TP. Hồ Chí Minh: Cần xử lý nghiêm sai phạm tại Trường cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn
Nhịp cầu công lý - Ngày đăng : 20:50, 16/05/2020
Trường cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn
Hàng loạt sai phạm bị phơi bày
Theo Thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 3801/TB-GDĐT-TTr ngày 08/11/2013 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM (Sở GD-ĐT) do Giám đốc Sở Lê Hồng Sơn ký, kết luận nhiều nội dung công dân tố cáo là đúng về các sai phạm của Trường trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn (nay đổi tên là Trường cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn). Cụ thể, trường liên kết với Trường đại học sư phạm Hà Nội 2 về tổ chức khóa thi đào tạo các lớp tin học và ngoại ngữ trình độ A, B, C là không đúng quy định khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan thẩm quyền cho phép.
Trường tuyển thí sinh Nh. vào học ngành y sĩ khi chưa có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc bổ túc trung học phổ thông là không đúng theo quy định tại văn bản số 06/KH-TS-NSG của trường về việc tuyển thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bổ túc trung học phổ thông vào các ngành điều dưỡng, y sĩ – y học dự phòng và dược sĩ trung cấp.
Trường trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sai Gòn thực hiện thu tiền dạy tăng cường tiếng Anh đối với ngành sư phạm mầm non không đúng theo lộ trình của Sở GD-ĐT về kế hoạch thực hiện đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh là không đúng quy định.
Với những sai phạm nêu trên, Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ đạo Hiệu trưởng Nguyễn Trí Dũng: Tổ chức kiểm điểm về trách nhiệm của Hiệu trưởng và cán bộ quản lý tham mưu hoạt động quản lý, điều hành hoạt động tài chính thu không đúng quy định; liên kết thi đào tạo và tuyển sinh. Chấn chỉnh các sai sót trong việc thực hiện liên kết với Trường đại học sư phạm Hà Nội 2 về tổ chức khóa thi đào tạo các lớp tin học và ngoại ngữ trình độ A, B, C. Thực hiện đầy đủ các thủ tục về hợp đồng liên kết đào tạo.
Tuy nhiên, sau khi có kết luận của Giám đốc Sở GDĐT về những sai phạm nêu trên, lãnh đạo Trường cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn đã không rút kinh nghiệm mà vẫn “ngựa quen đường cũ”. Thậm chí, những sai phạm mới có tính chất nghiêm trọng hơn.
Cụ thể, ông V. – đang công tác tại Trường cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn cho biết, ông đăng ký học bằng lái xe B2 tại trường, đóng tiền theo biểu giá quy định của trường, nhưng Ban đào tạo lái xe không yêu cầu khám sức khỏe và sau đó đi thi. Tuy nhiên, sau khi thi đậu, nhận lại hồ sơ gốc, trong đó có giấy chứng nhận sức khỏe. Ông V. khẳng định hầu hết học viên đến đăng ký thi bằng lái xe B1, B2 đều không phải nộp giấy chứng nhận sức khỏe, ông cũng không được yêu cầu nộp giấy chứng nhận khám sức khỏe, trường tự làm giấy chứng nhận sức khỏe cho ông. Điều đáng nói là thông số ghi trên giấy chứng nhận sức khỏe của ông V. hoàn toàn khác so với thông số sức khỏe thực tế của ông V, như ông V. chỉ cao 1,66 m, nhưng trong giấy chứng nhận sức khỏe là 1,70m….
Ngoài ra, có trường hợp học viên đóng tiền cho Trường cao đẳng bách khoa Nam Sài Gòn, không học nhưng được cấp chứng chỉ. Như trường hợp của ông V.U. (hiện đang tạm trú tại Quận Bình Thạnh) đăng ký học lái xe ô tô hạng B2, khóa học từ tháng 6/2018 đến tháng 9/2018. Ngoài đóng tiền học phí theo quy định, ông V.U. đóng thêm 2,2 triệu đồng để không phải nộp giấy chứng nhận sức khỏe, không cần học lý thuyết. Sau khi đóng đủ tiền, ông V.U. được Hiệu trưởng Trường cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn cấp chứng chỉ sơ cấp, đã hoàn thành chương trình lái xe ô tô hạng B2, đủ điều kiện dự thi lý thuyết và sát hạch.
Liên kết với nhiều đơn vị cấp bằng giả
Năm 2014, trường liên kết với Trung tâm Đào tạo và Phát triển công nghệ FLAI đào tạo và cấp 98 chứng chỉ tin học và 149 chứng chỉ ngoại ngữ giả. Tất cả các chứng chỉ này được xác định là giả. Cơ quan CSĐT công an quận Hồng Bàng, Hải Phòng đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can. Thế nhưng, lãnh đạo nhà trường không bị xử lý trách nhiệm liên quan đến vụ việc trên.
Đến năm 2018, Trường cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn đã liên kết với Trường đại học Đông Đô tuyển sinh 41 học viên học văn bằng 2 – Cử nhân tiếng Anh, hệ vừa học, vừa làm. Mỗi học viên đóng 1 triệu đồng để được giải đề thi đầu vào. Tuy nhiên, sau đó việc đào tạo bị hủy do Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an A03 đã ra quyết định khởi tố vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô và ra quyết định khởi tố bị can để điều tra về tội "Giả mạo trong công tác" quy định tại điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015 đối với 4 bị can, gồm: Dương Văn Hòa - hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô, Trần Ngọc Quang - phó trưởng phòng đào tạo và quản lý sinh viên, Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương - cán bộ Trường ĐH Đông Đô.
Kết quả điều tra ban đầu xác định: đường dây cấp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh "chui" tại ĐH Đông Đô đã "vươn vòi" đến nhiều tỉnh, thành để liên kết các cơ sở đào tạo và cấp bằng "chui". Các khóa học đều không tổ chức thi đầu vào đầu ra, không phải đi học, hiệu trưởng nhà trường cùng thuộc cấp đã "phù phép" để hợp lý hóa hồ sơ cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh nhằm thu lợi bất chính. Phía người học chỉ cần đóng tiền và chờ vài tuần đến 2-3 tháng là được cấp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh. Kết quả điều tra đến nay xác định có khoảng 600-700 người đã được cấp văn bằng 2 theo kiểu "đi mua" tại ĐH Đông Đô. Tổng số tiền thu được từ việc cấp bằng "chui", đào tạo "chui" khoảng hơn 100 tỷ đồng. Điều đáng nói, danh sách 41 học viên trên, ban đầu Trường cao đẳng bách khoa Nam Sài Gòn đã tiến hành làm thủ tục liên kết với Trường đại học Đà Lạt (công lập) để đào tạo bằng 2 hệ vừa làm vừa học ngôn ngữ tiếng Anh, nhưng không hiểu vì lý do gì mà trường đã thay đổi hồ sơ liên kết với Trường đại học Đà Lạt để quay sang liên kết với đại học Đông Đô.
Ngoài những sai phạm trên, Trường cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn còn vi phạm quy định về công khai kết luận thanh tra. Cụ thể, năm 2018, Thanh tra TP.HCM tiến hành thanh tra Trường cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn. Sau khi có kết luận thanh tra, các trưởng bộ phận yêu cầu lãnh đạo nhà trường công khai kết luận thanh tra để các bộ phận đóng góp ý kiến về những thiếu sót trong quá trình hoạt động của trường, cũng như rút kinh nghiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường nhất quyết không công khai kết luận thanh tra nêu trên. Theo quy định của Luật Thanh tra, phải niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
Trường cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn là đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và đào tạo TP. HCM, thực hiện đào tạo hệ cao đẳng, hệ liên thông cao đẳng, hệ trung cấp, hệ vừa học vừa làm, hệ ngắn hạn – sơ cấp nghề. Hằng năm tuyển sinh gần 5.000 học viên đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Thiết nghĩ, những sai phạm nêu trên là rất nghiêm trọng, các cơ quan chức năng TP.HCM cần sớm vào cuộc để chấn chỉnh và xử lý những cá nhân sai phạm theo quy định của pháp luật.