Lăng kính vỉa hè TP.HCM: Hàng rong bủa vây khắp nẻo…

Sông Hương - Huy Tâm| 28/04/2022 14:27

BVCL - TP.HCM là Trung tâm Thương mại lớn nhất vùng Đông Nam bộ và cả nước. Nơi đây thu hút lượng người lao động nhập cư lớn, trong đó có nhiều người hành nghề bán hàng rong. Địa bàn hoạt động của họ thường tập trung ở những nơi công cộng, đông người như: Trường học, bệnh viện, siêu thị, chợ, công viên…

11.jpg
Ảnh minh họa: Song Việt

Ở Việt Nam, các trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) gồm: Tạo việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và giảm nghèo do Nhà nước làm chủ đạo, tạo ra một lưới an toàn nhiều tầng cho tất cả các thành viên, các nhóm xã hội, nhất là các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khi bị suy giảm hoặc mất nguồn thu nhập, khi gặp rủi ro, hoạn nạn, đau ốm, bệnh tật... ASXH còn nhằm nâng cao khả năng ứng phó khi mất việc làm, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân.

Do đó, ASXH góp phần quan trọng vào phát triển xã hội bền vững, nhưng phải bảo đảm hài hòa lợi ích với các nhiệm vụ khác nằm trong chiến lược phát triển đô thị chung của quốc gia.

Chính quyền các địa phương không thể viện lý do vì đảm bảo ASXH mà “chấp nhận” vấn nạn người dân “đánh cắp” vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, mưu sinh. Như vậy là trực tiếp cản trở chiến lược chỉnh trang đô thị của Nhà nước.

2(2).jpg

Trước 1/1/2021, TP.HCM có 24 đơn vị hành chính dưới cấp quận, huyện và 259 phường, 5 thị trấn và 58 xã. Nhưng khi TP. Thủ Đức được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập giữa quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thì TP.HCM chỉ còn 22 quận huyện và 320 đơn vị hành chính dưới cấp quận, huyện. Sự đa dạng các thành phần kinh tế, sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ đã giúp cho TP.HCM trở thành “đầu tàu kinh tế” của cả nước, nhưng kèm theo đó là những hạn chế trong quản lý trật tự đô thị, vấn nạn “đánh cắp” vỉa hè, lòng, lề đường để kinh doanh, buôn bán.

Không phải ngẫu nhiên mà xe đẩy thức ăn đường phố, hàng rong lại xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến vỉa hè tại TP.HCM. Đó là thực tế khách quan, là hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị. Theo lý giải của những người mưu sinh từ chính những xe đẩy thức ăn đường phố, hàng rong thì việc canh tác vài công ruộng cũng chẳng bằng rong ruổi trên các tuyến phố thị thành…

Mỗi năm, TP.HCM phải đón nhận hàng nghìn trường hợp di dân tự phát từ nông thôn các tỉnh thành trong cả nước đổ về mưu sinh bằng nghề xe đẩy thức ăn đường phố, hàng rong, nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Qua đó, TP.HCM đã hình thành nhiều “điểm đen” tập trung nhiều xe đẩy thức ăn đường phố, hàng rong, gây ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự trên địa bàn.

4(1).jpg

Có thể đó là tình trạng buôn bán tràn lan, chiếm dụng vỉa hè, gây ra tình trạng nhếch nhác, mất trật tự tại khu vực cổng bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, bệnh viện Đại học Y dược (cơ sở 2) nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q5. Mỗi ngày, hàng trăm người bán hàng rong từ đồ ăn đến thức uống các loại, tập trung về đây, chiếm dụng vỉa hè, lòng, lề đường để bán buôn, tạo ra một bức tranh hỗn tạp vô cùng. Khách hàng của họ chủ yếu là những người khám chữa bệnh và thân nhân thăm nuôi bệnh. Khu vực trước cửa bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bệnh viện Nhân dân 115… cũng xuất hiện tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng, lề đường tương tự như thế.

Từ nhiều năm nay, những khu vực này đã khiến các ngành chức năng “đau đầu” không tìm gia hướng giải quyết, giải tỏa. Thêm nữa là chính quyền địa phương đã tỏ ra thiếu quyết liệt, tổ chức kiểm tra hời hợt, xử phạt thiếu tính răn đe, nên sau đó lại đâu vào đấy.

Phải nói rằng, để dẹp bỏ tồn tại trên là quá khó, khi mà đa phần những người làm nghề xe đẩy thức ăn đường phố, hàng rong đều là người nhập cư hoặc không nghề nghiệp ổn định, rõ ràng. Đối với họ, việc bán hàng rong là cơ hội duy nhất để mưu sinh và nuôi sống gia đình.

Chính vì vậy, khi chính quyền TP.HCM yêu cầu giải tỏa dứt điểm tình trạng chiếm dụng vỉa hè tại khu vực trước cổng các bệnh viện đã tạo ra nhiều áp lực cho địa phương về: Địa điểm di dời, về nhu cầu ăn uống cho người khám chữa bệnh và không để phát sinh thêm lượng người bán hàng rong tập trung đổ về đây. Đó là một trong những trường hợp điển hình hàng rong “tấn công” vẻ mỹ quan khu vực cổng bệnh viện.

Tại khu vực cổng các trường học cũng là những “điểm nóng” về xe đẩy thức ăn đường phố, hàng rong. Từ cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, đến Đại học, cổng trường nào cũng bị hàng rong vây kín. Tình trạng này không chỉ gây ra nỗi lo về trật tự an toàn giao thông tại địa phương, mà còn là “bài toán” khó giải liên quan đến cổng trường sạch đẹp của ban giám hiệu các trường và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, tại những khu vực tập trung đông người khác như: Công viên, cổng siêu thị và cổng chợ, cổng khu công nghiệp, khu chế xuất… cũng là nơi có nhiều hàng rong chiếm dụng vỉa hè, lòng, lề đường để hoạt động buôn bán. Và còn hàng nghìn trường hợp hàng rong trên khắp các nẻo đường, vỉa hè tại thành phố, đang chờ đợi một chính sách khoa học, quy hoạch hợp lý để họ yên tâm mưu sinh cho cuộc sống.

3(3).jpg

Một đô thị phát triển, ngoài đường sá lưu thông, nhà ở và một số công trình dịch vụ khác thì vỉa hè là nơi có diện tích lớn nhất và duy nhất diễn ra các quan hệ cộng đồng không tự giác, là nơi diễn ra những hoạt động văn hóa của mỗi người. Vì vậy, tình trạng lấn chiếm vỉa hè cần phải sớm được quản lý, thu phí hoặc quy hoạch lại chức năng để tạo ra diện mạo tươi mới cho đô thị lớn như TP.HCM…

Không thể quản lý theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” mãi được!

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lăng kính vỉa hè TP.HCM: Hàng rong bủa vây khắp nẻo…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO