Đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo

Kinh tế - Ngày đăng : 09:00, 31/08/2022

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo phải xem xét hợp lý của bốn vấn đề là: nguồn điện, tải điện, sử dụng điện phải hiệu quả và giá điện.

Tối 30/8/2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm.

30-nam-tai-lap-binh-thuan(1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh Bình Thuận

Từng bước biến khó khăn thành lợi thế so sánh, mạnh dạn tìm chọn   một hướng đi phù hợp

Trong diễn văn khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Dương Văn An đã ôn lại quá trình từ lúc tái lập tỉnh Bình Thuận đến nay. Tháng 12/1991, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (khóa VIII) đã quyết định tách tỉnh Thuận Hải thành 2 tỉnh: Ninh Thuận và Bình Thuận; các tỉnh mới bắt đầu hoạt động từ ngày 1/4/1992. Khi mới được tái lập, Bình Thuận là một trong những tỉnh rất khó khăn của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, của các tỉnh, thành; cùng với sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Bình Thuận đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh, thành tựu quan trọng nhất là phát triển hệ thống thủy lợi. Được biết đến là một trong những tỉnh nắng gió, khô hạn nhất nước, đến nay, Bình Thuận có 78 hệ thống thủy lợi với hàng trăm công trình lớn và nhỏ với tổng dung tích hơn 400 triệu m3; đưa diện tích gieo trồng được tưới chủ động tăng gấp 4 lần. Đặc biệt, với sáng kiến nối mạng thủy lợi, đã đưa được nước về những vùng đất khô cằn, hoang hóa; từ đó vực dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế từng vùng đất trên địa bàn tỉnh.

Với bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm cao, tỉnh Bình Thuận đã từng bước biến khó khăn thành lợi thế so sánh, mạnh dạn tìm chọn cho mình một hướng đi phù hợp, từ đó tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác và phát huy ngày càng hiệu quả hơn. Từ một tỉnh thuần nông, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, Bình Thuận đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh công nghiệp - dịch vụ, trong đó, ngành công nghiệp năng lượng đã có sự phát triển bứt phá, trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 48 nhà máy điện đang hoạt động với các loại hình: thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió, với tổng công suất 6.520 MW; sản lượng điện thiết kế khoảng 31,6 tỷ kWh/năm. Thời gian tới, các nhà máy điện khí hóa lỏng LNG, điện gió ngoài khơi sẽ được tiếp tục đầu tư; chúng ta tin tưởng, trong tương lai không xa, Bình Thuận sẽ trở thành Trung tâm năng lượng lớn của đất nước.

Từ năm 1992 đến nay, Bình Thuận luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm tăng 9,07%; trong đó, GRDP nhóm ngành: nông - lâm - thủy sản tăng 5,19%; công nghiệp - xây dựng tăng 15,16%; dịch vụ tăng 14,02%. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn cao hơn so với mức bình quân của cả nước. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đến năm 2022, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng lên 37,32% (năm 1992 chiếm 12,13%); dịch vụ tăng lên 33,04% (năm 1992 chiếm 25,25%); tỷ trọng nhóm ngành nông - lâm - thủy sản giảm còn 29,64% (năm 1992 chiếm 62,61%). Quy mô giá trị GRDP (theo giá hiện hành) tăng từ 3.914 tỷ đồng năm 1992 lên 94.858 tỷ đồng năm 2022 (bằng gấp 24,24 lần, tăng bình quân 11,21%/năm). Năng suất lao động năm 2022 bằng gấp 17,7 lần so với năm 1992, tăng bình quân 10,05%/năm. GRDP bình quân đầu người tăng từ 4,55 triệu đồng (tương đương 252,11 USD năm 1992 lên 75,69 triệu đồng (tương đương 3.248,52 USD), bằng gấp 12,89 lần so với năm 1992, tăng bình quân 12,89%/năm; thu nhập bình quân đầu người từ 1,35 triệu đồng năm 1992 lên 56,28 triệu đồng năm 2022 (bằng gấp 41 lần, tăng bình quân 13,24%/năm). Các ngành kinh tế phát triển khá đồng đều, tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác ngày càng tốt hơn, nhất là về năng lượng, du lịch.

30-nam-tai-lap-binh-thuan2(1).jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Dương Văn An đọc diễn văn kỷ niệm

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh: Với những thành tựu quan trọng đạt được trong 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Quan trọng nhất là bài học về khơi dậy niềm tự hào, truyền thống yêu quê hương với ý chí, khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân Bình Thuận. Từ đó cùng nhau đoàn kết nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi gian khổ, biến khó khăn, thách thức thành tiềm năng, lợi thế; vừa nêu cao ý chí tự lực tự cường, vừa tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các địa phương trong cả nước, trước hết là các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ. Nhờ vậy, Bình Thuận từ một tỉnh nghèo vươn lên trở thành một “cực” phát triển mới của khu vực Nam Trung bộ, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh phát triển nhanh hơn và vững chắc hơn trong giai đoạn tiếp theo.

4 vấn đề để đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo

Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao tỉnh Bình Thuận đã biết tận dụng và biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội, lấy phát triển du lịch và công nghiệp năng lượng làm đột phá, xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Từ một vùng đất “khô - khổ - khó” đã vươn lên mạnh mẽ và có sự phát triển vuợt bậc, rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung và miền Đông Nam bộ.

Bình Thuận đã và đang hoàn thiện các hệ thống giao thông chiến lược, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, bộ mặt đô thị nông thôn có sự thay đổi đáng kể ngày càng khang trang sạch đẹp hợn, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao. Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu và nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng, đổi mới, phát triển góp phần thiết thực hoàn thành nhiệm vụ chung của cả nước.

Tỉnh đã biết chọn cái vốn có mà thiên nhiên ban tặng để biến chúng thành lợi thế và ưu điểm khác biệt trong định hướng phát triển kinh tế. Khác biệt là cơ hội cũng là lợi thế cạnh tranh. Thủ tướng đánh giá cao trong chính sách lựa chọn năng lượng tái tạo để đi lên là một sáng tạo, là một lựa chọn mang tính đột phá quyết định và bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo phải xem xét hợp lý của bốn vấn đề là: nguồn điện, tải điện, sử dụng điện phải hiệu quả và giá điện.

Cụ thể, theo Thủ tướng, các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng, gió) cần được phát triền hài hòa giữa các vùng miền. Còn vấn đề tải điện rất tốn kém, cần nghiên cứu đánh giá xem hệ thống đường dây tải điện (đường 500kv…) đã được xây dựng thế nào, đi tới đâu cần được tận dụng để giảm chi phí đầu tư ban đầu. Việc xây dựng các nhà máy điện năng lượng cần phải có quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch, tránh lãng phí và bức xúc trong quần chúng nhân dân từ những việc tranh chấp đất đai. Giá điện phải cân đối để phù hợp với đời sống của người dân và các doanh nghiệp. Để ngành công nghiệp năng lượng tái tạo phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao thì chính quyền cũng cần có chính sách tốt kêu gọi các nhà đầu tư năng lực và uy tín tham gia hoàn thiện bốn vấn đề trên. Làm được điều đó, Bình Thuận đã biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể từ vùng đất: khô - khó - khổ”.

Phan Trà