TAND Q.Thanh Khê (TP Đà Nẵng): Xét xử kịp thời, nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy

Tòa án với công dân - Ngày đăng : 09:13, 06/07/2022

BVCL - TAND Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã đưa ra xét xử tất cả các vụ án ma túy đã thụ lý trong tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022. Để rõ hơn về hiệu quả công tác giải quyết, xét xử, PV Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Đình Thắng- Chánh án TAND Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
chanh-an-tand-q.thanh-khe-tp-da-nang-anh-1.jpg
Đồng chí Võ Đình Thắng- Chánh án TAND Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng

Xin Chánh án cho biết, việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử trong tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022”, TAND Q.Thanh Khê đã có kế hoạch cụ thể như thế nào?

Chánh án Võ Đình Thắng: Tội phạm về ma túy trên địa bàn Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng luôn diễn biến phức tạp, do đó nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử trong “tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022”, TAND Q.Thanh Khê đã đưa ra xét xử tất cả các vụ án ma túy đã thụ lý; đồng thời tổ chức các phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với tất cả hồ sơ đề nghị.

Trong đó, kế hoạch thực hiện cụ thể như sau: Phối hợp với VKSND Q.Thanh Khê kịp thời đưa ra xét xử các vụ án về ma túy, đảm bảo về chất lượng đúng pháp luật và tinh thần Chỉ thị 37/CT-TU của Thành ủy Đà Nẵng là xử phạt nghiêm minh, kịp thời, không có trường hợp xử dưới khung hình phạt hoặc cho hưởng án treo không đúng quy định. Việc xét xử được thông qua kết quả tranh tụng tại phiên tòa với mức hình phạt tương xứng, đúng người đúng tội, nên có tác dụng răn đe và phòng ngừa chung. Qua đó đơn vị đã đánh giá tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy tại địa phương, tác hại của ma túy để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nâng cao được hiệu quả phòng, chống ma túy.

Phối hợp với Phòng Lao động Thương binh & Xã hội Q.Thanh Khê mở các phiên họp xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc một cách nhanh chóng theo đúng trình tự, thủ tục quy định, bảo đảm đúng đối tượng.

Ngoài ra, để hưởng ứng “tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022”, đơn vị đã đưa nhiều tin, bài xét xử các vụ án ma túy nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về ma túy góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm về ma túy.

Trong tháng hành động phòng, chống ma túy, TAND Q.Thanh Khê đã đưa ra xét xử bao nhiêu vụ án liên quan đến ma túy? Số vụ liên quan đến ma túy trong những năm gần đây tăng hay giảm, thưa Chánh án?

Chánh án Võ Đình Thắng: Trong “tháng hành động phòng, chống ma túy”, TAND Q.Thanh Khê đã đưa ra xét xử 7 vụ/9 bị cáo liên quan đến ma túy.

Qua công tác giải quyết án hình sự, nhận thấy các loại tội phạm về ma túy luôn chiếm tỷ lệ cao, thường chiếm khoảng 40% lượng án hình sự mà đơn vị thụ lý, giải quyết. Trong những năm gần đây, số vụ liên quan đến ma túy có sự gia tăng, giảm đan xen chứ không theo xu hướng tăng hay giảm theo từng năm, cụ thể: năm 2020 thụ lý, giải quyết 71 vụ/102 bị cáo đến năm 2021 chỉ thụ lý, giải quyết 53 vụ/71 bị cáo. Dự báo trong năm 2022 việc thụ lý, giải quyết sẽ tăng so với năm 2021 vì tính đến ngày 30/6/2022, đơn vị đã giải quyết 40 vụ/64 bị cáo.

Ngoài ra, trong tháng 6, TAND Q.Thanh Khê đã mở phiên họp và ra Quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 7 trường hợp do Phòng Lao động Thương binh & Xã hội quận Thanh Khê đề nghị.

Chánh án có thể cho biết đặc điểm chung của những vụ này, về độ tuổi phạm tội, giới tính? Số lượng các vụ án liên quan đến ma túy có chiều hướng như thế nào, tại sao?

Chánh án Võ Đình Thắng: Điểm chung dễ nhận thấy nhất của những vụ này có lẽ là việc phạm tội quả tang và phần lớn là người nghiện ma túy, có tiền án, tiền sự liên quan đến ma túy, trình độ học vấn, hiểu biết xã hội không cao, thiếu kỹ năng sống... Riêng tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì luôn có số lượng bị can, bị cáo đông và tập trung tại các quán karaoke, nhà nghỉ, vũ trường… để sử dụng ma túy. Người phạm tội chủ yếu trên 18 tuổi đã thành niên, đang trong độ tuổi lao động và phần lớn là nam giới.

Nguyên nhân các loại tội phạm về ma túy chiếm tỷ lệ cao và nổi cộm là do Q.Thanh Khê có vị trí địa lý giữa quốc lộ 1A, đường ngắn nhất vào trung tâm thành phố nên các đối tượng phạm tội về ma túy thường xuyên tụ tập. Một bộ phận người dân chưa ý thức được tác hại của ma túy, số người nghiện ma túy nhiều. Tuy nhiên, so với năm 2020, lượng án ma túy đơn vị đã thụ lý, giải quyết giảm do cấp ủy, chính quyền địa phương tại quận luôn chú trọng đến công tác phòng chống, tội phạm về ma túy, vì vậy nhiều năm liền, các cơ quan tiến hành tố tụng luôn tập trung truy quét loại tội phạm này nên đến năm 2021 đã giảm đáng kể.

Năm 2022 có chiều hướng tăng chủ yếu là do xử lý được hành vi Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo hướng dẫn kịp thời của TANDTC.

bai-pv-chanh-an-tand-q.thanh-khe-anh-2.jpg
Tập thể cán bộ TAND Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng

Từ thực tế xét xử, đồng chí có thể cho biết nguyên nhân phạm tội chính của các bị cáo là gì? Theo đồng chí, các sở, ban, ngành cần làm gì để nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy?

Chánh án Võ Đình Thắng: Nguyên nhân phạm tội chính của các bị cáo xuất phát từ chính đặc điểm nhân thân như đã phân tích ở trên. Ngoài ra là do đua đòi, hám lời, việc tiếp cận ma túy quá dễ dàng, nhất là các loại ma túy giá rẻ, môi trường gia đình khó khăn, không thuận lợi …

Phòng, chống ma túy là để bảo vệ cuộc sống an toàn của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Để nâng cao được hiệu quả phòng, chống ma túy thì các sở, ban, ngành cần phải có giải pháp phù hợp như:

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy. Đặc biệt tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tuyên truyền về hậu quả, tác hại của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp; phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa của quần chúng nhân dân theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tạo công ăn việc làm cho người nghiện ma túy, giúp họ có môi trường làm việc, sinh hoạt lành mạnh, đảm bảo cuộc sống, tránh xa con đường tái nghiện.

Tăng cường các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao tạo môi trường lành mạnh để thanh thiếu niên không tiếp xúc với những đối tượng xấu và có ý thức tránh xa ma túy.

Tăng nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác phòng, chống ma túy từ nguồn ngân sách nhà nước cũng như từ nguồn xã hội hóa và lấy phòng là chính.

Quá trình đưa các vụ án liên quan đến ma túy ra xét xử, Chánh án có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

Chánh án Võ Đình Thắng: Phải nói rằng những năm gần đây các cơ quan tiến hành tố tụng khá thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử các loại án về ma túy, bởi vì những vướng mắc đã được họp liên ngành tháo gỡ nên việc điều tra, truy tố và xét xử rất kịp thời.

Thưa Chánh án, ông có thể chia sẻ câu chuyện xúc động, đáng nhớ khi tiến hành xét xử loại tội phạm này?

Chánh án Võ Đình Thắng: Khi xét xử về án ma túy có nhiều trường hợp hoàn cảnh gia đình bị cáo rất éo le, bị cáo có vợ trẻ, con nhỏ, mẹ già, nhưng chỉ vì đua đòi ham vui góp tiền vào cùng bạn bè mua ma túy để sử dụng, phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại khoản 2 Điều 255 của Bộ luật hình sự, mức án từ 7-15 năm tù. Tại phiên tòa bị cáo bị cáo đã khóc nức nở khi nói lời sau cùng, bị cáo đã xin lỗi mẹ, vợ vì chưa chăm sóc được cho vợ, con, chưa có ngày phụng dưỡng cho mẹ già đã phải lao vào vòng lao lý, sự hối hận của bị cáo đã quá muộn màng, nhưng là lời cảnh tỉnh cho mọi người hãy tránh xa ma túy.

Trân trọng cảm ơn Chánh án về cuộc trao đổi này.

Trang Trần