Kinh doanh quán bar, karaoke có thể bị phạt tù lên đến 12 năm nếu không đóng cửa để phòng, chống dịch

Quách Chữ| 30/05/2021 11:13

BVCL - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, sự thiếu ý thức của bất cứ cá nhân hay đơn vị nào nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ như quán bar, karaoke đều có thể làm ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch chung của cả hệ thống.

karaoke-bat-chap-lenh-cam.jpg
Cơ sở kinh doanh karaoke bị lực lượng Công an phát hiện vẫn đón khách và khách sử dụng ma túy tại quán bất chấp lệnh cấm.

Thời gian gần đây, bất chấp “lệnh” tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, nhiều quán bar, quán karaoke, massage vẫn hoạt động, đón khách, như tỉnh Bình Dương tối ngày (16/5), TP Đà Nẵng (ngày 11/5),… Thực trạng này diễn ra ở nhiều tỉnh thành khác nhau đã được các lực lượng chức năng xử lý và nhiều cơ quan báo chí đưa tin.

Việc bất chấp “lệnh” tạm thời đóng cửa để chống dịch Covid-19 của nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ quán bar, quán karaoke, massage là hành vi vi phạm pháp luật, cần được xử lý một cách nghiêm minh theo quy định. Việc xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh “chống đối” yêu cầu tạm đóng cửa của cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định việc tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch là một trong những biện pháp phòng, chống dịch một cách hiệu quả.

Còn tại Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 09 năm 2010 quy định về điều kiện để quyết định việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng, dịch đang lưu hành là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định đường lây truyền của dịch bệnh là đường hô hấp và nguy cơ lây truyền ở mức độ cao.

Mới đây, ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hàng Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Xác định dịch bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A lây lan trong cộng đồng rất nhanh và nguy hiểm.

Để hướng dẫn xác định tội danh liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Luật hình sự, ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

van-ban-huong-dan-so-45-cua-tandtc.jpg
Văn bản số 45/TANDTC-PC  ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xác định tội danh liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 .

Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người.

Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người được quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tùy tính chất và mức độ vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn số 45/TANDTC-PC để cụ thể hóa một số nội dung liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây sẽ là căn cứ xử lý hình sự đối với những tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác.

Như vậy, căn cứ vào những quy định và hướng dẫn pháp luật, các cơ sở dịch vụ kinh doanh quán bar, karaoke nếu cố tình vi phạm “lệnh” tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền thì có thể sẽ bị phạt tù lên đến 12 năm.

Hiện nay, virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ nhanh hơn trước, chúng ta cần tiến hành càng nhanh càng tốt các biện pháp truy vết dịch tễ, phát hiện và khoanh vùng ổ dịch, xét nghiệm hết các trường hợp nghi nhiễm, cách ly các ca nhiễm để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh.

Do đó, mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng chống dịch, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, kiên quyết không vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm của một vài cá nhân mà làm tổn hại đến thành quả chống dịch của cả hệ thống chính trị.

Mỗi người dân cần chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế, nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K, có chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, không nghe theo hoặc phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng, tác động tiêu cực tới xã hội...

Với những người đến từ vùng dịch, đi qua vùng dịch, tiếp xúc với người dương tính với SARS-CoV-2, tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 bắt buộc phải khai báo y tế và phải thực hiện biện pháp cách ly y tế theo quy định.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh quán bar, karaoke có thể bị phạt tù lên đến 12 năm nếu không đóng cửa để phòng, chống dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO