Bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ

Tòa án với công dân - Ngày đăng : 09:20, 29/10/2021

BVCL - Tọa đàm trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm quốc gia và quốc tế trong giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án” do TANDTC phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức vào ngày 27/10 đã cho thấy nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của công tác giải quyết, xét xử các vụ sự tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án.

Thẩm phán TANDTC Đào Thị Minh Thủy dự và chủ trì tọa đàm tại điểm cầu trung tâm. Cùng tham dự còn có bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam; bà Trần Hương Giang, Cố vấn Môi trường Kinh doanh và Dịch vụ Tài chính, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam; bà Phạm Thi Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các chuyên gia pháp lý, luật sư và đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc TANDTC và hơn 50 điểm cầu trên cả nước.

toa-dam.jpg
Thẩm phán TANDTC Đào Thị Minh Thủy và ông Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC đồng chủ trì Tòa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thẩm phán TANDTC Đào Thị Minh Thủy cho biết, nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của công tác giải quyết, xét xử các vụ sự tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, TANDTC luôn quan tâm, chỉ đạo Tòa án các cấp tổ chức quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ để nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong quá trình xét xử, giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Thẩm phán Đào Thị Minh Thủy, đi đôi với hội nhập thì số lượng các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ ngày càng tăng lên nhiều, đặc biệt là các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xuyên quốc gia xảy ra trên mạng Internet. Đây là những vụ án hết sức phức tạp về tính chất, mức độ tranh chấp, cũng như hết sức khó khăn trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Cũng theo Thẩm phán Đào Thị Minh Thủy, thực tế những con số xét xử trong những năm qua cho thấy có rất ít tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giải quyết tại Tòa án, điều này không phản ánh đúng với diễn biến tình trạng tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trong đời sống xã hội đang ngày càng đa dạng và phức tạp.

Thông qua tọa đàm, Thẩm phán Đào Thị Minh Thủy đề nghị các Thẩm phán, cán bộ của Tòa án cùng các chuyên gia trong nước trao đổi, thảo luận về cách hiểu cũng như cách thức áp dụng các quy định của pháp luật trong nước về quyền sở hữu trí tuệ, cùng nghe giới thiệu khái quát về kinh nghiệm của một số nước trong việc giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ để tham khảo, học tập.

Tọa đàm cũng ghi nhận những tham luận về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án như: Pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Tòa án; Thực trạng giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp tại Tòa án từ 2016 đến nay và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật; Pháp luật về sở hữu trí tuệ và thực tiễn giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án một số nước và một số đề xuất cho Việt Nam...

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua trong việc xây dựng khung pháp lý toàn diện để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định Việt Nam đã hội nhập kinh tế toàn cầu, đồng thời tham gia vào nhiều hiệp định quốc tế. Quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, hoạt động sáng tạo, đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo bà Diana Torres, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chủ yếu thông qua các biện pháp hành chính trong các vi phạm. Đối với việc áp dụng các biện pháp dân sự và hình sự thì rất ít, hoặc không hiệu quả. Và kết quả các vi phạm có chiều hướng gia tăng, hàng hóa giả mạo lan tràn trên thị trường cũng như trên mạng internet.

Thực thi pháp luật còn hạn chế về quyền sở hữu trí tuệ được xác định là một vấn đề cần phải cải thiện. Việc xây dựng cơ chế giải quyết về quyền sở hữu trí tuệ đủ mạnh là cơ sở quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào thị trường toàn cầu. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đối với Việt Nam nên UNDP sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện để các Thẩm phán, cán bộ Tòa án trang bị kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ theo chuẩn quốc tế.

Bà Trần Hương Giang, Cố vấn Môi trường Kinh doanh và Dịch vụ Tài chính, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam cho hay, dưới khuôn khổ của dự án cải thiện môi trường kinh doanh tại khu vực ASEAN, Vương quốc Anh đã và đang hỗ trợ không chỉ Việt Nam nói riêng mà cả các nước ASEAN nói chung để xây dựng cơ chế quản lý, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả và toàn diện, mang lại lợi ích chung cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại cho cách nước. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Anh Quốc đang cùng tham gia vào Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) và CPTPP.

Trong quá trình phát triển xây dựng hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả thì kinh nghiệm quốc tế và thông lệ quốc tế đã cho thấy việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án là một trong những biện pháp phổ biến thực tiễn và hiệu quả của quyền sở hữu trí tuệ.

Chia sẻ khía cạnh nội dung pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thi Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định rằng Việt Nam đã và đang rất chủ động trong việc hội nhập vào các hiệp định kinh tế, thương mại tự do quốc đối vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung trong các quan hệ này. Theo Phạm Thi Kim Oanh vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan được đặt ra hầu hết tại các cuộc đàm phán cũng như các vướng mắc tranh chấp hiện nay.

Mai Đỉnh