“Ma trận” sổ lương hưu và cú lừa tiền tỷ

Anh Vũ| 06/10/2020 17:44

(BVCL) Ngoái lại người vợ đang đờ đẫn đứng nhìn theo, bị cáo Hồ Văn Nhớ (SN 1979, trú huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) gạt nước mắt đi ra, bỏ lại đằng sau gia đình với bao lo toan giang dở. Bản án 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả, sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức” là hậu quả mà Nhớ phải gánh chịu do thực hiện hành vi trái pháp luật.

Trước khi vướng vòng lao lý, Nhớ là cán bộ bưu điện huyện A Lưới. Mọi chuyện vốn chẳng có gì đáng bàn khi Nhớ được phân công chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người dân và cán bộ hưu trí của 3 xã: Hồng Thái, Bắc Sơn và A Đớt. Thay vì làm theo nhiệm vụ thì Nhớ lại làm giả thông tin phôi phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH để lừa đảo.

Tại Tòa, Nhớ không chối cãi việc làm giả thông tin 225 phôi phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH của Bưu điện huyện A Lưới (TT-Huế) có đóng dấu sẵn rồi đem đi thế chấp vay số tiền hơn 11 tỷ đồng để chiếm đoạt. Y thừa nhận một cách dứt khoát và rất bình tĩnh rằng cáo trạng nêu là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mặc dù Nhớ là người dân tộc thiểu số nhưng cách nói có vẻ nhún nhường mà rành rẽ, dường như Hồ Văn Nhớ-chủ mưu vụ án lừa đảo có đủ “tố chất” thuyết phục người khác. Nghe Nhớ khai thủ đoạn phạm tội mới thấy hắn giỏi tìm kẻ hở hòng kiếm tiền phi pháp.

Với chức trách, nhiệm vụ được giao cho quản lý, sử dụng phôi phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH (tất cả chưa ghi các thông tin cá nhân cụ thể, nhưng đã có chữ ký và đóng dấu của thủ trưởng đơn vị) của cán bộ hưu trí và người được hưởng trợ cấp xã hội thuộc 3 xã Nhớ quản lý. Chính vì Bưu điện huyện A Lưới không yêu cầu thu hồi số phiếu cũ hết hạn. Lợi dụng sơ hở trong quản lý của đơn vị, từ đó Nhớ đã dùng các phương pháp, thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, Hồ Văn Nhớ đã tự ghi giả các thông tin vào phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH. Sau đó, Nhớ thuê các đối tượng: Lê Văn Tên (SN 1950); Lê Hồng Nổi (SN 1962); Hồ Văn Thiêm (SN 1955); Nguyễn Anh Thái (SN 1956); Hồ Văn Thế (SN 1940); Lê Văn Ta (SN 1972); Hồ Văn Lực (SN 1957) và Vũ Đình Phương (SN 1950)-tất cả cùng trú tại huyện A Lưới, tỉnh TT-Huế đến gặp những người cho vay tiền với lý do để xây nhà, trồng cây...

Các bị cáo tại phiên Tòa

Mỗi phiếu lĩnh lương hưu hoặc sổ trợ cấp BHXH, Nhớ chỉ đạo các đối tượng này vay từ 30-50 triệu đồng, số tiền trả hàng tháng từ 4-5 triệu đồng. Để đảm bảo cho việc vay mượn tiền, các đối tượng vay mượn tiền phải ký xác nhận. Đồng thời để tạo niềm tin với những người cho vay mượn tiền, Nhớ đã đứng ra làm chứng và hứa hàng tháng sẽ thu tiền gốc và lãi rồi đem đến nộp những người cho vay tiền.

Vì Nhớ là cán bộ Bưu điện, có vợ là giáo viên nên các chủ vay cũng vì thế mà có niềm tin tuyệt đối hơn. Một vài tháng đầu, việc vay mượn tiền được trả gốc và lãi đều đặn từ đó những người cho vay tiền hoàn toàn yên tâm vì có Hồ Văn Nhớ đứng ra đảm bảo. Các đối tượng được Nhớ thuê “đóng vai” cán bộ hưu trí hoặc đối tượng chính sách đi vay được tiền thì đem về, sau đó giao lại cho Nhớ. Mỗi lần như vậy, Nhớ “bồi dưỡng” cho một người từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng/lần.

Bên cạnh đó, để đối phó với Bưu điện nơi Nhớ đang công tác về việc sổ trợ cấp BHXH và phiếu lĩnh lương hưu mà Nhớ đã điền thông tin giả để đi lừa đảo; trong quá trình chi trả tiền cho cán bộ hưu trí và đối tượng chính sách, Nhớ đã tự lập một bảng kê chi tiết (có đầy đủ thông tin cá nhân, số tiền đã nhận, số tiền sẽ nhận). Hàng tháng, Nhớ chi trả tiền đầy đủ nên không hề có ai khiếu nại gì.

Với thủ đoạn như trên, từ cuối năm 2016 đến 2018, Hồ Văn Nhớ đã điền thông tin giả trong 225 phôi phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH của Bưu điện huyện A Lưới giao cho Nhớ hàng năm, để phát cho cán bộ hưu trí và người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội thuộc 3 xã Hồng Thái, Bắc Sơn và A Đớt. Từ việc điền thông tin giả; Nhớ và các đồng phạm đã chiếm đoạt của chị Đoàn Thị K.A. hơn 9,1 tỷ đồng, Nguyễn Thị T. 560 triệu đồng, Lê Thị H. 950 triệu đồng, Lê Thị V. 90 triệu đồng và Lê Thị Phương 350 triệu đồng.

Tòa hỏi: “Số tiền chiếm đoạt, bị cáo sử dụng vào mục đích gì? Trong chớp nhoáng, Nhớ trả lời: “Bị cáo chi tiêu cá nhân”. Tòa lại hỏi: “Bị cáo có đưa tiền về sử dụng chi tiêu trong gia đình không? Vợ bị cáo có biết việc làm sai trái của bị cáo không?”. Nhớ: “Thưa hoàn toàn không”. Tòa truy: “Vậy bị cáo chi cá nhân là chi tiêu như thế nào?”.

Lý giải về hành vi phạm tội, Nhớ khai, vào năm 2015, do cần tiền tiêu xài nên Nhớ đã vay tiền của một số đối tượng ngoài Bắc vào tạm trú ở địa phương. Lãi mẹ đẻ lãi con nên số tiền nợ tăng lên chóng mặt, Nhớ không còn khả năng chi trả. Do không có tiền để trả nợ nên Nhớ nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.

Nắm bắt được nhu cầu một số cán bộ hưu trí trên địa bàn thường mang phiếu lĩnh lương hưu và sổ trợ cấp BHXH đi vay tiền, rồi đến tháng họ dùng số tiền được lĩnh này để trả nợ. Nhớ đã tìm đến một số người cho vay tiền tìm hiểu và họ yêu cầu muốn vay được tiền, phải thế chấp sổ lĩnh lương hưu và sổ trợ cấp BHXH. Hàng tháng, phải trả gốc và lãi đúng hạn.

Vị Hội thẩm phân tích, bị cáo Nhớ khai nhận lừa đảo do thiếu tiền tiêu xài! Nhưng có vẻ, mức tiêu xài của bị cáo quá cao so với thu nhập và nhu cầu bình thường của đa số người dân, đặc biệt khi bị cáo không bỏ công sức lao động chính đáng. Thực tế, không phải vì thiếu tiền dẫn đến nợ nần, mà vì bị cáo đã chọn không lao động nhưng vẫn muốn được hưởng thụ.

Các đồng phạm trong vụ án này đều là người dân tộc thiểu số, họ đều nghĩ rằng mình là dân lao động, biết đọc biết tính là đủ rồi. Nhưng đến khi ra Tòa, được HĐXX phân tích hành vi vi phạm pháp luật, họ mới hiểu ra bài học cần tìm hiểu pháp luật, dù làm nghề gì, để tránh phạm pháp đáng tiếc.

Theo HĐXX, Hồ Văn Nhớ được xác định là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, các bị cáo khác là người giúp sức, làm theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Nhớ. Bị cáo Nhớ đã trực tiếp sử dụng 225 phôi phiếu (223 phôi phiếu thật và 2 phôi phiếu photocopy lại) thực hiện 225 lần gian dối, chiếm đoạt số tiền hơn 11 tỷ đồng. Theo đại diện VKSND tỉnh TT-Huế, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội nên cần có một mức án nghiêm.

Qua xem xét các đối tượng đều là người dân tộc thiểu số và xét toàn bộ tính chất vụ án; HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo Hồ Văn Nhớ 17 năm tù; Lê Văn Tên 14 năm tù; Lê Hồng Nổi 9 năm tù; Hồ Văn Thiêm 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Anh Thái 3 năm tù; Hồ Văn Thế 1 năm 3 tháng tù; Lê Văn Ta, Hồ Văn Lực và Vũ Đình Phương 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Ngoài ra về trách nhiệm dân sự các bị cáo phải liên đới bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của những người bị hại.

Rơi vào hoàn cảnh cùng quẫn quả là đáng thương, nhưng Nhớ vẫn có thể tìm những cơ hội hợp pháp để hỗ trợ cho mình. Đằng này bị cáo lại lợi dụng chức vụ và sự nhẹ dạ của người khác để làm chuyện phạm pháp. Mặc dù biết sai nhưng Nhớ mà vẫn làm, còn kéo theo nhiều người thiếu hiểu biết phạm tội, quả là đáng trách hơn đáng thương!

Nhiều tiếng thở dài sau phiên xét xử, người thân của các bị cáo cúi mặt như thế chính họ là người có lỗi. Có lẽ nỗi đau của họ dường như bị nhân lên nhiều lần khi người chồng, người cha, người bác… của họ chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, vì món lợi trước mắt mà không hề biết đến gia đình sẽ đổ vỡ, mỗi thành viên trong gia đình phải chịu những tổn thương lâu dài. Để giờ đây có những người khi đứng bên kia sườn dốc cũng phải chôn chân sau song sắt nhà tù vì hành vi phạm pháp của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ma trận” sổ lương hưu và cú lừa tiền tỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO