Diễn Châu (Nghệ An): Nhiều bất cập tại dự án tái định cư cao tốc xã Diễn Phúc

Điều tra theo thư bạn đọc - Ngày đăng : 09:01, 07/12/2020

BVCL - Dự án Cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Nghệ An có chiều dài 87,84 km, hiện đang khẩn trương tiến hành thi công các khu tái định cư nhằm theo kịp tiến độ. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề còn tồn tại mà chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn “cố tình” vi phạm.

Dự án Cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Nghệ An gồm 2 tiểu dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đi qua địa bàn thị xã Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Nguyên. Tại huyện Diễn Châu hiện đang khẩn trương tiến hành thi công các khu tái định cư nhằm kịp theo tiến độ của cao tốc.

anh-1.jpg
Công trường thi công khi thủ tục đấu nối chưa xong

Theo phản ánh của người dân, PV đã có mặt tại khu tái định cư thuộc xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tại đây không khí thi công đang diễn ra tấp nập.

Ngổn ngang nhưng vẫn cố tình thi công

Khu tái định cư Diễn Phúc được phê duyệt quy hoạch tại vùng Mã Theo, Thung Lăng, xóm 5 xã Diễn Phúc. Khu này được đấu nối ra Quốc lộ 7. Hiện nay, mọi thủ tục để xin đấu nối theo đúng quy định của pháp luật vẫn đang tiến hành làm. Thế nhưng, đơn vị thi công đã vô tư đắp đất, trổ 2 đường đấu nối trực tiếp ra Quốc lộ để chở vật liệu phục vụ cho quá trình thi công. Bên cạnh đó là hệ thống điện trung thế cần phải di dời nhưng cũng chưa được thực hiện, song đơn vị thi công vẫn thi công phía dưới.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Phương– Chi cục trưởng chi cục quản lý đường bộ 2.2, trực thuộc cục quản lý đường bộ 2 cho biết: Vị trí đang thi công thuộc KM 2+130, Quốc lộ 7. Theo đúng quy định thì phải xin thủ tục đấu nối rồi mới được đấu nối. Hiện nay, mọi thủ tục đấu nối ra Quốc lộ 7 đang được huyện tiến hành làm và chưa xong. Chúng tôi đã có xử lý vi phạm và gửi chính quyền địa phương, yêu cầu phải hoàn thành thủ tục trong thời gian sớm nhất. Đơn vị thi công đang đắp tạm đất để phục vụ cho công tác thi công.

Với hệ thống điện trung thế, việc di dời cũng là một phần của dự án. Cụ thể, phải di dời, tháo dỡ, thu hồi tuyến ĐZ trung thế trên không cắt ngang qua khu quy hoạch từ khoảng cột số 09 – cột số 15 trục chính ĐZ 973E15.13 và nhánh rẽ TBA Diễn Phúc 6- đấu nối tại cột số 09ĐZ 973E15.13.

anh-4-1-.jpg
Việc thi công dưới lưới điện liệu có phải đang đánh cược với thần chết?

Ông Cao Văn Giáp– giám đốc điện lực Diễn Châu chia sẻ: Hôm thứ 4 chúng tôi đã phát hiện việc thi công dưới lưới điện nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nên chúng tôi đã yêu cầu đình chỉ. Hôm qua, tôi đã gọi cho đồng chí Lê Mạnh Hiên – PCT UBND huyện để trao đổi. Hiện nay chúng tôi đang làm văn bản, trong ngày hôm nay sẽ gửi cho UBND huyện Diễn Châu yêu cầu phải đình chỉ ngay.

Thực tế những ngày này tại khu vực đang thi công, không khó để chứng kiến cảnh người và các phương tiện máy móc đang hối hả làm việc dưới hành lang lưới điện trung thế, mặc sự an nguy của bản thân cho số phận. Một điều đặc biệt là chủ đầu tư và nhà thầu đều biết sự an toàn trong lao động đó nhưng vẫn ngó lơ bỏ qua vì hai chữ “tiến độ”.

Chất lượng công trình liệu có đảm bảo?

Khu tái định cư xã Diễn Phúc là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp IV. Tổng diện tích san nền hơn 9 ha. Gồm các hạng mục: san nền, hệ thống giao thông, thoát nước, cấp nước và cấp điện, di dời đường dây trung thế. Đơn vị thi công là liên danh 2 đơn vị Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thanh Nghệ Tĩnh và Công ty TNHH 369. Công trình do UBND huyện Diễn Châu làm chủ đầu tư. Tổng đầu tư cho dự án hơn 14 tỷ đồng (trong đó chi phí xây dựng hơn 7 tỷ đồng). Theo tìm hiểu của PV, đến thời điểm ngày 27/11/2020, vẫn đang còn một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù. Điều đó đồng nghĩa là việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành xong.

anh-3.jpg
Đất được san lấp lẫn nước

Tại vị trí đang thi công, ngoài việc cố tình thi công dưới đường dây điện rất nguy hiểm, chưa hoàn thiện thủ tục đấu nối là sai với quy định,thì hiện nay, đơn vị đang tiến hành san lấp mặt bằng. Tại công trường, các xe đổ đất san lấp ra vào tấp nập. Đất san lấp gồm nhiều màu sắc khác nhau, có lẫn tạp chất và nhiều cục đá to. Thêm nữa, đất được san gạt ngay ở phần đã được bóc phong hóa nhưng chưa được hút nước nên đất lẫn với nước. Như vậy, liệu chất lượng có đảm bảo? Và yêu cầu của chủ đầu tư về chất lượng đất san lấp là đất có độ chặt K90, nhưng với thực tế đang thi công liệu có đạt? Khi mà suốt thời điểm có mặt tại công trình, PV không hề có bóng dáng của đơn vị giám sát độc lập, cũng như đại diện chủ đầu tư?.

Để giải đáp những câu hỏi trên, PV đã liên hệ với chủ đầu tư, tuy nhiên câu trả lời nhận được là vòng tròn “quả bóng”. Ông Tăng Văn Luyện- Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu thì trả lời: Về việc này, nhờ chị liên hệ với anh Vinh – PCT huyện nhé. Anh Vinh phụ trách ở đây.

Sau đó PV đã liên hệ với ông Phan Xuân Vinh thì nhận được câu trả lời: Cái này chúng tôi có thuê đơn vị giám sát, họ sẽ phải có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi. Báo chí muốn làm việc thì gặp kỹ thuật bên phòng kinh tế hạ tầng. PV tiếp tục liên hệ với phòng Kinh tế hạ tầng thì được “giới thiệu” sang làm việc với Ban quản lý dự án. Song khi liên hệ với ban quản lý dự án thì lại nhận được câu trả lời: “Chúng tôi chỉ quản lý dự án và hiện tại anh em đang bận”.

anh-2.jpg
Nhiều loại đất được sử dụng để san lấp tại công trình

Thiết nghĩ, là một công trình có vai trò quan trọng nhưng cả đại diện chủ đầu tư và đơn vị thi công lại bỏ qua nhiều vấn đề lớn, ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của bao nhiêu con người. Bên cạnh đó, còn nhiều câu hỏi nghi vấn về việc thi công tại công trình. Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cần sớm làm rõ những vấn đề trên để nâng cao chất lượng cho công trình này nói .

Nhóm PV