Lăng kính vỉa hè TP.HCM: Chủ tịch UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm, nếu để xảy ra sai phạm

Sông Hương – Huy Tâm| 05/05/2022 06:41

BVCL - Chủ tịch UBND phường, xã sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận, huyện về hiệu quả quản lý trật tự đô thị nói chung và tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng, lề đường nói riêng…

2.jpg
Việc buôn bán, kinh doanh ở vỉa hè, lòng, lề đường dần trở thành thói quen sinh hoạt của người dân. Ảnh Song Việt

Vấn đề quản lý trật tự đô thị yếu kém đã gây nên vấn nạn “đánh cắp” vỉa hè, lòng đường trở thành điểm kinh doanh của các xe đẩy, hàng rong, quán nhậu, cà phê, cơm tấm vỉa hè, bãi giữ xe, nơi đặt biển hiệu quảng cáo, để bàn ghế hàng ăn, tủ nước, hay việc bày bán các loại hàng hóa rau củ, hoa quả, tạp hóa, cây cảnh...

Các cấp chính quyền quản lý trật tự đô thị tại TP.HCM cần nhắc đến sự tiện lợi của việc mua bán trên vỉa hè, long, lề đường, chỉ cần dừng xe bên đường là có thể nhanh chóng lựa chọn và mua sắm ngay những nhu yếu phẩm cần thiết. Hiện nay, việc buôn bán, kinh doanh ở vỉa hè, lòng, lề đường, hoặc các chợ tự phát dường như đang trở thành hình ảnh quen thuộc, dần trở thành một thói quen ăn sâu vào nếp sống sinh hoạt của người dân, dẫn đến nguy cơ gây ách tắc giao thông, làm mất trật tự đô thị, an toàn giao thông (ATGT) tại địa phương.

Bên cạnh đó, sự quá tải về cơ sở hạ tầng, thiếu quy hoạch, kết nối đồng bộ giữa đường giao thông, vỉa hè với các khu vực xung quanh; sự thiếu ý thức của cả người mua lẫn người bán; chế tài pháp luật và thực thi công vụ vẫn chưa thực sự đủ để răn đe… nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường vẫn diễn ra thường xuyên, gây đau đầu các cơ quan quản lý đô thị cũng như lực lượng chức năng. Dù hầu hết người dân đều nhận thức được hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường là sai quy định nhưng họ vẫn cố tình xem nhẹ pháp luật, hoặc tự “làm luật” để được buôn bán mưu sinh.

Vì vậy, tình trạng “đánh cắp”, tái chiếm dụng vỉa hè vẫn diễn ra tràn lan, phần vì lực lượng quản lý đô thị tại các phường, quận, kể cả lực lượng liên ngành, quá mỏng; phần vì đâu đó vẫn có tình trạng cán bộ “bảo kê”, chỉ cần chi trả các khoản “lệ phí ngoài” thì được khoán cho một vị trí vỉa hè để kinh doanh nhà hàng, quán nhậu, cơm tấm vỉa hè, xe đẩy thức ăn đường phố, tủ nước, làm khu để xe cho khách hàng... khiến việc quản lý trật tự đô thị thất bại.

3.jpg
Cần tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, duy trì nề nếp trật tự lâu dài. Ảnh Song Việt

Nhằm hạn chế tình trạng liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, ngày 22/6/2020, Văn phòng Chính phủ đã ra Công văn số 5001/VPCP-CN.

Công văn nêu rõ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè gây ách tắc giao thông, làm mất trật tự đô thị, an toàn giao thông tại địa phương.

Việc giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra cần được đẩy mạnh hơn nữa. Tuy rằng hoạt động thực thi công vụ của cơ quan hành chính Nhà nước luôn gắn liền với hoạt động của bản thân mỗi cơ quan, người có thẩm quyền và bị chi phối, tác động bởi nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác nhau;

Nhưng để bảo đảm cho việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đúng đắn, đạt được hiệu lực, hiệu quả trên thực tế, cần thiết phải thiết lập cơ chế theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện những công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan, người có thẩm quyền theo phạm vi đã được phân công, phân định.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo xây dựng quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư dọc các tuyến quốc lộ trọng điểm, đặc biệt tại các khu vực nông thôn trên địa bàn. Song song đó, vận động người dân sinh sống dọc các tuyến quốc lộ tự gác thực hiện quy định về trật tự, ATGT, văn minh đô thị, không vi phạm quy định về sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT.

Bố trí các khu vực kinh doanh, buôn bán, họp chợ… đúng quy định, đảm bảo an toàn và thuận tiện cho người dân kinh doanh và mua bán, không làm phát sinh nguy cơ lấn chiếm lòng lề đường. Tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT, duy trì nề nếp trật tự lâu dài.

Để quản lý đô thị hiệu quả thì công tác quản lý nội bộ tại địa phương cần phải siết chặt, rõ trách nhiệm, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Phải có quy định chế tài như xử lý cán bộ, công chức lạm quyền, cấp phép không đúng quy định và xử lý vi phạm hành chính nghiêm minh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện cũng cần thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn kiểm tra tình hình trật tự đô thị, chiếm dụng vỉa hè, lòng, lề đường và trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Thêm nữa là thường xuyên tổ chức kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các phường, xã;

Nếu làm tốt công tác thì biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu trên địa bàn; Nếu không tốt thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu (mà cụ thể là Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn), cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi “bảo kê” hoặc buông lỏng quản lý, rồi để xảy ra các sai phạm.

Có như vậy, vấn nạn “đánh cắp” vỉa hè, lòng, lề đường… mới từng bước được đẩy lùi!

(Tiếp theo và hết)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lăng kính vỉa hè TP.HCM: Chủ tịch UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm, nếu để xảy ra sai phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO