho đến khi bị bắt.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều vật chứng có liên quan đến hành vi của Nghĩa và Bé, gồm hơn 600 trang tài liệu được in ra từ tài khoản gmail tên “philipnghiasg@gmail.com”, 02 tài khoản facebook tên “Trung Tran” và Nguyen Nghia” của Nguyễn Văn Nghĩa; tài khoản gmail tên “mailienpq2010@gmail.com” và tài khoản facebook tên “Thế Giới Mới” của Dương Thị Bé; nhiều điện thoại di động, Laptop;…

Kết luận giám định của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang xác định, qua xem xét các tài liệu được trưng cầu giám định, các thành viên giám định tập thể nhận thấy các tài liệu này có nội dung thể hiện: Xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Những luận điệu chiến tranh tâm lý; Chia rẽ, phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc; Xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với cá nhân, tổ chức; Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Trên cơ sở kết quả điều tra, ngày 23/6/2022, VKSND tỉnh Kiên Giang ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Văn Nghĩa và Dương Thị Bé về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 5 năm đến 12 năm.

TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt bị cáo Nghĩa 7 năm tù, bị cáo Bé 5 năm tù.

Tâm Phúc