Dự án điện mặt trời phá rừng phòng hộ: Nếu có dấu hiệu hình sự sẽ xử lý theo quy định của pháp luật

Điều tra - Bạn đọc - Ngày đăng : 10:51, 27/09/2021

BVCL - Dự án điện mặt trời lấn chiếm phá hơn 5,2ha rừng phòng hộ, thế nhưng UBND huyện Phù Mỹ chỉ đề xuất xử phạt hành vi lấn chiếm đất của doanh nghiệp mà không hề nhắc đến việc phá rừng. Sau khi họp bàn, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu huyện Phù Mỹ tiếp tục rà soát, báo cáo cụ thể, chi tiết… để có hướng xử lý rốt ráo.
bai-2.-pha-rung-phong-ho-binh-dinh-1.jpg
Dự án điện mặt trời lấn chiếm phá hơn 5,2ha rừng phòng hộ.

“Bất thường” báo cáo không nhắc đến phá rừng

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (gồm 3 nhà máy 1, 2, 3) có diện tích 380ha tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), tổng vốn đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng do Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch (thuộc BCG ENERGY - Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) làm chủ đầu tư.

Theo báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ gửi UBND tỉnh Bình Định, ngày 31/8, qua kiểm tra chủ đầu tư đang xây dựng Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1 (tại xã Mỹ An), nhưng đã san ủi mặt bằng và làm hàng rào (chưa kiên cố) với diện tích 5,26ha, phần đất này do Bản quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý.

bai-2.-pha-rung-phong-ho-binh-dinh-3.jpg
Hàng rào dự án điện mặt trời bị ngã đổ tại khu vực rừng bị tàn phá.
bai-2.-pha-rung-phong-ho-binh-dinh-2.jpg
Gốc phi lao kích thước lớn bị cưa sát gốc.

Diện tích 5,26ha là đất trồng phi lao ven biển được quản lý bảo vệ, tại thời điểm giao khoán cây trồng phát triển bình thường. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ và UBND xã Mỹ An, do nắng hạn nên có nơi cây chết cục bộ.

Ngày 16/9, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Mỹ đã tổ chức hội nghị mời Thủ trưởng các đơn vị: Viện kiểm sát nhân dân, Phòng Tư pháp, Hạt kiểm lâm huyện để nghe UBND huyện báo cáo tình hình lấn chiếm đất của Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch.

Tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Mỹ và các ngành tham dự thống nhất đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét, xử lý. Theo đó, Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch xây dựng nhà máy điện mặt trời đã lấn 5,26ha đất là vi phạm quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai. Hình thức phạt tiền từ 60- 150 triệu đồng đối với diện tích đất lấn chiếm từ 1ha trở lên.

Câu chuyện lấn chiếm phá 5,26ha rừng phòng hộ trái phép ở xã Mỹ An, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ Bùi Long Thăng thừa nhận, diện tích rừng bị xâm chiếm, tàn phá khoảng 10 năm tuổi, thuộc rừng phòng hộ ven biển do đơn vị này quản lý.

Tuy nhiên, trong báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ, chỉ đề xuất xử phạt hành vi lấn chiếm đất rừng mà không hề thống kê, làm rõ số lượng, khối lượng cây do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý bị tàn phá hoặc yêu cầu cơ quan kiểm lâm, công an vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi phá rừng phòng hộ trái phép.

Sau khi họp bàn, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã giao UBND huyện Phù Mỹ chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện này tiếp tục rà soát lại các thủ tục, hồ sơ để có báo cáo cụ thể, chi tiết.

bai-2.-pha-rung-phong-ho-binh-dinh-4.jpg
Rừng bị tàn phá không thương tiếc, chủ đầu tư dự án điện mặt trời đổ lỗi do đơn vị thi công nhầm lẫn.

Kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra phá rừng

Tại tỉnh Bình Định, ngoài vụ việc Dự án điện mặt trời lấn chiếm phá hơn 5,2ha rừng phòng hộ tại xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ), thì tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) cũng để xảy ra phá rừng với diện tích 5,06ha rừng tự nhiên.

Kiểm lâm địa phương cho biết, đây là rừng ở trạng thái thường xanh nghèo (trữ lượng gỗ nhỏ), do UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) quản lý.

Khẳng định vụ phá rừng ở xã Tây Thuận có diện tích vượt khung xử phạt vi phạm hành chính, có dấu hiệu tội phạm; Sở NNPTNT tỉnh Bình Định đề nghị UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo Công an, Viện kiểm sát, UBND xã Tây Thuận và các cơ quan có liên quan của huyện phối hợp với Hạt Kiểm lâm tiến hành điều tra, xác minh tìm ra đối tượng phá rừng, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

bai-2.-pha-rung-phong-ho-binh-dinh-5.jpg
Phóng viên Báo Công lý có mặt tại hiện trường vụ phá rừng.

Điều đặc biệt, sau khi 2 vụ phá rừng ở Bình Định bị “phanh phui”, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đã lên tiếng đề nghị các cơ quan có trách nhiệm tại tỉnh này, phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng tại tỉnh Bình Định được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo và đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, gần đây tình trạng lấn chiếm, phá rừng tự nhiên, khai thác lâm sản trái pháp luật còn diễn ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Dẫn chứng vụ việc lấn chiếm, phá rừng phòng hộ ven biển để làm nhà máy điện năng lượng mặt trời tại huyện Phù Mỹ và vụ phá rừng tự nhiên tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn), Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Sở NNPTNT Bình Định chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xác định diện tích rừng bị thiệt hại của các vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại huyện Phù Mỹ và huyện Tây Sơn.

"Nếu xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét xử lý đúng theo quy định của pháp luật", Văn bản số 1277/TCLN-KL ngày 19/9/2021 của Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh.

Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu Sở NNPTNT tỉnh Bình Định chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, cơ quan kiểm lâm phối hợp với địa phương tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, mở các đợt cao điểm kiểm tra, truy quét đối tượng phá rừng, khai thác rừng trái phép tại các khu vực trọng điểm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian qua nhưng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Đức Hồ