Hà Quảng (Cao Bằng): Tròn 90 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên

Đời sống - Ngày đăng : 09:53, 20/06/2021

BVCL - Huyện Hà Quảng được biết đến là cái nôi của cách mạng, cách đây 90 năm, ngày 20/6/1931, tại hang Phja Nọi, xóm Cốc Sâu, xã Sóc Hà (nay là xã Trường Hà) Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Hà Quảng đã được thành lập, đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng của tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của địa phương.
a1-phja-noi.jpg
Cách đây 90 năm, ngày 20/6/1931, tại hang Phja Nọi, xóm Cốc Sâu, xã Sóc Hà (nay là xã Trường Hà) Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Hà Quảng được thành lập.

Chi bộ đầu tiên của huyện Hà Quảng gồm 3 đồng chí: Hoàng Tô, Đào Đức, Phúc Kiến do đồng chí Hoàng Tô làm Bí thư. Sự ra đời chi bộ đảng là kết quả của một quá trình những thanh niên yêu nước huyện Hà Quảng từng bước tiếp thu tư tưởng cách mạng, thử thách và sàng lọc trong thực tiễn đấu tranh, đồng thời được sự giáo dục, dìu dắt của những chiến sỹ cộng sản tiền bối.

Sau khi Chi bộ đầu tiên ra đời, chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 1931 - 1935 các cơ sở Đảng đã được phát triển mở rộng ở Sóc Giang, Hoà Mục và vùng lân cận, hình thành sơ khai tổ chức Nông Hội đỏ, Hội truyền bá Quốc ngữ, Hội kháng phu... tạo thành một hệ thống tổ chức cách mạng trên địa bàn huyện. Hà Quảng là môi trường thuận lợi để nhóm lên ngọn lửa cách mạng, để rồi từ đây ngọn lửa cách mạng cháy bùng lên, lan toả ra khắp cả nước.

Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định lựa chọn Hà Quảng làm nơi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân. Cũng từ đây, đồng bào Pác Pó (Hà Quảng) trở thành "đại bản doanh" của căn cứ Việt Bắc, chiếc nôi của cách mạng Việt Nam, nơi lãnh tụ tối cao cùng Trung ương Đảng chỉ đạo cao trào cứu nước của toàn dân tộc.

a2-.jpg
Hà Quảng hôm nay kế thứa và phát huy truyền thống quê hương cách mạng sẽ nỗ lực đạt những thắng lợi mới.

Trong thời kỳ kháng chiến, Hà Quảng là địa phương đào tạo, rèn luyện, cung cấp nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý cho tỉnh, trong đó có một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của tỉnh, bộ, ngành Trung ương... Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng, giữ vị trí chiến lược, trọng yếu nơi “phên giậu” phía Bắc của Tổ quốc, nhân dân các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết, gắn bó, cần cù, sáng tạo trong lao động, kiên cường, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước.

Ghi nhận sự đóng góp to lớn đó, huyện Hà Quảng đã được Nhà nước và Chính phủ công nhận trên 200 người là lão thành cách mạng và có trên 400 người được tặng bằng có công với nước; phong tặng 04 cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 17 bà mẹ Việt Nam anh hùng, ghi công 777 liệt sĩ, 92 thương binh, bệnh binh con em các dân tộc của huyện đã hiến dâng xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; tặng thưởng hàng ngàn huân huy chương các loại, 411 Huân chương hạng nhất, 646 Huân chương hạng nhì, 897 Huân chương hạng ba, 476 Huy chương hạng nhất và 225 Huy chương hạng nhì.

Trong thời kỳ đổi mới, thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 864/NQ-UBTVQH14 ngày 10/1/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh, Đảng bộ huyện Thông Nông đã sáp nhập vào Đảng bộ huyện Hà Quảng. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng của Đảng bộ huyện sau 54 năm có 2 đảng bộ riêng. Sau sáp nhập, toàn huyện có 21 đơn vị hành chính cấp xã (19 xã, 2 thị trấn), trong đó có 8 xã biên giới với 71,594 km đường biên tiếp giáp với Trung Quốc.

Thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và các xóm, tổ dân phố đạt kết quả tốt (giảm 171 xóm, tổ dân phố, 9 xã), đảm bảo tính tổng thể, hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng từng bước được nâng lên. Đến nay, Đảng bộ huyện có 53 chi, đảng bộ trực thuộc, 301 chi bộ cơ sở với hơn 7.500 đảng viên. Trong nhiệm kỳ qua, kết nạp được gần 1.700 đảng viên mới.

a3.jpg
a4-22.jpg
Trong cuộc hành trình về nguồn, năm 2020 Báo Công lý và Sở GTVT tỉnh Cao Bằng đã xây dựng điểm trường vùng đất Lục Khu, xã Tổng Cọt- Hà Quảng.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện có 18/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế của huyện tiếp tục ổn định và có bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt hơn 7%/năm. Các chương trình mục tiêu quốc gia như: 30a, 135, xây dựng nông thôn mới… được triển khai hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư và từng bước hoàn thiện; lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5,23%/năm (từ 59,02% cuối năm 2016 xuống còn 32,87% cuối năm 2020). Đến nay, toàn huyện có 3 xã (Sóc Hà, Ngọc Đào, Lương Can) đạt chuẩn nông thôn mới; 96,3% hộ được dùng điện lưới quốc gia; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa; 19/21 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 22 trường đạt chuẩn quốc gia

Có thể nói, Chi bộ đảng đầu tiên ra đời là kết tinh những truyền thống yêu nước bất khuất của các dân tộc, là lực lượng nòng cốt, tổ chức và lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện bước vào cuộc đấu tranh mới với những nội dung, hình thức mới, vì độc lập, tự do, những quyền lợi thiêng liêng nhất của quê hương, đất nước. Tin tưởng rằng với những kết quả đạt được trong 90 năm qua, nhất là trong những năm gần đây sẽ tạo ra động lực mới, niềm tin và khí thế mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hà Quảng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang cùng những tiềm năng,lợi thế, quyết tâm xây dựng Hà Quảng ngày càng giàu đẹp, phát triển, đáp ứng được sự kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân và xứng đáng với truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng.

Nguyễn Liên- Tú Anh