Nam Định: Một dự án nước sạch bị “bỏ quên”

Đức Hành| 01/06/2022 11:51

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định, Chính phủ luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm của mọi quyết sách và luôn đặt lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Tuy nhiên, thực tế qua việc chính quyền bộ ngành, địa phương hành xử với Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch Phú Mỹ Tân (Nam Định) cho thấy từ thông điệp đến hành động còn nhiều gian nan.

Hoạt động hiệu quả, bị xem như “vô hình”

Công ty TNHH Mai Thanh (Công ty Mai Thanh) là chủ đầu tư Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch Phú Mỹ Tân (Dự án Nước sạch), cung cấp nước sạch cho 27.000 hộ dân tại 10 xã có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Quy mô dự án gồm Nhà máy cấp nước, tổng công suất 28.000m3/ngày đêm, chiều dài tuyến ống gần 40 km, tổng nguồn vốn hơn 426 tỷ đồng. Dự án được thực hiện theo các quyết định của UBND tỉnh Nam Định, bằng nguồn vốn của chủ đầu tư. Đây là dự án cung cấp nước sạch đầu tiên ở các huyện được thực hiện ở Nghĩa Hưng.

du-an-nuoc-sach-nam-dinh2.jpg
Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch Phú Mỹ Tân

Dự án này được đánh giá cao về đầu tư bài bản, tự động hoá, tiết kiệm năng lượng, xứng đáng là mô hình cấp nước tập trung thuộc Đề án thí điểm và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 – 2020 (Quyết định số 712/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ).

Là dự án thiết thực, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội vùng ven biển Nghĩa Hưng nên ngay từ đầu được lãnh đạo tỉnh Nam Định ủng hộ, giúp đỡ. Nhờ thế, 6 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty Mai Thanh vẫn vượt qua, đến nay đã cung cấp nước sạch cho 8/10 xã, hàng trăm nghìn cư dân và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn hưởng lợi.

Sau khi dự án được nghiệm thu, UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 2758/QĐ-UBND ngày 06/12/2018 và Quyết định số 313/QD-UBND ngày 13/02/2019 để giao thêm địa bàn, nâng công suất phục vụ nước sạch cho toàn bộ cư dân trên địa bàn 11 xã.

Đáng tiếc, năm 2017, sau khi Dự án được nghiệm thu, đưa vào sử dụng thì cuối năm 2019, xảy ra “xung đột” với hạng mục cụm Kênh nối Đáy – Ninh Cơ và Âu tàu (thuộc Dự án WB6, cụm công trình thuộc dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ). Từ đó đến nay, phát sinh vướng mắc không thể thống nhất được phương án xây dựng công trình hoàn trả cho Dự án Nước sạch giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND tỉnh Nam Định và Công ty Mai Thanh.

du-an-nuoc-sach-nam-dinh.jpg
Nhà máy cấp nước thuộc Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch Phú Mỹ Tân

Được biết, Dự án WB6 được đưa vào quy hoạch từ năm 2005, tuy nhiên do chờ vốn nên ngày 4/4/2008, Bộ GTVT mới có Quyết định số 883/QĐ-BGTVT về đầu tư. Khi thực hiện, từ chủ đầu tư là Bộ GTVT đến đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đường thủy không hề đả động gì đến thực tế Dự án Nước sạch đã được thực hiện để điều chỉnh.

Bất ngờ hơn, UBND huyện Nghĩa Hưng quản lý nhà nước tại địa phương nhưng khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện cụm công trình WB6 cũng không đả động gì đến sự tồn tại của Dự án Nước sạch hay chủ đầu tư dự án là Công ty Mai Thanh.

Đến ngày 14/12/2019, Công ty Thanh Mai mới được UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết, Bộ GTVT đang triển khai Dự án WB6. Ngày 21/7/2021, tại Công văn số 7123/BGTVT-CQXD của Bộ GTVT gửi UBND tỉnh Nam Định, mới có nội dung nói đến Dự án Nước sạch, nhưng chỉ đề cập mỗi đoạn ống cấp nước sạch vượt Kênh nối Đáy – Ninh Cơ là công trình hoàn trả.

Hệ lụy “trút đầu” doanh nghiệp

Sau 15 năm chờ vốn, ngày 19/11/2020 Dự án WB6 mới khởi công. Đáng nói, Bộ GTVT đã không hề điều chỉnh quy hoạch, do vậy dẫn đến “bỏ quên” Dự án Nước sạch đang tồn tại; sau đó lại “lúng túng” khi bố trí kinh phí cho việc hoàn trả cho Công ty Mai Thanh.

Hạng mục Kênh nối Đáy - Ninh Cơ đã khởi công được hơn 2 năm và chỉ còn chưa đến 3 tháng nữa là kết thúc thời hạn cấp tín dụng của WB (30/6/2022). Hiện Ban quản lý Công trình đường thủy (đại diện cho Bộ GTVT - chủ đầu tư), UBND tỉnh Nam Định và UBND huyện Nghĩa Hưng muốn Công ty Thanh Mai phải nhận hoàn trả công trình đường ống cấp nước sạch theo phương án đi ngầm (âm sâu 10 mét dưới đáy Dự án Kênh nối Đáy – Ninh Cơ).

Công ty Mai Thanh tiếp tục đề xuất phương án đi nổi (có trụ đỡ độc lập hoặc đi dọc hai bên thân cầu) nhưng không được UBND huyện Nghĩa Hưng cùng phía Dự án WB6 chấp thuận. Dự án Nước sạch vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có nguy cơ cắt đứt đường ống cấp nước độc đạo giữa Nhà máy trung tâm cho 9/10 xã phía Nam cầu vượt kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ.

du-an-nuoc-sach-nam-dinh3.png
Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch Phú Mỹ Tân, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định

Theo bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Mai Thanh, việc này không đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật công trình cấp nước sạch có yếu tố kỹ thuật đặc thù thuộc lĩnh vực ngành nghề đầu tư có điều kiện của ngành xây dựng và y tế về đảm bảo an toàn cấp nước phục vụ sức khoẻ con người và các hoạt động an sinh kinh tế - xã hội khác.

“Việc làm này không khác gì cài “quả bom nổ chậm” vào công trình của Dự án Nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp nước sạch từ nay đến hết 48 năm hoạt động của Nhà máy, phá vỡ phương án tài chính, dẫn chủ đầu tư tới nguy cơ phá sản. Đấy là chưa nói đến trách nhiệm dân sự, hình sự theo quy định của pháp luật...”, bà Thanh chia sẻ.

Trong quá trình hiệp thương, UBND huyện Nghĩa Hưng dường như “phớt lờ” mọi kiến nghị của Công ty Mai Thanh về tính chất vừa phức tạp vận hành và yêu cầu kỹ thuật đặc thù của công trình tuyến ống nước sạch. Quá trình triển khai từ tư vấn đến ra các quyết định phê duyệt, theo Công ty Mai Thanh, UBND huyện Nghĩa Hưng đã hợp pháp hóa việc tự ý lựa chọn phương án hoàn trả đường ống nước sạch đi ngầm, không đặt tiêu chí biện pháp khả thi theo yêu cầu kỹ thuật và đối thoại với doanh nghiệp.

Công ty Mai Thanh đã làm đơn kêu cứu các cơ quan có thẩm quyền từ địa phương đến Trung ương, kể cả Thủ tướng nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người dân, cơ quan chức năng cần nhìn nhận lại vụ việc, tránh gây bức xúc trong dư luận và làm tổn hại tới lợi ích thiết thực của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Một dự án nước sạch bị “bỏ quên”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO