Lỗ nặng…vì cho vay nặng lãi

Anh Vũ| 08/07/2022 07:00

Khi bị tra tay vào còng số tám thì cũng là lúc Đặng Đình Đoàn (SN 1990, trú tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) phải tạm gác lại giấc mộng làm giàu từ việc “hành nghề” cho vay nặng lãi. Không chỉ bị phạt tù mà bị cáo còn phải nộp lại toàn bộ số tiền đã cho con nợ vay để sung công quỹ.

Nắm bắt được nhu cầu của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cần vay vốn để làm ăn, mua sắm, tiêu dùng nhưng không muốn làm hồ sơ, thủ tục vay vốn tại các ngân hàng, đầu tháng 5/2019, Đặng Đình Đoàn từ Hà Nam vào Thừa Thiên Huế để “hành nghề”… cho vay.

Sau thời gian đầu hoạt động ở TP.Huế, Đoàn chuyển địa bàn về huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế). Để thu hút người vay, Đoàn in các tờ rơi quảng cáo hấp dẫn như với nội dung “Cho vay trả góp, hỗ trợ kinh doanh, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, liên hệ theo số điện thoại anh Long 0363.203.328” rồi dán trên các bức tường rào, cột điện tại một số tuyến đường, đặc biệt là ở các chợ trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Khi có người vay gọi đến, Đoàn hỏi thông tin về họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp, nhu cầu vay và yêu cầu người vay điền thông tin vào giấy biên nhận nợ, kèm theo bản sao các giấy tờ tuỳ thân. Sau đó, Đoàn trực tiếp đi đến nơi ở của người vay kiểm tra, nếu đúng với thông tin đã cung cấp tại hồ sơ thì Đoàn đồng ý cho vay và đưa tiền cho người vay. Đối với người đã vay từ một lần trở lên, Đoàn bỏ qua việc làm hồ sơ, chỉ kiểm tra lại nơi ở.

Hình thức cho vay và lãi suất được Đoàn tính như sau: Người vay nhận đủ số tiền cho vay từ 5 - 60 triệu đồng trả tiền bằng hình thức trả góp cả gốc lẫn lãi hằng ngày. Vay 5 nghìn đồng, góp 100 nghìn đồng/ngày; vay 10 triệu đồng góp 200 nghìn đồng/ngày…. Thời gian trả góp là 60 ngày, với lãi suất là 0,33%/ngày trên tổng số tiền vay, tương đương với lãi suất 120,45%/năm.

Với cách thức nêu trên, trong thời gian từ tháng 5/2019 - 11/2019, Đặng Đình Đoàn đã bỏ ra 710 triệu đồng để cho 40 người vay (50 lần). Tổng số tiền thu lại được là 616 triệu đồng, trong đó thu lợi bất chính (tiền lãi vượt quá mức lãi suất 20%/năm) hơn 85 triệu đồng. Như vậy, tổng cả tiền gốc, tiền lãi mà những người vay đã trả vẫn còn thiếu hơn 196 triệu đồng so với tiền vốn mà Đặng Đình Đoàn đã bỏ ra cho vay.

Trong vụ án này, HĐXX nhận định, việc vay mượn là do người vay tự nguyện. Bị cáo Đoàn không có hành vi dụ dỗ, ép buộc, cũng chưa có hành vi nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm của người vay, mặc dù có một số người chưa trả nợ cho các bị cáo khi đến hạn.

Thế nhưng, do hành vi cho vay lãi nặng vi phạm pháp luật hình sự, là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; mang tính chất bóc lột, làm cho người vay tiền lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Thực tế ở nhiều nơi đã xảy ra tình trạng người vay lãi nặng không trả nổi, bị đe dọa, xâm hại sức khỏe, tính mạng, phải bỏ nhà trốn đi biệt xứ.

Để đảm bảo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng..., HĐXX cho rằng, cần phải xử lý nghiêm để răn đe và phòng ngừa chung. Tòa tuyên phạt Đặng Đình Đoàn hai năm cải tạo không giam giữ về tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, phạt bổ sung bị cáo 70 triệu đồng. Tịch thu số tiền gốc 513.583.335 đồng; 16.884.951 đồng (20%/năm); 14.205.477 đồng để sung vào ngân sách Nhà nước.

Tại một vụ án khác, cũng với tội danh “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, bị cáo Nguyễn Đắc Hải Anh (SN 1999, trú tại TP.Hà Nội) được một người đàn ông tên Phong cung cấp nguồn tiền để điều hành đường dây cho vay.

Theo đó, Nguyễn Đắc Hải Anh được giao quản lý sổ sách của nhóm, để tập hợp số liệu thu chi của toàn bộ đường dây cho vay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, hàng tháng báo cáo kết quả thu chi, kết quả cho vay, tiền lãi và thanh toán tiền thu lời còn lại với Phong hằng ngày, đồng thời là người quản lý két sắt cất giữ tiền hoạt động của cả nhóm. Ngoài ra, Hải Anh còn trực tiếp giao dịch cho vay và thu nợ rất nhiều người để thu lợi. Bên cạnh Hải Anh còn có bốn “chân rết” giúp sức là Giang, Đạt, Trung, Đại - đóng vai trò trực tiếp giao dịch với người có nhu cầu vay tiền để cho vay.

Trong quá trình đường dây cho vay hoạt động, Phong là người chi trả toàn bộ các khoản tiền ăn ở, tiền thuê nhà, tiền in ấn tờ rơi và chi phí tiền xăng xe đi thu tiền. Hàng tháng, sau khi cân đối thu chi, Phong trả tiền công cho các đối tượng, phần lợi nhuận còn lại Phong thu giữ hưởng lợi riêng.

Theo lời khai của bị cáo Hải Anh, Phong đã trực tiếp điều hành đường dây cho vay lãi nặng cho đến tháng 7/2019 thì giao lại để Nguyễn Đắc Hải Anh quản lý. Khi có người vay quá hạn trả nợ, các bị cáo đã sử dụng thủ đoạn liên tục gọi điện, nhắn tin đe dọa, tạo áp lực để người vay trả nợ hoặc vay lại lượt vay mới để đòi nợ khoản vay cũ.

Căn cứ vào các giấy vay nợ, sổ theo dõi vay tiền và lời khai của các bị cáo xác định, từ đầu tháng 8/2018 đến ngày bị bắt, tổ chức cho vay lãi nặng này đã cho 950 lượt người trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vay hơn 11 tỷ đồng với lãi suất từ 121,67% đến 304,17%/năm, thu lợi bất chính hơn 1,8 tỷ đồng.

Hành vi cho vay với mức lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, thu lợi bất chính số tiền từ 30 triệu đồng trở lên của các bị cáo Nguyễn Đắc Hải Anh, Võ Bá Đạt, Nguyễn Đức Giang, Đàm Quang Trung và Nguyễn Tiến Đại đã phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Các bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi cho vay với lãi suất cao là vi phạm pháp luật hình sự, nhưng do ý thức chấp hành pháp luật kém và vì hám lợi, nên vẫn cố ý thực hiện. Xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, đối với từng bị cáo, HĐXX TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã áp dụng từng mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra. Theo đó, phạt Nguyễn Đắc Hải Anh 2 năm 2 tháng tù; Nguyễn Đức Giang 1 năm 5 tháng tù; Võ Bá Đạt 1 năm 3 tháng tù; Đàm Quang Trung 14 tháng 14 ngày tù; Nguyễn Tiến Đại 50 triệu đồng.

Các bị cáo phải nộp lại khoản tiền gốc bỏ ra cho vay, tiền lãi bất hợp pháp để sung công quỹ; trả lại tiền thu lợi bất chính cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Trong vụ án này, ngoài các bị cáo đã bị khởi tố với tội danh trên còn có đối tượng liên quan là Lê Hồng Phong (đối tượng cầm đầu đường dây cho vay và điều hành đường dây) và Nguyễn Thế Vũ. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố hai bị can để xử lý. Tuy nhiên, do các đối tượng này đã bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã (hiện đã bắt được và sẽ xử lý sau).

Đây chỉ là hai trong hàng trăm vụ án “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” đã được xét xử. Qua các vụ án có thể thấy được, cho vay lãi nặng cuối cùng lãi đâu không thấy mà chỉ thấy lỗ, thậm chí lỗ nặng. Bởi các bị cáo không chỉ bị phạt tù mà còn phải nộp lại toàn bộ số tiền đã cho vay để sung công quỹ do có những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Các bị cáo trong vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đã bị pháp luật xử phạt nghiêm khắc là lời cảnh tỉnh cho mọi người, đặc biệt là những người đang manh nha ý định “hành nghề” cho vay nặng lãi để thu lợi bất chính. Bởi cho vay nặng lãi… chỉ có lỗ nặng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lỗ nặng…vì cho vay nặng lãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO