Lạng Sơn: Nhiều bất cập tại dự án do Công ty Than Na Dương làm chủ đầu tư

Trang Việt- Trung Anh| 17/12/2020 08:00

Phản ánh tới Báo Công lý, nhiều hộ dân sinh sống tại thôn Khòn Quanh, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho rằng các dự án do Công ty Than Na Dương làm chủ đầu tư tồn tại nhiều bất cập cần được xử lý dứt điểm.

Theo phản ánh, người dân cho biết Công ty Than Na Dương thực hiện dự án trên địa bàn có nhiều bất cập liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và hoạt động khai thác nổ mìn gây nứt nhà dân trong thời gian qua.

Được biết, Công ty Than Na Dương có trụ sở tại Thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) là chủ đầu tư thực hiện Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng khai trường sản xuất và bãi đổ thải giai đoạn I quy mô sử dụng đất 256,62 ha, trong đó đất trồng lúa là 49,69 ha; Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng bãi đổ thải giai đoạn II quy mô sử dụng đất 167,89 ha, trong đó đất trồng lúa là 38,93 ha; Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng khai trường sản xuất giai đoạn III quy mô sử dụng đất 28,0 ha, trong đó đất trồng lúa là 9,54 ha.

anh-5(1).jpg
Khai trường Công ty Than Na Dương.

Trao đổi với PV, anh Hoàng Văn Kiên, một người dân sinh sống tại đây cho biết, gia đình anh bị thu hồi với diện tích hơn 7 sào và đã nhận được tiền đền bù. Tuy nhiên, khi tiến hành đền bù, hỗ trợ cho người dân của chủ đầu tư dự án này còn tồn tại nhiều bất cập.

Những hộ gia đình nhận tiền trước bị thiệt hại nhiều lần so với những gia đình nhận tiền sau, mặc dù đều nằm trong cùng một dự án. Cứ 1m2 đất thì mất đi khoảng 58.000 - 59.000 đồng, với diện tích gia đình anh được đền bù thì mất đi hơn 120.000.000 đồng. Khi dự án thực hiện được một nửa thì UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành văn bản hỗ trợ giá mới làm cho công tác đền bù khác nhau, khiến cho người dân cảm thấy mất công bằng trong công tác này, anh Kiên cho biết thêm.

Bên cạnh đó, một số người dân sinh sống gần khu vực khai trường còn bức xúc cho biết thêm, vào năm 2017 khi dự án thực hiện nhà cửa xung quanh bị nứt nên gia đình đã có ý kiến với các đơn vị liên quan, nhưng phía Công ty Than Na Dương cũng chỉ xuống đo đạc trấn an nhưng không có biên bản hay hình thức đền bù nào cho. Có thời điểm Công ty cho nổ mìn từ 5-6 lần/ngày, không thông báo trước, thậm chí nhiều lúc đơn vị này cho nổ mìn bất ngờ, đột ngột khiến nhiều nhà mái ngói rung lắc mạnh khiến người dân vô cùng sợ hãi.

anh-1.jpg

Cùng chung cảnh ngộ, bà Hoàng Thị Châu (75 tuổi), người thôn Khòn Quanh không giấu nổi bức xúc, xen lẫn nỗi sợ hãi khi hàng ngày vẫn phải chứng kiến tiếng nổ mìn vang trời từ nhiều năm nay. Bà Châu cho biết, căn nhà bị nứt toác trước cửa chính là xuất phát từ việc hoạt động nổ mìn khai thác từ nhiều năm nay. Do lo sợ ngôi nhà có thể bị sập đổ bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm đến tính mạng nên Bà đã phải qua ở nhờ nhà các con gần đó.

Để làm rõ sự việc người dân phản ánh, Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với ông Chu Mạnh Dũng – Chủ tịch UBND xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). Ông Dũng cho biết, người dân có ý kiến và bức xúc về việc Công ty Than Na Dương, trong quá trình thực hiện dự án đã nổ mìn gây nứt nhà dân, áp giá đền bù có sự chênh lệnh…. Là cơ bản chính xác.

anh-2.jpg
Người dân phản ánh về việc Công ty Than Na Dương nổ mìn khiến nhà bị nứt.

Trong quá trình thực hiện, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nhiều hộ gia đình bị thu hồi theo các diện tích nhà ở, ruộng vườn cũng bị ảnh hưởng từ dự án này. Không những vậy, khi thực hiện dự án và di dân ra khỏi vùng đất ở do ông cha để lại là rất khó khăn, bởi cơ bản bà con vốn làm thuần nông, khi phải cách xa ruộng đồng thì công ăn việc làm là không có. Song song với đó thì việc tạo công ăn việc làm cho người dân sau khi đất bị thu hồi, Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam lại không có chủ trương thu hồi đất để đổi lấy lao động cho người dân, ông Dũng cho biết thêm.

Về phía Công ty Than Na Dương, dựa trên điều kiện thực tế, Công ty đã đề xuất với Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam tạo điều kiệu cho bà con bằng hình thức mỗi hộ gia đình khi có diện tích bị thu hồi từ 4ha trở nên sẽ được nhận một suất vào làm việc tại Công ty Than Na Dương với số công nhân dự kiến khoảng 80 công nhân.

Tuy nhiên, do nhu cầu của bà con rất nhiều mà số lượng được tuyển vào thì ít, việc này dẫn tới bức xúc và tuyển không đồng đều. Có trường hợp diện tích thu hồi không đến 4ha nhưng vẫn được nhận vào làm việc tại Công ty, còn những hộ dân có diện tích thu hồi lớn hơn 4ha lại không được nhận. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2019-2020, công ty đang tái cơ cấu lại lao động, nên yêu cầu tay nghề lao động phải cao, trong khi người dân không đáp ứng được thì Công ty sẽ không tuyển dụng.

Lý giải việc áp giá đền bù giữa các hộ dân tại sao lại có sự chênh lệnh, khác nhau? Trả lời vấn đề này, ông Chu Mạnh Dũng cho rằng nguyên nhân khách quan là mỗi năm khung giá đất có sự thay đổi nhất định dẫn đến việc đền bù trong từng năm có sự chênh lệnh.

Còn về nguyên nhân chủ quan là có hộ dân đồng ý cho dự án vào làm và nhận tiền đền bù. Nhưng cũng có một số hộ dân chây ì và vẫn canh tác, không nhận tiền đền bù. Sau đó, khi bị thu hồi lại yêu cầu áp giá vào đúng năm đó nên nhận tiền được nhiều hơn.

Ngoài ra, ông Dũng cũng xác nhận về tình trạng Công ty nổ mìn không đúng với thời gian theo quy định và người dân đã phản ánh với UBND xã về việc nhà bị nứt, gãy là có thật.

Việc chủ đầu tư là Công ty Than Na Dương thực hiện dự án trên địa bàn để lại nhiều bất cập liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và hoạt động khai thác nổ mìn gây nứt nhà dân trong thời gian qua. Hơn ai hết, người dân thôn Khòn Quanh, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) luôn mong chờ các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề đã nêu, giúp dân sớm ổn định cuộc sống.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Nhiều bất cập tại dự án do Công ty Than Na Dương làm chủ đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO