Cần tiếp tục thể chế hoá đầy đủ Hiến pháp 2013 vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Vấn đề và Sự kiện - Ngày đăng : 11:02, 27/09/2022

BVCL - Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đây là dự án luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội.

Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 69 và Điều 70 dự thảo Luật, bảo đảm các nguyên tắc theo quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

anh-1.jpg
Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị trong quá trình soạn thảo cần lưu ý, bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Đề nghị rà soát, đánh giá kỹ hơn về tính tương thích của dự thảo Luật với với điều ước quốc tế có liên quan mà CHXHCN Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật và thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW (các nội dung cụ thể đã trình bày trong báo cáo đầy đủ)…

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau gần 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, bên cạnh những mặt tích cực thì Luật cũng bộ lộ nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, hiệu quả sử dụng đất, tài chính đất đai. Vì vậy, Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề nghị sửa đổi Luật với 11 nhóm chính sách lớn. Đây là dự án Luật khá phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề trong dự án Luật như: sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà CHXHCN Việt Nam là thành viên; các quy định về áp dụng pháp luật; người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần rà soát các luật liên quan đến Luật Đất đai và xử lý như thế nào trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Đất đai với luật khác, xác định thứ tự ưu tiên, nguyên tắc áp dụng pháp luật như thế nào để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; Xem xét luật hóa tối đa các quy định và giảm bớt các điều giao Chính phủ hướng dẫn để đảm bảo tính cụ thể, tính minh bạch của luật.

Phát biểu gợi ý thêm một số nội dung thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các dự án luật khác bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính chất ổn định về pháp luật đất đai qua các thời kỳ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt và được Trung ương khẳng định. Sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay. Cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng, trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể. Trong quá trình xây dựng luật cần tách bạch quan hệ đất đai mang tính chất công với quan hệ đất đai mang tính chất tư…

anh-2.jpg
Bộ trưởng Bộ TNMT giải trình tại phiên họp (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần xác định việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai lần này là một sự kiện chính trị pháp lý lớn của đất nước, là một đợt sinh hoạt chính trị để triển khai chủ trương của Đảng trong văn kiện Đội XIII và Nghị quyết 18, để bám sát và thể chế hóa đúng đắn, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối được nêu trong các văn kiện của Đảng; Khi thu hồi đất thì bồi thường cho người có quyền sử dụng bị thu hồi phải đảm bảo đời sống tốt hơn, trong Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu rất rõ nhưng trong dự thảo luật chỉ nhắc lại chứ không cụ thể hơn…Nếu các chế định trong luật này mà làm không kỹ, không thận trọng, không cân nhắc kỹ lưỡng sẽ tác động trực tiếp đến các mối quan hệ pháp lý khác.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật có đến 80/240 điều có quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Nhấn mạnh đây là một tỷ lệ lớn, do đó khi triển khai thực hiện sẽ khó bảo đảm minh bạch và ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi và đề nghị tiếp tục rà soát để cụ thể hóa nhiều hơn các quy định, giảm bớt các điều phải đợi Chính phủ hướng dẫn.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra rằng, hiện có 22 trong tổng số 112 Luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai hiện hành. Tuy nhiên, trong báo cáo chưa rà soát về tính tương thích, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Hiến pháp năm 2013. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ Hiến pháp năm 2013 vào dự thảo Luật. Đồng thời tập trung rà soát các nút thắt mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất để tạo không gian mới, động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và giảm tối đa thủ tục hành chính về đất đai.

Phát biểu giải trình một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đối với các trường hợp nhà nước thu hồi đất, Dự án Luật đã quy định trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên rất khó để đưa điều kiện, tiêu chí toàn diện về vấn đề này, tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu để nghiên cứu, làm rõ nội hàm việc thu hồi đất đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, cũng nghiên cứu mở rộng quỹ đất theo hướng tuyến đường để mở rộng các đường giao thông, lấy nguồn lực đất đai để tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông, phục vụ mục đích phát triển kinh tế- xã hội…

Đối với vấn đề về áp dụng pháp luật, Bộ trưởng cho biết, Luật Đất đai nằm ở trung tâm việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, có nhiều nội dung giao thoa với các bộ luật khác. Tính ổn định của Luật Đất đai quyết định tính ổn định của tình hình chính trị, xã hội, chất lượng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Kế thừa các nghiên cứu từ các luật khác, tại Điều 4 trong Dự án Luật này quy định đúng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần điều chỉnh, xử lý các mối quan hệ trong hệ thống pháp luật. Các quy định trong Điều 4 này cũng hướng đến làm rõ, điều chỉnh mối quan hệ giữa Luật Đất đai 2023 với các Luật khác, chứ không phải Luật Đất đai 2013, nên sẽ không chỉ giải quyết các vấn đề chồng chéo trước đây, mà còn hướng đến giảm thiểu các mâu thuẫn, chồng chéo của Luật sắp ban hành.

Quỳnh Như