Huyện Giao Thuỷ (Nam Định): Dấu hỏi về việc bồi thường tài sản trên đất
Thư bạn đọc - Ngày đăng : 19:00, 19/07/2022
Phản ánh tới Báo Công lý, ông Phùng Văn Kiêm (trú tại Xóm 5, xã Giao Hà, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) và ông Trần Văn Quân ( xóm Lạc Thành, xã Giao Nhân, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) cho biết: Các ông là 2 trong số gần 20 hộ gia đình được UBND xã Giao Hà ký kết hợp đồng thuê quyền sử dụng đất dài hạn để đầu tư cải tạo, đào ao, đắp bờ nhằm nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, kết hợp nuôi trồng cây con có giá trị kinh tế cao theo Dự án “Chuyển đổi diện tích đất trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản, nuôi trồng cây con có giá trị kinh tế cao” của UBND xã Giao Thuỷ từ năm 2004. Dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo hợp đồng đã ký, ông Kiêm được thuê 95,327m2 đất. Hợp đồng ghi rõ: Theo quy định của Nhà nước về thẩm quyền cấp xã cho thuê, đấu thầu 10 năm và được ra hạn thêm 10 năm nữa. Tổng là 20 năm. Thời hạn thực hiện hợp đồng đến tháng 12/2024. Ông Trần Văn Quân được UBND xã Giao Hà ký hợp đồng đấu thầu đất công ích để nuôi trồng cây con có giá trị kinh tế cao với tổng diện tích là 18.022m2; thời hạn thực hiện hợp đồng từ ngày 10/01/2017 đến ngày 10/01/2037.
Các hộ sử dụng ổn định liên tục từ thời điểm được giao đất cho đến nay và hàng năm đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Kể từ thời điểm được giao đất, các hộ gia đình đã bỏ rất nhiều công sức, đồng thời phải vay mượn hàng tỷ đồng để đầu tư cải tạo đất, đào ao, đắp bờ nuôi trồng thuỷ sản và trồng cây con có giá trị kinh tế cao.
Khoảng cuối năm 2020, cả 2 hộ trên được UBND xã Giao Hà, huyện Giao Thuỷ thông báo: Một phần diện tích đất mà gia đình các ông đang quản lý, sử dụng sẽ được Nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn xã Giao Hà.
Trao đổi với phóng viên, ông Kiêm cho biết: “Đối với dự án này, gia đình chúng tôi cũng như bà con tại địa phương rất hoan nghênh và hi vọng dự án sớm hoàn thành để bàn giao, sử dụng góp phần phát triển kinh tế địa phương và đảm bảo vấn đề an ninh, quốc phòng của đất nước. Phía cơ quan Nhà nước đã đo đạc, cắm mốc giới để tiến hành các bước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thi công tại dự án. Các hộ gia đình chúng tôi cũng đã sẵn sàng phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ. Hiện nay, trên diện tích đất mà cơ quan Nhà nước đã đo đạc, cắm mốc giới để giải phóng mặt bằng có rất nhiều cây con, cây lớn, con giống... có giá trị kinh tế cao mà gia đình chúng tôi đã đầu tư cải tạo, đào ao, đắp bờ, san lấp mặt bằng và nuôi trồng từ khi được giao đất cho đến nay. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tháng chờ đợi, gia đình chúng tôi vẫn không nhận được các quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện quy trình thu hồi đất như quyết định thu hồi đất…”.
Ông Kiêm cho biết thêm, các ông chỉ được đại diện UBND huyện Giao Thủy và lãnh đạo UBND xã Giao Hà gọi lên để giao 1 tờ văn bản với tên gọi là “Phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết” của Hội đồng BTHT & TĐC nhưng không có ngày, tháng lập và không có chữ ký, con dấu của người và cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, tài liệu là “Bảng kê kiểm đếm tài sản, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi (NTS) trên đất” không có ngày, tháng, năm mà các hộ gia đình các ông có được cũng chỉ là bản chụp lại khi các cơ quan Nhà nước tiến hành kiểm đếm tài sản trên đất của chúng tôi. Theo ông Kiêm, nhiều hộ gia đình khác ở xã Giao Hà bị thu hồi đất cũng không nhận được các văn bản, tài liệu liên quan đến quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng như gia đình ông, rõ ràng có sự thiếu minh bạch, có việc làm khuất tất trong quá trình bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại dự án này.
Tiếp lời ông Kiêm, ông Quân cho biết: “Các hộ gia đình chúng tôi không thuộc diện được Nhà nước bồi thường về đất. Tuy nhiên, trên diện tích đất mà Nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua địa phận các hộ gia đình chúng tôi đang quản lý, sử dụng có rất nhiều tài sản trên đất đang hiện hữu, có giá trị hàng tỷ đồng, cũng như giá trị đầu tư mà các hộ gia đình chúng tôi đã bỏ ra suốt nhiều năm qua. Như vậy, chúng tôi phải được bồi thường, hỗ trợ đối với các tài sản này theo đúng quy định của pháp luật”.
Các ông đã nhiều lần đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại dự án nhưng bị từ chối. Cho rằng có sự thiếu minh bạch, có nhiều khuất tất trong quy trình bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ngày 14/3/2022, ông Kiêm và ông Quân đã gửi đơn khiếu đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong khi đang chờ Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định của Luật Khiếu nại thì ngày 9/7/2022, lãnh đạo UBND huyện Giao Thủy và UBND xã Giao Hà cùng các thành phần như Công an huyện, Công an xã, xã đội, công nhân, cùng nhiều máy móc phương tiện, thiết bị đã tiến hành cưỡng chế bơm cạn nước ao đầm nuôi trồng thuỷ sản, tiến hành vây bắt tôm cá của gia đình ông Quân, đồng thời đổ cát san lấp mặt bằng trong khi gia đình ông không đồng ý và đã đề nghị dừng cưỡng chế để chờ kết quả giải quyết của UBND tỉnh Nam Định.
Phóng viên đã đề nghị UBND xã Giao Hà cung cấp các văn bản, tài liệu, quyết định có liên quan, nhưng ông Phùng Văn Lập - Chủ tịch UBND xã từ chối cung cấp và cho biết phải xin ý kiến của lãnh đạo UBND huyện Giao Thủy. Qua trao đổi, ông Lập cho biết, đối với hộ gia đình ông Kiêm mặc dù kiểm kê có 3.500 cây trồng nhưng đây là vùng nuôi trồng thuỷ sản nên chỉ được Nhà nước bồi thường về thuỷ sản, chi phí đầu tư đào ao, đắp đất, san lấp mặt bằng. Về cây trồng chỉ được hỗ trợ di chuyển và hiện đang xin ý kiến của UBND tỉnh Nam Định.
Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Nam Định nhanh chóng xem xét, giải quyết, trả lời những nội dung khiếu nại, kiến nghị của người dân, thực hiện quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.