Nỗi ân hận sau cơn ghen…

Trang Trần| 05/11/2022 09:00

BVCL - Hơn một lần Thạch Sô Ra muốn thanh minh nhưng nghĩ đến lý do thực sự “vì ghen” khiến cổ họng cứng lại như bị xương cá cắm chặt. Ở cái tuổi làm sui, làm ông mà còn nặng lòng với phụ nữ… để rồi vướng vào vòng lao lý, Thạch Sô Ra giờ này ngoài ân hận còn vô cùng xấu hổ.

Nhiều người nói Thạch Sô Ra (SN 1954, trú tại khóm 4, phường 1, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) là người đàn ông đa tình. Thạch Sô Ra nghiễm nhiên coi đó là sự thật, bởi thực tế ở tuổi gần 70 vẫn có những người phụ nữ vì ông mà ngày thương đêm nhớ. Nhưng điều mà Thạch Sô Ra không ngờ tới chính là vì một đoạn tình cảm “ngoài chồng ngoài vợ” này đã khiến những ngày tháng tuổi già của ông đã không còn an yên.

Thạch Sô Ra là người dân tộc Khmer, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Nói là “có đi học” nhưng thực ra cũng chỉ chạm đến lớp một rồi bỏ ngang, đến tuổi thì làm thuê làm mướn rồi lập gia đình, cuộc sống của Thạch Sô Ra cũng được coi là yên ổn. Giờ đây nghĩ lại, Thạch Sô Ra không biết từ khi nào bản thân lại thay lòng đổi dạ, lại sinh tính đèo bồng mà trở nên… chán vợ. Lúc đầu còn dè dặt nhưng càng lúc về sau, Thạch Sô Ra công khai ly thân vợ để sống với bà Thạch Thị Sen (SN 1971, trú tại ấp Nhàn Dân B, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) như vợ chồng.

Vợ chồng không còn tình nghĩa thì thẳng thắn buông tay, giải thoát, đó cũng được coi là cách xử sự văn minh mà Thạch Sô Ra chọn. Chỉ là, đến thời điểm hiện tại, vợ chồng ông chưa ly hôn, vẫn ràng buộc nhau về mặt pháp lý. Thạch Sô Ra không nghĩ đến “vi phạm hôn nhân”, chỉ thấy có lỗi vì đã hết yêu vợ, nhưng sự áy náy ấy cũng chỉ lướt qua không hề trú ngụ sâu trong suy nghĩ. Sống chung với người tình, tất nhiên Thạch Sô Ra khẳng định vì yêu. Ở mỗi độ tuổi, dù già hay trẻ thì cách yêu và mức độ yêu có thể khác nhau nhưng phần lớn khi ghen đều giống nhau ở điểm… mù quáng. Ví như Thạch Sô Ra của thời điểm hiện tại, cũng chỉ vì chữ “ghen” ấy mà phải trả một cái giá đắt ở tuổi xế chiều.

noi-an-han-sau-con-ghen...-thachsora.jpg
Thiếu hiểu biết, không tỉnh táo Thạch Sô Ra đã phải trả giá đắt (Ảnh minh họa)

Vào khoảng 16h30’ ngày 29/7/2021, ông Trần Văn Chung (SN 1953, trú tại ấp Nhàn Dân A, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) dùng ứng dụng Zalo trên điện thoại di động, có tên tài khoản là “T Trần”, gọi vào tài khoản Zalo có tên “Cô đơn mà vui” của bà Thạch Thị Sen thì Thạch Sô Ra nghe máy. Trong lúc nói chuyện Chung có dùng lời lẽ chửi Thạch Sô Ra dẫn đến hai bên xảy ra mâu thuẫn và chửi nhau qua điện thoại. Cuộc đối thoại của Trần Văn Chung và Thạch Sô Ra gay gắt với lời chất vấn của Chung: “Mày là thằng Miên phải không?”, “Ừ tôi là người Miên ở Giá Rai nè”, “Mày ở với con Sen bao lâu rồi”, “Tôi ở với bà Sen khoảng một năm ngoài rồi”, “Mày đừng có xạo, tao mới lấy con Sen mấy ngày trước nè”…

Tiếng điện thoại bị ngắt ngang cũng là lúc cơn giận trong Thạch Sô Ra bắt đầu hực hực cháy. Lời của Chung văng vẳng bên tai, bỏ qua những lời chửi bới tục tĩu thì câu “Mày đừng có xạo, tao mới lấy con Sen mấy ngày trước nè” vẫn cứ xoáy sâu vào não của Thạch Sô Ra. Là một người đàn ông, ai cũng hiểu câu nói này có nghĩa là gì, Thạch Sô Ra lại càng hận Chung, bởi Sen đang là người đàn bà của mình. Lời Chung nói chẳng khác nào chửi thẳng mặt “ông là thằng mù”, người đàn bà mà ông yêu là loại trắc nết.

Bữa cơm của Thạch Sô Ra và Sen cũng vì những lời này mà thành ra nhạt thếch, chưa bắt đầu đã vội vàng kết thúc. “Khoảng 17h cùng ngày thì có một người đàn ông chạy xe lại nhà của Sen, người này đi đến đầu võng, một tay bỏ sau lưng và một tay chỉ và mặt tôi nói “Đ* m* thằng Miên tao lại lấy đầu mày”. Thấy người đàn ông này một tay bỏ ở phía sau lưng nên tôi nghĩ là người này có đem theo hung khí nên tôi mới bước qua bên gian bếp để lấy dao”, Thạch Sô Ra trình bày. Tại đây, hai người đàn ông tự cho người còn lại là tình địch, là cái gai cần phải nhổ của đối phương cho nên màn “mưa chửi” tiếp tục.

Trong cơn nóng giận đến điên loạn, Thạch Sô Ra đã dùng con dao lấy từ bếp nhà bà Sen, chém vào đầu ông Chung. Bị chém, ông Chung chạy ra lộ, Thạch Sô Ra tiếp tục đuổi theo chém thêm một nhát vào đầu, cho đến khi thấy máu ông Chung chảy, Thạch Sô Ra mới dừng lại. Sau 3 đêm gây án, Thạch Sô Ra đã ra tự thú. Hành vi của Thạch Sô Ra cấu thành tội “Giết người” và con đường trở thành bị cáo của Thạch Sô Ra cũng chính thức bắt đầu.

Vụ án nhanh chóng được TAND tỉnh Bạc Liêu đưa ra xét xử. Tại tòa, khi được hỏi lý do vì sao chém người, Thạch Sô Ra lý giải: “Việc tôi dùng dao chém ông Chung, là do mâu thuẫn từ việc khi tôi nghe điện thoại của bà Sen, ông này ghen tuông chửi tôi qua điện thoại và sau đó đến nhà Sen tìm tôi và tiếp tục chửi tôi, đánh tôi, nên tôi nóng giận mới dùng dao chém. Tôi đuổi chém gây thương tích cho ông Chung là do lúc đó nóng giận không kìm chế được bản thân chứ không có ý định chém chết ông này, tôi chém với mục đích để hả cơn nóng giận của tôi”. Từ đầu đến cuối Thạch Sô Ra thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình nhưng cũng khẳng định bản thân do nghĩ bị hại có mang theo hung khí nên mới lấy dao để phòng vệ và xuống tay chém bị hại do mâu thuẫn nhất thời.

Chỉ vì nóng giận, chính xác hơn là vì ghen Thạch Sô Ra đã không làm chủ được được bản thân, hoàn toàn đánh mất lý trí để rồi phải trả giá. Nếu như lúc đối mặt với ông Chung, Thạch Sô Ra có thể đặt mình vào thế “chủ nhà” để nói chuyện trái-phải rạch ròi. Nếu như Thạch Sô Ra “chơi đẹp” không chấp trách với lời lẽ của một người say rượu. Nếu như Thạch Sô Ra biết được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, là phạm tội giết người, là vướng vào con đường tù tội. Và, nếu như…

Có rất nhiều cái “nếu như” đến bây giờ Thạch Sô Ra mới “ngộ” ra thì đã quá muộn. Vậy mới nói, đời này ngay từ đầu nếu ai cũng có được câu trả lời cho cái gọi là “nếu như” ấy thì đã không phải đứng đây để chịu sự trừng phạt của pháp luật. Đối với Thạch Sô Ra, hành vi sai trái phải trả giá là điều hiển nhiên nhưng công bằng mà nói, người đàn ông ấy cũng cần được thấu hiểu, cảm thông. Cảm thông, bởi ông là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên trong đói nghèo, chữ nghĩa, trình độ nhận thức hiểu biết về pháp luật cũng “nghèo” không kém, cho nên chỉ đến khi phạm tội, đến khi nghe Luật sư, Viện Kiểm sát và HĐXX phân tích mới biết được việc làm của mình sai trái như thế nào, mức độ nguy hiểm ra sao.

“Bị cáo biết lỗi của mình rồi, bị cáo rất ăn năn hối hận. Hiện nay bị cáo tuổi đã cao, xin hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm về với gia đinh…”, lời nói sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án của Thạch Sô Ra nhỏ dần về cuối. Thạch Sô Ra là đang thực sự ân hận vì mình mà gia đình khổ càng thêm khổ, cũng đang vô cùng xấu hổ vì ở tuổi “làm ông” còn sống đa tình, hành động xốc nổi. Có rất nhiều nguyên nhân, có rất nhiều lý do để đưa ra biện hộ cho hành vi của bản thân nhưng đến cùng càng lý giải, càng biện minh thì người đàn ông này càng thấy mình sai, càng hối hận.

Thạch Sô Ra phải mất 7 năm để trả giá cho cơn ghen mù quáng của mình. Bảy năm ấy, căn nhà vốn chẳng đủ đầy nay sẽ càng thêm chông chênh và người thân của ông cũng vì vậy sẽ thêm phần hắt hiu, phiền muộn dù nghiêng trở phía nào…

(Tên bị hại và người liên quan đã được thay đổi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi ân hận sau cơn ghen…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO