Nâng tầm cà rốt Hải Dương

N. Linh| 26/10/2022 11:37

BVCL - Lần đầu tiên, sau sự kiện lễ hội thu hoạch cà rốt tỉnh Hải Dương được tổ chức đầu năm 2022 đã mở ra cơ hội quảng bá, kích cầu tiêu thụ mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương.

1(3).jpg
Thu hoạch cà rốt tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng

Ngành nông nghiệp Hải Dương định hướng lâu dài sẽ tiếp tục duy trì, phát triển chất lượng cà rốt để tạo đà tăng trưởng hoạt động nông nghiệp.

Ổn định số lượng, chất lượng

Theo Sở NN&PTNT Hải Dương, vụ đông năm 2021 - 2022, toàn tỉnh có khoảng 65.000 tấn cà rốt được xuất khẩu sang các nước, đạt 80% tổng sản lượng cà rốt. Vụ trước, mặc dù việc xuất khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cước vận chuyển tăng cao nhưng các doanh nghiệp đã chủ động xúc tiến tìm kiếm thị trường mới nên cà rốt vẫn tiêu thụ thuận lợi. Ngoài thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, các nước khu vực Trung Đông... cà rốt còn được xuất khẩu vào các thị trường mới như Mỹ, Pháp và một số nước châu Âu. Đây là tín hiệu vui với cả nông dân và những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh.

Vụ đông năm nay, xã Thái Tân (huyện Nam Sách) đã gieo trồng xong toàn bộ 160 ha cà rốt, tăng 30 ha so với những năm trước. Năm nay, cà rốt không chỉ trồng ở bãi sông mà còn được mở rộng vào trong đồng. Trước đây, khu vực này nông dân thường trồng dưa hấu, rau ăn lá, hành tỏi... nhưng gần đây, nhận thấy cà rốt có giá cả ổn định, tiêu thụ thuận lợi hơn nên nhiều hộ chuyển sang trồng cà rốt.

Còn tại huyện Cẩm Giàng, diện tích trồng cà rốt ở xã Đức Chính cũng được mở rộng từ 360 ha lên gần 400 ha. Vùng trồng cà rốt được phát triển sang cả những vùng trước đây chỉ trồng lúa. Để cà rốt phát triển tốt, nông dân mua thêm đất phù sa ở những nơi khác về cải tạo đất. Hiện tất cả các vùng trồng cà rốt trên địa bàn xã đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó diện tích đạt tiêu chuẩn là 80 ha, tăng 20 ha so với vụ trước.

Đến giữa tháng 10, nông dân trong tỉnh đã trồng khoảng 1.500 ha cà rốt, vượt khoảng 300 ha so với kế hoạch. Các địa phương tiếp tục duy trì 8 vùng cà rốt với diện tích 281 ha và mở rộng thêm 76 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách. Không chỉ các vùng trồng đã được cấp chứng nhận, nông dân các vùng còn lại cũng đều tuân thủ sản xuất theo quy trình VietGAP. Bên cạnh diện tích trồng cà rốt trong tỉnh, nông dân còn thuê hàng nghìn ha đất ở các tỉnh, thành phố khác để tăng sản lượng cà rốt. Ngoài trồng ở bãi sông, cây cà rốt còn được đưa vào trồng ở các vùng trong đồng. Một số diện tích trồng cây vụ đông khác đã được chuyển sang trồng cà rốt.

Việc trồng cà rốt tại các địa phương trong tỉnh đều được nông dân

tuân theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp cũng như sản xuất theo quy trình VietGAP, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, kể cả các thị trường khó tính như khu vực châu Âu. Chính vì vậy, gần 80% sản lượng cà rốt Hải Dương được xuất khẩu sang thị trường các nước, thu về cả nghìn tỷ đồng.

Nâng cao chuỗi giá trị

Cùng với các mặt hàng nông sản khác, với sản phẩm cà rốt, định hướng của tỉnh Hải Dương là mở rộng thị trường cho nông sản nói chung và cà rốt nói riêng, tăng tỷ trọng xuất khẩu nông sản. Hải Dương sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu, tiếp tục triển khai giải pháp để phát triển chế biến sau thu hoạch và thúc đẩy liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản. Tăng cường xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, quảng bá mạnh mẽ nông sản Hải Dương tới nhiều thị trường trong và ngoài nước…

Trên thực tế những năm gần đây, chất lượng cà rốt của Hải Dương được duy trì ổn định. Thay vì lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như trước thì nay hầu hết nông dân đều tuân theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là tuyến trùng và dư lượng chất Hexaconazole có trong củ cà rốt được kiểm soát chặt chẽ, giúp doanh nghiệp yên tâm thu mua xuất khẩu, đồng thời bảo vệ thương hiệu cà rốt của Hải Dương trên trường quốc tế.

Về định hướng phát triển sản phẩm cà rốt, như gợi ý của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, địa phương cũng có thể phát triển du lịch nông nghiệp trên nền tảng những cánh đồng cà rốt xanh tốt. Bởi khi phát triển được du lịch, có thêm du khách sẽ kích hoạt được thêm những nhu cầu của họ với những nông sản, đặc sản khác của địa phương. Họ cũng là người lan tỏa, giới thiệu những đặc sản của địa phương với bạn bè. Cần có tư duy kinh tế trong sản xuất, sản xuất nông nghiệp chỉ tạo ra củ cà rốt nhưng kinh tế nông nghiệp là làm thế nào để củ cà rốt đó mang lại giá trị gia tăng lớn nhất có thể và tư duy kinh tế nông nghiệp là giúp người nông dân làm giàu từ một sản lượng tạo ra như nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm cà rốt Hải Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO