Người Hà Nội "giải cứu" nông sản Hải Dương bị dồn ứ do dịch Covid-19

Xã hội - Ngày đăng : 17:31, 21/02/2021

BVCL - Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các mặt hàng nông sản không tìm được đầu ra, lượng tồn lên tới hàng chục nghìn tấn.

Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, nhiều mặt hàng nông sản của bà con nông dân ở tỉnh Hải Dương như bắp cải, su hào, cà rốt, cà chua, ổi... đến thời điểm thu hoạch nhưng bị dồn ứ, không thể bán hay xuất khẩu ra nước ngoài được khiến người nông dân rơi vào cảnh khó khăn.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành 55.902 tấn (80% bảo quản nông hộ, 20% chế biến tại tỉnh); cà rốt 26.766 tấn (90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa); rau bắp cải, xu hào, súp lơ, rau ăn lá các loại 8.100 tấn (30% xuất khẩu, 70% tiêu thụ nội địa) cần được tiêu thụ.

nguoi-ha-noi-giai-cuu-nong-san-hai-duong-bi-don-u-do-dich-covid-19-1.jpg
Trên địa bàn tỉnh Hài Dương đan tồn ứ hàng chục nghìn tấn nông sản không thể tiêu thụ do tình hình dịch COVID-19

Trước tình hình này, một số người đã đứng ra kêu gọi mọi người mua ủng hộ, gom các đơn và chuyển đến Hà Nội. Giá nông sản được bán ra rất rẻ khiến ai cũng cảm thấy có đôi chút ngậm ngùi, thương người nông dân trong hoàn cảnh hiện tại. Ổi Thanh Hà chỉ 50.000 đồng/10kg, su hào 40.000 đồng/20 cái, bắp cải 35.000 đồng/10kg, cà rốt 70.000 đồng/10kg hay cà chua 10kg cũng chỉ có giá 50.000 đồng.

Vừa đặt mua 10 kg su hào, 10 kg ổi với giá 90.000 đồng, chị Lan Anh (ở Ngô Sĩ Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Dịch bệnh đã khổ, giờ kinh tế cũng lại bị thiệt hại nặng nề. Mình mua được nông sản với giá rẻ nhưng không cảm thấy vui mừng mà thấy rất thương bà con nông dân Hải Dương ở hoàn cảnh hiện tại".

nguoi-ha-noi-giai-cuu-nong-san-hai-duong-bi-don-u-do-dich-covid-19-2.jpg
Rất đông người dân Hà Nội đến mua ủng hộ nông sản Hải Dương tại các điểm giải cứu.

Trước tình hình nông sản tiêu thụ tại Hải Dương gặp khó khăn, một số doanh nghiệp thương mại, phân phối đã tham gia "giải cứu". Theo đó, Công ty Central Group và hệ thống BigC đã tích cực thu mua, tiêu thụ nông sản thực phẩm cho nông dân để phân phối trong hệ thống bán lẻ.

Hệ thống MM Mega Market cũng có đề nghị phối hợp với Hải Dương trong việc phối hợp với các hộ sản xuất, kinh doanh và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh để thu mua, vận chuyển đưa mặt hàng nông sản từ tỉnh Hải Dương đến người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố khác nhằm "giải cứu" lượng nông sản tồn tại trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, dù chưa thể giải quyết toàn bộ lượng lớn nông sản ở Hải Dương nhưng sự tham gia giải cứu nông sản của các doanh nghiệp, cá nhân cũng được coi là một điểm sáng trong việc giải cứu nông sản Hải Dương trong thời gian khó khăn này.

T.Phương (T/h)