Còn đâu nghĩa cũ, tình xưa…

Câu chuyện pháp đình - Ngày đăng : 13:58, 25/07/2022

Khi mới yêu, Nguyễn Quốc Yên cho rằng sự xuất hiện của bà Ngô Thị Hương chính là vệt sáng trong góc tối ở trong lòng ông ta. Khi tình đã cạn ông cứ vậy mà cho rằng người đàn bà ấy chính là kiếp nạn.

Nguyễn Quốc Yên (SN 1959, trú tại xã Băc Lý, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) vốn được đánh giá là một người đàn ông ấm áp, ít nhất là trong mắt bà Ngô Thị Hương và những người thân. Những lo lắng thường nhật đôi khi bà Hương chôn chặt ở trong lòng nhưng vì sự ấm áp, sự quan tâm chia sẻ của Nguyễn Quốc Yên mà bị khơi ra. Cũng vì một câu “yên tâm tất cả đã có tôi” ấy mà bà Hương đã có những ngày tháng đắm chìm vào sự nuông chiều, dịu dàng và hạnh phúc.

Hai người đến với nhau từ năm 1974, là người cùng thôn, cùng làng nên nói về sự hiểu biết về nhau thực không hề ít. Thời điểm đó, họ cũng được coi là “đôi lứa xứng đôi”, đến với nhau trong sự ủng hộ nhiệt tình của hai bên dòng họ. Cuộc hôn nhân hạnh phúc đã đơm hoa kết trái với 4 đứa con lần lượt ra đời. 11 năm gắn bó yêu thương, Nguyễn Quốc Yên hiểu được tính vợ mình, biết người đàn bà ấy nhạy cảm, tâm trạng khó đoán, một giây trước như nước nhỏ giọt nhưng một giây sau có thể ùn ùn như lũ quét. Khi yêu, Nguyễn Quốc Yên cho rằng đó là đẹp, nhưng khi tình yêu vơi cạn, ông lại thấy đó là “chướng” không thể chiều.

tinh-cu.jpg
Ảnh minh họa

Những câu chuyện tưởng là vụn vặt, hóa ra trong lòng mỗi người từ lâu đã tích tụ tạo thành vết nứt rồi đến lúc rách toác. Đối phương không còn sự kiên nhẫn để có thể xoa dịu những con sóng trong lòng nhau và rồi họ quyết định dừng lại sau hơn mười năm về cùng một chỗ.

Nguyễn Quốc Yên là người đàn ông không chịu được sự cô đơn, đó là sự thật. Sau khi ly hôn, bà Ngô Thị Hương về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, cùng thời điểm này Nguyễn Quốc Yên chung sống với bà Ngô Thị Bích (SN 1958 trú cùng thôn) nhưng không đăng ký kết hôn. Hai người này cũng nhanh chóng có với nhau 4 đứa con chung. Vậy là tính về con cái, Yên chính là một trong số người “giàu nhất” ở thôn lúc bấy giờ.

Năm 2016, bà Ngô Thị Hương, lúc này đã là người “đàn bà cũ” của Yên quay về ở cùng nhà với Yên tại thôn Thống Nhất, xã Bắc Lý. Chỉ là ở chung nhà còn ăn riêng, ngủ riêng. Bà Bích- “người đàn bà mới” và các con xây nhà sinh sống ở thửa đất liền kề với ngôi nhà Yên và bà Hương ở. Nhiều người thắc mắc, vì sao có sự “ra đi” và có sự “trở về” của bà Hương, nhưng thực tế người trong cuộc chẳng ai giải thích. Chỉ biết, từ năm 2016 “một ông, hai bà” cứ vậy sống gần bên nhau.

Bình yên dừng chân chỉ được 3 năm, từ năm 2019, giữa ông Yên và bà Hương lại bắt đầu thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Và đó cũng là nguyên nhân khiến vụ việc đi vào hồi kết đau lòng như hiện tại.

Khoảng 14 giờ ngày 17/10/2021, Nguyễn Quốc Yên đi làm, sau đó đi xe máy về nhà bà Bích ngủ, đến khoảng 18 giờ cùng ngày mới đi bộ về nhà ngủ. Khi về nhà thì không thấy bà Hương ở nhà, trong nhà và ngoài sân không bật điện. Nguyễn Quốc Yên đi vào phòng của mình ngủ. Đến khoảng hơn 20 giờ, Yên đang nằm thì nghe thấy tiếng động. Yên ngồi dậy thấy có người từ trong phòng mình đi ra. Yên đuổi theo đến hiên trước cửa phòng khách, túm được tay phải người này và nhận ra là bà Hương. Yên thấy bà Hương cầm chiếc búa nghĩ là để đánh mình nên Yên giật chiếc búa thì bà Hương chạy vào trong nhà định đóng cửa, Yên đẩy cửa ra, tay cầm búa giơ lên đập một nhát trúng mặt bà Hương làm bà Hương rời tay khỏi cánh cửa, lùi lại. Tiếp đó, Yên đẩy cửa xông vào, cầm búa đập nhiều nhát vào đầu, mặt bà Hương, sau đó, Yên vứt búa xuống nền nhà rồi lấy con dao sát hại bà Hương.

Giết vợ cũ xong, Yên đi xe máy đến nhà Ngọ Văn Xuân (là cháu họ Yên). Đến nơi, Yên dắt xe máy giấu trong bếp, sau đó lên nhà ngang của gia đình Xuân nằm. Khoảng 21 giờ ngày 17/10/2021, Xuân về nhà thấy xe máy của Yên để ở trong bếp, Xuân đi vào nhà ngang thấy Yên đang nằm trên giường nên hỏi Yên “Sao cậu lại xuống đây?”. Yên trả lời “tao vừa đánh chết mợ rồi”. Xuân hiểu là Yên vừa đánh chết bà Hương nên không hỏi gì nữa mà đi ra đóng cổng và đi vào nhà trên. Xuân gọi điện nói cho ông Đặng Văn Liệu (là cậu ruột Xuân) biết việc Yên đánh chết bà Hương thì ông Liệu bảo Xuân khuyên Yên ra đầu thú nhưng Xuân không nói gì mà đi ngủ.

Sáng hôm sau, Xuân đi chợ mua thức ăn, nghe thấy mọi người nói chuyện với nhau về việc bà Hương bị Yên đánh chết nhưng Xuân không nói gì mà về nhà nấu cho gia đình và Yên ăn sáng. Trong lúc ngồi ăn, Xuân bảo Yên ra đầu thú thì Yên nói đợi 1- 2 ngày nữa sẽ ra đầu thú nên Xuân không bảo gì. Ăn xong, Yên bảo Xuân tháo biển số xe máy của Yên cất đi và cho Yên gửi xe ở đây mấy hôm. Xuân đồng ý và tháo biển số xe máy của Yên ra để trong chiếc cặp học sinh và giấu ở phía sau hòm thóc trong bếp, còn chiếc xe máy thì Xuân lấy chiếc chiếu đậy lên nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Sau đó, Xuân đi xe máy của mình đến nhà bố vợ, còn Yên ở lại nhà Xuân.

Nguyễn Quốc Yên bị đưa ra xét xử về tội “Giết người”, cùng bị đưa ra xét xử trong vụ án này còn có Ngọ Văn Xuân (SN 1985, trú tại xã Châu Minh, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) về tội “Che giấu tội phạm”.

Tại tòa Nguyễn Quốc Yên khai, bản thân không hiểu vì sao thời điểm nhìn thấy bà Hương tay cầm búa đầu óc bị cáo lại bỗng nhiên điên loạn. Ánh mắt Yên nhìn bà Hương giống như một con dã thú bị khơi mào hứng thú. Mặc dù bản thân đã cưỡng bách mình cần tỉnh táo lại nhưng không thể.

Cả Nguyễn Quốc Yên và Ngọ Văn Xuân đều thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội cũng tỏ rõ sự ân hận vô cùng của mình, đồng thời xin nhận được sự khoan hồng của pháp luật. HĐXX TAND tỉnh Bắc Giang cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo Yên là đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất côn đồ; xâm phạm đến quyền được sống, bảo vệ tính mạng của con người, gây mất tình hình an ninh trật tự tại địa phương… nên cần thiết phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe giáo dục và phòng ngừa chung. Theo đó, HĐXX đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Quốc Yên mức án Chung thân về tội "Giết người" và Ngọ Văn Xuân mức án 1 năm tù về tội "Che giấu tội phạm", nhưng cho Xuân hưởng án treo.

Ở tuổi 63 và bản án Chung thân vừa nhận về, cuộc đời của Nguyễn Quốc Yên chẳng khác nào sắc trời bị bịt kín bằng một tầng bóng đen dày cộm.

Rời phòng xử án, ánh chiều tà đỏ rực như máu tựa những thước phim quay chậm lướt qua đường chân trời. Chiếc xe chuyên dụng chở Nguyễn Quốc Yên nhanh chóng rời đi như cái cách ông ta muốn trốn chạy hiện thực, cảnh vật cũng vì sự chuyển động này mà nhanh chóng bị đẩy lùi về phía sau, xa tít tắp…

(Tên bị hại và người liên quan đã được thay đổi)

Trang Trần