Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế và tạm dừng thực hiện hợp nhất một số mô hình

Vấn đề và Sự kiện - Ngày đăng : 07:30, 04/08/2022

Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 đến hết năm 2026 là 2.234.720 biên chế và thí điểm mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, huyện.

Bổ sung 65.980 biên chế giáo viên

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quyết định 71 của Bộ Chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026. Theo đó, Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026 (không bao gồm biên chế Công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố) đến hết năm 2026 là 2.234.720 biên chế.

Trong số này có 336.328 biên chế cán bộ, công chức; 1.680.677 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (gồm 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026). Ngoài ra còn có 686 biên chế các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương; 205.571 cán bộ, công chức cấp xã; 1.358 biên chế công đoàn tạm giao các địa phương.

tong-bien-che-cong-chuc.jpeg
Ảnh minh họa

Cụ thể, khối Quốc hội được giao 1.061 biên chế gồm 787 cán bộ, công chức; 274 viên chức. Các cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội ở trung ương được giao 6.285 biên chế gồm 3.335 cán bộ, công chức; 2.950 viên chức.

Các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội ở địa phương được giao 64.266 biên chế, trong đó biên chế công đoàn là 1.358, còn cán bộ, công chức có 55.949 biên chế, viên chức có 6.959 biên chế.

Chính quyền địa phương được giao 1.908.882 biên chế gồm 140.826 cán bộ, công chức; 1.562.485 viên chức. Khối Chính phủ có 210.830 biên chế gồm 102.614 cán bộ, công chức; 107.530 viên chức. TANDTC có 15.237 biên chế; VKSNDTC có 15.860 biên chế; Kiểm toán Nhà nước có 2.109 biên chế; Văn phòng Chủ tịch nước có 90 biên chế. Bộ Chính trị cũng quyết định số biên chế dự phòng cho giai đoạn này là 10.100 biên chế gồm 1.700 công chức và 8.400 viên chức.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị quyết định số lượng và quản lý tổng biên chế toàn hệ thống chính trị. Bởi trước đây biên chế Chính phủ, Quốc hội do do các đơn vị này quyết, Ban Tổ chức Trung ương chỉ quản lý MTTQ, tổ chức chính trị, các ban đảng cấp trung ương, còn cấp huyện, cấp cơ sở do Chính phủ quyết.

Các tỉnh chủ động hợp nhất Sở, ngành

Bộ Chính trị vừa có thông báo Kết luận số 16 về việc thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Sau khi xem xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương về sơ kết thực hiện Kết luận 34/2018 của Bộ Chính trị, ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị có kết luận một số nội dung cụ thể.

Theo đó, Bộ Chính trị đánh giá cao sự chủ động, tích cực của một số cấp ủy, tổ chức đảng trong triển khai thực hiện thí điểm mô hình tổ chức mới. Quá trình thực hiện đã đạt được một số kết quả bước đầu, vừa nâng cao nhận thức trách nhiệm, vừa phát huy sự chủ động, sáng tạo của một số cấp ủy địa phương trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Qua đó góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo cơ sở thực tiễn để xem xét triển khai những mô hình phù hợp, hiệu quả trong thực tiễn.

Tuy nhiên, còn một số hạn chế vướng mắc như một số cấp ủy chưa thật quyết liệt, có nơi chủ quan, nóng vội, lúng túng, kết quả chưa đồng đều giữa các địa phương, một số mô hình triển khai trong phạm vi hẹp, chủ yếu ở cấp huyện, hiệu quả hạn chế. Cá biệt có nơi gặp khó khăn đã dừng thí điểm khi chưa có chủ trương của Trung ương. Một số cán bộ, nhất là người đứng đầu cơ quan theo mô hình tổ chức mới chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo một số nội dung. Cụ thể, tiếp tục tổ chức đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh theo Kết luận 34.

Ban thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy căn cứ vào tình hình địa phương và yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chủ động quyết định thực hiện một số mô hình sau: Hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện; Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, huyện.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu tạm dừng thực hiện thí điểm một số mô hình. Cụ thể, hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng: Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh Thanh tra cấp tỉnh, huyện; Trưởng ban Tổ chức cấp tỉnh đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ; Trưởng ban Tổ chức cấp huyện đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ; Chánh Văn phòng cấp ủy cấp huyện đồng thời là Chánh văn phòng HĐND, UBND cấp huyện.

Các địa phương đã triển khai thực hiện thí điểm các mô hình trên thì Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy chỉ đạo sắp xếp lại theo mô hình chung của hệ thống chính trị. Bộ Chính trị cũng yêu cầu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sơ kết các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy, kiêm nhiệm chức danh của Đảng và hệ thống chính trị.

Bộ Chính trị giao các tỉnh, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện thông báo kết luận này. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Ban Tổ chức trung ương tham mưu ban hành các văn bản có liên quan, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Quỳnh Như