Quảng Bình: Ông Vũ Đại Thắng tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy

Vấn đề và Sự kiện - Ngày đăng : 22:21, 28/10/2020

Ngày 28/10, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025.

Tham dự và chỉ đạo Đại hội có Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị. Dự Đại hội có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo chủ chốt Ban Chấp hành Đảng bộ qua các nhiệm kỳ và 347 đại biểu, đại diện cho gần 75.000 đảng viên trong Đảng bộ.

Do diễn biến phức tạp của bão, lũ trên địa bàn, nên Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình chỉ diễn ra trong một ngày để tập trung cho công tác lãnh đạo ứng phó với mưa lũ. Đại hội đã tổ chức bầu Ban chấp hành khóa mới nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 49 người. Trong đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy khóa mới gồm 15 ủy viên.

anh-dh-2.jpg
Ông Vũ Đại Thắng, BÍ thư TU Quảng Bình đọc diễn văn khai mạc Đại hội.

Ông Vũ Đại Thắng (Bí thư TU khóa XVI) tiếp tục được bầu giưc chức vụ Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Trần Hải Châu được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Trần Thắng, được tín nhiệm bầu làm Phó Bí Thư Tỉnh ủy. Ông Đinh Hữu Thành (Bí Thư huyện Ủy Bố Trạch) được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy khóa XVII.

Đại Hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình cũng đã bầu đoàn đại biểu tham dự Đại Hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh gặp nhiều thách thức, khó khăn chưa từng có nhưng với sự giúp đỡ to lớn của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo năng động, sáng tạo, quyết liệt của Đảng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quảng Bình đã từng bước vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai tích cực, toàn diện, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên rõ rệt; tổ chức bộ máy cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm năm đạt 6,13%; thu ngân sách tăng bình quân 17,4%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 61,7% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá. Du lịch từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ, một số hạ tầng quan trọng được hình thành, như: cảng biển Hòn La, cảng hàng không Đồng Hới, cửa khẩu quốc tế Cha Lo… Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ bằng các cơ chế, chính sách phù hợp, thuận lợi hơn.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, tỉ lệ hộ nghèo năm 2020 còn dưới 4%, giảm bình quân 2,1%/năm. Quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững.

Nhiệm kỳ mới, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình xác định những định hướng, mục tiêu cơ bản để xây dựng những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong giai đoạn 2020 - 2025. Về mục tiêu tổng quát: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, chủ động hội nhập quốc tế, phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ”.

anh-dh-3.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Nhằm cụ thể hoá mục tiêu này, Ban chấp hành Đảng bộ Quảng Bình xác định tập trung vào bốn khâu đột phá, tương ứng với bốn chương trình hành động cần phải được triển khai thực hiện thật tốt trong nhiệm kỳ: đó là phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.

Đồng thời, Ban chấp hành thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thường xuyên củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính nhằm xây dựng bộ máy chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức thực sự phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đồng bộ, thống nhất, dài hạn kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Gắn kết quy hoạch của tỉnh với các quy hoạch của vùng bắc trung bộ, miền Trung và cả nước để tận dụng các lợi thế của các mối liên kết vùng, các tiềm năng lợi thế không chỉ của Quảng Bình mà của các địa phương lân cận, như: Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng.

Trong phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Bình xác định công nghiệp là trọng điểm; dịch vụ, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp là bệ đỡ của kinh tế tỉnh nhà. Theo đó, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ. Về công nghiệp, Quảng Bình tập trung cho ngành năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để khai thác các tiềm năng về vị trí địa lý, dải ven biển trải dài với nắng, gió.

Đẩy mạnh phát triển các trung tâm du lịch trọng điểm Phong Nha - Kẻ Bàng, Vũng Chùa - Đảo Yến và khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Khu du lịch biển Nhật Lệ - Bảo Ninh, Khu suối Bang và du lịch văn hoá lịch sử phía nam tỉnh. Đặc biệt là tập trung phát triển Phong Nha - Kẻ Bàng thành trung tâm du lịch đẳng cấp, điểm đến hàng đầu đối với du khách trong và ngoài nước.

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội; thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chăm lo, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chuẩn bị tốt các điều kiện đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cơ sở y tế trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Triển khai kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Hoàng Oanh