Lăng kính vỉa hè TP.HCM: Sự “bành trướng” của các phố nhậu

Sông Hương - Huy Tâm| 27/04/2022 17:27

BVCL - Tại TP.HCM, các phố nhậu hiện đang thi nhau “đánh cắp” vỉa hè để làm “phương tiện" kinh doanh ăn uống, trông giữ xe. Thực trạng nhức nhối này vẫn tồn tại lâu nay, cùng với những nghi ngại về năng lực quản lý ở nhiều địa phương…

4.jpg
Ảnh minh họa: Song Việt

Nhiều năm qua chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành chức năng để kiểm soát, không để phát sinh vấn đề xã hội liên quan đến lĩnh vực kinh doanh ăn uống trên vỉa hè nhưng kết quả vẫn chưa cao. Ngược lại, sự “bành trướng” của các “siêu thị thời trang”, “phố nhậu” và “bãi giữ xe tự phát” trên nhiều tuyến vỉa hè đang bùng phát tràn lan.

1.jpg

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Chủ quan là do lực lương chuyên trách của chính quyền địa phương tương đối mỏng nên không thể bao trọn địa bàn. Mặt khác, thái độ thiếu quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp vi phạm cũng là nguyên nhân chính gây cản trở việc kiểm soát các tuyến vỉa hè trên địa bàn. Khách quan là do hạ tầng cơ sở không đáp ứng nhu cầu buôn bán của người dân. Hơn nữa, các quy định xử phạt hành chính không đủ sức răn đe nên khó kiểm soát việc tái chiếm vỉa hè…

2.jpg

Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế khủng hoảng sâu như hiện nay đã khiến người dân xa rời các hoạt động kinh doanh sản xuất khác, mà chuyển sang lĩnh vực ít chịu tác động từ khủng hoảng kinh tế như: Dịch vụ ăn uống, mua bán thời trang giá rẻ, để tận dụng tối đa các điều kiện có sẵn như mặt bằng, vỉa hè thậm chí cả lòng lề đường; Đồng thời đáp ứng nhu cầu “chém gió” và hóa đơn tính tiền giá rẻ của các khách hàng…

3(1).jpg

Chính vì vậy mà các tuyến vỉa hè đang nhanh chóng teo tóp lại, bộ mặt đô thị ngày càng xấu xí, méo mó. Chuyện lấn chiếm vỉa hè ở TP.HCM đã trở thành “căn bệnh” trầm kha, khó chữa, đến mức nhiều người dân phải bức xúc kiện cáo và báo chí tốn không ít giấy mực.

Khảo sát thực tế cho thấy hầu hết các tuyến vỉa hè đều bị chiếm dụng trên diện rộng, đến nỗi người đi bộ phải đi xuống lòng đường trong sự nguy hiểm luôn rình rập. Có thể kể đến hàng chục tuyến vỉa hè nằm trên các trục đường trọng điểm bị “băm nát” một cách không thương tiếc như: Trường Sa, Hoàng Sa (nằm dọc theo kênh Nhiêu Lộc kéo dài từ quận Tân Bình đến Cầu Thị Nghè, Q1). Đây là hai con đường nằm trong dự án nâng cấp, cải tạo kênh Nhiêu Lộc, tạo vẻ mỹ quan cho thành phố từ hàng chục năm trước.

Thế nhưng khi hai tuyến đường này được đưa vào sử dụng thì hàng loạt các quán cà phê đã mọc lên, kèm theo đó là việc chiếm dụng vỉa hè để trông giữ xe. Không lâu sau, hàng loạt các quán nhậu mọc ra, chiếm dụng hết vỉa hè để hoạt động. Điều này đã nằm ngoài mong muốn của các ngành chức năng; Đồng thời đặt ra nhiệm vụ quản lý khá nặng nhưng vẫn tạo ra một bức tranh có phần nhếch nhác và hỗn tạp hàng đêm…

5.jpg

Nhưng dù sao, đường Trường Sa và Hoàng Sa cũng không phải là điểm nhấn trong mắt du khách nước ngoài. Có những con đường tại khu trung tâm thành phố như: Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Trung Trực, Lê Thánh Tôn, Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi… thường xuyên chiếm dụng vỉa hè, mở quán nhậu, trông giữ xe, bán cà phê, cơm tấm vỉa hè buộc khách bộ hành phải di chuyển xuống lòng lề đường. Điều này đã gieo cho du khách tâm lý không an toàn khi tham gia giao thông và hình ảnh không đẹp của một thành phố từng được xem là “Hòn ngọc viễn đông”.

Những con đường khác thì việc ngang nhiên “đánh cắp” vỉa hè để buôn bán lại đặt ra những nỗi lo khác cho chính quyền địa phương như hoạt động quá giờ quy định, tình hình an ninh trật tự không đảm bảo. Đó là đường những con đường: Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tri Phương, Thành Thái, Cách Mạng Tháng Tám, Sư Vạn Hạnh, An Dương Vương, Cây Trâm, Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Lượng, Phạm Văn Đồng, Lê Quang Định, Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý, Hoàng Diệu, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Trọng Cung, Phạm Hùng, Dương Bá Trạc, Phạm Thế Hiển, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt…

6.jpg

Bên cạnh những “phố nhậu” chiếm dụng vỉa hè thì còn có những “siêu thị thời trang” cũng chọn vỉa hè, lòng lề đường làm nơi tập kết, bán buôn quần áo, giày dép, túi xách, mũ nón, cây cảnh cùng các loại hàng hóa khác. Đường Phó Đức Chính, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh, Trần Bình Trọng, Lê Hồng Phong và Vĩnh Viễn… là những điển hình như thế. Còn vỉa hè của hàng trăm tuyến đường lớn nhỏ khác nằm trên địa bàn các quận huyện nội, ngoại thành tại TP.HCM phải “cõng” thêm các chức năng thương mại như thế.

Hầu hết, các tuyến vỉa hè bị “đánh cắp” đều có đặc điểm chung là phân khu theo kiểu buôn có bạn, bán có phường. “Thủ phạm” vẫn chủ yếu là các nhà hàng, quán nhậu, cà phê, buôn bán nhỏ lẻ, xe đẩy thức ăn hè phố, hàng rong các loại…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lăng kính vỉa hè TP.HCM: Sự “bành trướng” của các phố nhậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO