Nỗi đau đằng sau những phút ngông của đám trai bản

PV| 16/05/2020 20:08

(BVCL) Cha bị hại ghì tấm di ảnh của đứa con trai bạc mệnh vào lồng ngực, đôi vai có phần gồng lên nén nỗi đau để tiếng khóc không bật ra. Với ông cho đến hôm nay, sự chịu đựng về nỗi đau mất con dường như đã vượt ngưỡng.

Phiên tòa đã bắt đầu vào phần thủ tục, ông Chu Văn Thường- cha của bị hại Chu Văn Triết vẫn ngồi bất động, ánh mắt nhìn vào một khoảng không vô định. Phải mấy lần HĐXX gọi tên mới kéo ông Thường về với thực tại. Không ai biết ông đang suy nghĩ điều gì đến bất thần như kia nhưng phần lớn đồ rằng là ông đang nghĩ về đứa con trai vắn số.

Đôi mắt ông Thường mệt mỏi nhìn về phía hai thanh niên trạc tuổi con mình đang đứng ở bục khai báo. Chúng còn quá trẻ để hiểu được người lớn như ông đã phải đớn đau như thế nào trước những gì chúng gây ra. Bản cáo trạng vị đại diện VKS công bố chẳng khác nào một thước phim tái hiện sự việc ngày hôm đó. Ông Thường thêm một lần con tim bóp nghẹt, phải cố gắng lắm mới kìm nén được những phản ứng tự nhiên của con người trước nỗi đau.    

Hai bị cáo trong vụ án là Lương Văn Triều (SN 2000) và Lê Văn Hồng (SN 2002, trú xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An). Ai cũng biết, nếu như xã Lục Dạ được xem là xã nghèo nhất, nhì huyện Con Cuông thì bản Mọi là bản nghèo nhất xã này. Người dân Đan Lai ở bản Mọi là người thuần tính, chăm chỉ làm ăn, lo vun vén cho gia đình và sống bằng nghề nông nghiệp, khai thác lâm sản. Và rồi cái ngày Lương Văn Triều và Lê Văn Hồng gây án khiến anh Chu Văn Triết (SN 1990) ở xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An tử vong khiến dân bản vô cùng bàng hoàng. Vậy là, cuối cùng thì sự yên bình ở bản Mọi cũng vì thế mà bị phá vỡ.  

Triều chỉ mới học hết lớp 5, còn Hồng học hết lớp 9 là nghỉ. Ngoài phụ cha mẹ việc nương rẫy thì đi bóc vỏ keo thuê, hai trai bản này cơ bản được đánh giá là ngoan. Cho nên, cái việc “tày đình” mà cả hai gây ra càng khiến cho cả bản Mọi cứ hết “mơ mơ hồ hồ” lại rùng mình khi nhắc đến. Chuyện là, như thường lệ, ngày 12/9/2019, Triều và Hồng đi bóc keo thuê cho một người quen ở xã Lạng Sơn (Anh Sơn). Công việc cũng mệt nên chủ vườn keo có mời mấy người làm công đi uống rượu. Bữa rượu mời dường như chưa đủ đô với đám thanh niên mới lớn nên tàn cuộc nhậu, cả nhóm đi mua thêm bia uống.

trai-ban-1-w607-h454.jpg

Mẹ bị cáo Hồng đau đớn khi con trai nhận mức án 12 năm tù

Bãi đáp tiếp theo là cầu Tri Lễ, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, nối 2 xã Khai Sơn, Lạng Sơn của huyện Anh Sơn. Khoảng 21h, con đường này cũng khá vắng xe cộ qua lại nên đám trai bản mang bia ra giữa cầu ngồi uống. Lúc này, anh Chu Văn Triết chở theo bạn đi qua cầu Tri Lễ thấy vậy nên dừng xe lại hỏi “bay ngồi đây làm chi?”. Hồng trả lời “bọn tôi ngồi uống bia”. “Sao lại ngồi uống bia giữa đường?", anh Triết hỏi tiếp. Hồng đứng lên bảo “thích chi” rồi lôi con dao bấm ra thủ thế. Anh Triết hỏi Hồng cầm gì trên tay thì Triều ném lon bia về phía anh Triết, đồng thời giật con dao từ Hồng đâm một nhát vào ngực trái nạn nhân.

Bị đâm, anh Triết để xe lại và bỏ chạy, Triều và Hồng vẫn chưa buông tha. Cả hai đuổi theo, Triều ném con dao bấm về phía anh Triết nhưng không trúng. Hồng chạy tới, nhặt con dao lên vào lao đến đâm một nhát vào lưng Triết. Chỉ khi anh Triết chạy đến địa phận xã Khai Sơn, hai thanh niên này mới chịu dừng lại, quay về. Đau lòng thay, cú đâm của Lương Văn Triều và Lê Văn Hồng khiến nạn nhân thủng phổi, gây suy hô hấp, suy tuần hoàn cấp và tử vong trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi biết nạn nhân chết, Lương Văn Triều và Lê Văn Hồng đến công an đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội.

Có mặt tại phiên tòa hôm ấy ngoài cha bị hại còn có người thân của các bị cáo. Từ khi phiên tòa bắt đầu, mẹ bị cáo Hồng đã không ngừng khóc. Con trai bà, tại thời điểm phạm tội chưa đủ 18 tuổi. Sau khi gây họa lớn, đến cả nhìn mẹ, Hồng cũng không dám. Suốt buổi xét xử, phần lớn Hồng chỉ cúi gằm mặt xuống đất. Hồng là đứa con đầu của bà, phía sau còn 2 em… nhà nghèo, bà đã rất khổ sở nhưng với bà cái nghèo không là sá gì so với nỗi đau mà con trai cả đã gây ra. Đến bà còn thắt từng thớ ruột như vậy thử hỏi cha mẹ nạn nhân họ phải sống làm sao. Đó cũng là điều khiến bà day dứt, đớn đau vô cùng. Bà nghẹn ngào cho biết, sau khi sự việc xảy ra, bà cùng gia đình Lương Văn Triều vay mượn khắp nơi bồi thường cho phía bị hại số tiền140 triệu đồng.  

Thực ra, bà không muốn nhắc đến số tiền này bởi bà biết nếu đem tiền ra để cầu mong một sự tha thứ, một sự cảm thông thì thật chẳng có chút liêm sỉ. Tiền bạc sá chi so với mạng người! Cho nên, bà chỉ mong đó là chút lòng thành nhang khói cho người quá cố ấm lòng nơi chín suối. Chịu nỗi đau mất con, ông Thường cũng thấu hiểu cảnh làm cha làm mẹ của hai bị cáo. Có chăng, họ chỉ hơn ông đó là còn có cơ hội để chờ con trở về... Sau cùng thì ông Thường đã làm điều mà không phải ai cũng làm được, đó là thứ tha. Ông quyết định chọn tha thứ vì ông biết lạnh lùng hay ấm áp, tàn nhẫn hay lương thiện, tất cả đều ở sự lựa chọn của mình. Vậy thì chẳng có lý do gì ông không “buông bỏ” hận thù thay bằng một sự thứ tha để con người ta hướng thiện. Ông có đơn xin giảm nhẹ hình phạt với hy vọng giúp các bị cáo lầm đường lạc lối có cơ hội làm lại cuộc đời khi chưa quá muộn.

trai-ban-1-w607-h454.jpg

Lương Văn Triều (áo trắng) và Lê Văn Hồng

Quá trình xét xử, cả hai bị cáo liên tục cúi đầu, tránh ánh mắt của vị chủ tọa. Khi được hỏi, các bị cáo có biết tụ tập nhau giữa đường để uống rượu là gây cản trở giao thông, vi phạm pháp luật không?, cả hai đều cúi đầu im lặng. Cả hai biết rằng việc tước đoạt sinh mạng của người khác là phạm trọng tội nhưng đều đổ lỗi do uống nhiều rượu bia nên không làm chủ được hành vi của mình(!). Sau khi được HĐXX phân tích những hành vi sai trái của mình, hai bị cáo đều tỏ ra rất hối hận. Cả hai bị cáo đều gửi lời xin lỗi tới bố mẹ nạn nhân Triết, mong nhận được sự tha thứ từ họ để có thêm động lực cải tạo, sớm trở về để làm lại cuộc đời. Chỉ khi đối diện với 4 bức tường trại giam, khi những phút giây nông nổi, ngông cuồng qua đi, Triều và Hồng mới thấm thía hơn cái giá mà mình phải trả. Với cả hai, phía trước dường như mới chỉ bắt đầu.

HĐXX nhận định, hành vi của Lương Văn Triều, Lê Văn Hồng mang tính chất côn đồ, nguy hiểm cho xã hội, tước đoạt quyền được sống của người khác được pháp luật bảo vệ. Trong quá trình điều tra, xét xử các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đại diện hợp pháp của người bị hại có đơn xin giảm nhẹ cho các bị cáo... Đây là các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật. Xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Lương Văn Triều 20 năm tù, Lê Văn Hồng 12 năm tù về tội “Giết người”.

Nghe vị chủ tọa tuyên hình phạt đối với các bị cáo, cơ hồ đôi bàn tay ông Thường một lần nữa nắm chặt khung hình di ảnh của con trai, nước mắt không tự chủ chảy dài. Ngay gần đó, mẹ bị cáo Lê Văn Hồng òa khóc nức nở. Cha mẹ của Triều ngồi như bất động. 20 năm tù, bằng đúng quãng thời gian ông bà đã vất vả nuôi lớn Triều!

Đằng sau phút chơi ngông của đám trai bản là nỗi đau giằng xé! Thời gian từng chút qua đi, khoảnh khắc chạm mặt nhau chóng vánh trước khi trở lại trại tạm giam càng khiến cho lòng người nghẹt thở. Cả Triều và Hồng đều có nhiều chuyện muốn nói nhưng rồi cũng chỉ gói gọn trong hai hàng nước mắt mà thôi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi đau đằng sau những phút ngông của đám trai bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO