Khi lãnh đạo… cũng làm nông

Đức Hồ| 19/07/2022 10:29

Ở Bình Định, những năm gần đây huyện trung du Hoài Ân nổi lên với thành tích dẫn đầu chỉ số giảm nghèo. Không cam chịu cái khổ đeo đẳng, người vượt khó thành công đều có lòng tự trọng, ngay lập tức họ làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, dành suất cho những mảnh đời còn khó khăn.

Giã từ cái nghèo

Điều hiếm thấy ở nền nông nghiệp huyện Hoài Ân là các quyết sách lãnh đạo đưa ra đều có lợi cho nông dân và nhận sự ủng hộ rất cao, bởi không phải hô hào hình thức mà lãnh đạo cũng giỏi làm nông. Việc nói đi đôi với hành động, giúp người dân tin vào chính quyền, từ đó rất nhiều người xuất phát từ hộ nghèo trở thành “tỷ phú chân đất”, họ cùng nhau bám trụ ở mảnh đất quê hương, rủ nhau vượt khó. Từ khi hình thành vùng cây ăn quả, nông dân thoát cảnh lệ thuộc vào cây lúa, cuộc sống đỡ vất vả, thu nhập tăng cao.

Vợ chồng ông Đặng Thành Công (ở thôn Bình Sơn) mạnh dạn đến chính quyền xã Ân Nghĩa để xin thoát nghèo. Ông Công có đến 7 người con, bản thân mang nhiều căn bệnh phải điều trị rất tốn kém. 6 năm qua, để hỗ trợ ông vượt khó, chính quyền đưa gia đình ông vào diện hưởng chính sách hộ nghèo.

binh-dinh-4.jpg
Những khu vườn cây ăn quả của nông dân vùng trung du Hoài Ân.

Ông Công nói, bản thân đã trở thành hộ khá giả nên muốn xin ra khỏi diện hộ nghèo để nhường suất hỗ trợ lại cho những người nghèo khác.

“Nhờ Nhà nước đưa vào hộ nghèo nên tôi mới vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Hiện con cái tôi đã học hành ra trường, có nghề nghiệp, bản thân tôi cũng bớt bệnh. Vài năm nay, tôi chuyển toàn bộ đất sang trồng dưa leo, dưa gang gối vụ liên tục cho lãi lớn, mỗi năm thu trên 100 triệu đồng nên đời sống cũng khá giả lên”, ông Công tâm sự.

Vườn cây ăn quả 5ha xum xuê quả của ông Nguyễn Hoài Thương (45 tuổi, ở xã Ân Nghĩa), minh chứng cho sự cố gắng không biết mệt mỏi của nông dân này.

Ông Thương kể, ở vùng này trước đây, người dân chỉ trồng keo, tràm trên các gò đồi, vườn nhà. Đây là loài cây đem lại kinh tế nhanh, giúp xóa đói giảm nghèo, nhưng lại vắt kiệt nguồn nước, làm cho đất đai cằn cỗi.

Nhận thấy hệ lụy trên, từ năm 2017 ông Thương bắt đầu chuyển hết các diện tích đất đồi trồng keo, tràm kém hiệu quả sang cây ăn quả. Ngoài tố chất làm liều cộng với sự hỗ trợ từ huyện về giống cây, phân bón, khoan giếng, kỹ thuật… nên nông dân này đã mạnh dạn đầu tư.

Qua 5 năm, ông trồng được 1.000 cây cam ruột đỏ, 600 cây mít, 500 cây bưởi da xanh cùng các loại bơ, dừa xiêm, sầu riêng. Ông đã đầu tư vào vườn cây ăn quả của mình trên 4 tỷ đồng, hiện đã mở rộng thêm 1 vườn cây khác rộng 2,4ha.

“Trong khi cây keo, tràm chỉ cho thu 15 triệu/1ha với thời gian 5- 6 năm, thì các loài cây ăn quả lại cho giá trị cao hơn, nhất là cây bưởi da xanh nếu trồng đủ 6 tuổi sẽ cho thu hàng trăm triệu đồng mỗi hecta. Ngược lại, cây ăn quả chúng tôi chỉ hái quả chứ không chặt nhổ cây nên góp phần rất lớn trong việc giữ nguồn nước, phủ xanh đồi trọc, điều hòa khí hậu”, ông Thương nói.

binh-dinh-1.jpeg
Cầu Phú Văn nối liền Thị xã Hoài Nhơn và huyện Hoài Ân tạo đà phát triển kinh tế vùng.

Theo Trưởng Phòng NNPTNT Hoài Ân Võ Duy Tín, khởi nguồn từ năm 2016, khi bắt đầu xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đưa vào Nghị quyết Hội đồng nhân dân về việc phá bỏ cây keo trồng trái phép trên đất nông nghiệp. Công cuộc phát bỏ mới thực sự quyết liệt và đến cuối năm 2019, diện tích phát bỏ đạt trên 300 ha (đạt 95% kế hoạch ban đầu).

Tuy nhiên, khi bắt đầu phát động nhổ bỏ keo, nhiều chủ các rừng keo làm đơn kiện cáo, thậm chí đến tai lãnh đạo tỉnh. Nhưng nhờ có sự đồng thuận từ cấp ủy đến chính quyền từ huyện tới xã nên việc phá bỏ cây keo trên đất nông nghiệp vẫn được thực hiện kiên quyết. Hoài Ân là địa phương đầu tiên ở Bình Định hoàn thành giải phóng cây keo trên đất nông nghiệp, được tỉnh làm hình mẫu để các địa phương khác làm theo.

“Ngay sau khi nhổ bỏ keo, chúng tôi ngay lập tức ban hành dự án cây trồng thay thế, hỗ trợ người dân chuyển đổi các loại cây trồng sang trồng cây có thế mạnh như: bưởi da xanh, bơ sáp và chè gò loi. Ngoài ra, tận dụng nhiều chương trình để giúp dân, đầu tư hỗ trợ hệ thống nước tưới tự động, điện, hình thành các vùng cây ăn quả theo hướng hàng hoá”, ông Duy Tín nói.

Ông chủ tịch rời phòng lạnh đến với nông dân

Đặc biệt cán bộ, lãnh đạo ở huyện trung du này đều biết làm nông, thậm chí họ là nông dân kinh doanh sản xuất giỏi, có mô hình thành công ở địa phương. Đây là một trong những mấu chốt để dân tin và làm theo các quyết sách của lãnh đạo.

binh-dinh-3.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long thăm trang trại chăn nuôi bò thịt vỗ béo của ông Trần Văn Hướng (thôn Thế Thạnh 2, xã Ân Thạnh)

Xã Ân Sơn có 3 hộ nuôi heo đen rất nổi tiếng, xếp đầu là hộ ông Đinh Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Ân Sơn. Nhờ tiếp thu tốt quy trình chăn nuôi do ngành khuyến nông hướng dẫn, nên hiện đàn heo đen trong chuồng nhà ông Thanh phát triển đến gần 40 con, trong đó có 3 con nái, 20 heo con theo mẹ, còn lại là heo thịt.

Tiếp đến là hộ ông Đinh Văn Lý, cán bội Hội Người cao tuổi xã và chị Đinh Thị Thi ở thôn Đồng Nhà Mười là cán bộ Văn phòng UBND xã Ân Sơn. Nhận ra hiệu quả kinh tế, nên hầu hết đồng bào thiểu số vùng cao Hoài Ân đều rất thích nuôi heo đen, mô hình này được lan toả nhân rộng trong cộng đồng.

Ở Bình Định, hiếm có nơi nào mà người đứng đầu Đảng bộ lẫn chính quyền đều am hiểu và yêu nông nghiệp như Hoài Ân. Bí thư Huyện uỷ Hoài Ân Đỗ Thị Diệu Hạnh vốn là Thạc sĩ khoa học cây trồng, còn Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Khúc, đúng hệt như một ông nông dân chính hiệu.

binh-dinh-2.jpg
Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc bên gian hàng nông sản của nông dân.

Ông Khúc không học ngành nông nghiệp, nhưng có gốc gác nông dân và mê nông nghiệp. Phong cách hào sảng, gần gũi, ông thuộc nằm lòng từng thửa đất, vườn cây ăn quả, khu chăn nuôi của nông dân. Điều lạ ở vị Chủ tịch này, sau những cuộc họp, phần lớn ông không ngồi phòng lạnh mà dành nhiều thời gian đến tận nơi, để nghe và hiểu cuộc sống nông dân.

Điều mà, ông Khúc luôn đeo đuổi là giúp nông dân thoát khỏi cái nghèo, nông sản của họ làm ra được tôn vinh, đón nhận ở những nơi trang trọng có giá trị và gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đánh giá, Hoài Ân có nhiều hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã kiểu mới có tư duy năng động, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho xã viên, tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường.

Có thể khẳng định, sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoài Ân. Nông nghiệp đã giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập cao, vươn lên làm giàu, diện mạo nông thôn thật sự khởi sắc.

Theo ông Tuấn Thanh, dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng huyện Hoài Ân vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách trong phát triển kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng.

Vì vậy, cần tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi sản xuất hiệu quả. Mở rộng diện tích sản xuất đạt chuẩn hữu cơ, VietGAP, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao hướng đến xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, mở rộng thị trường.

“Đặc biệt, hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến sâu nhằm tạo cơ sở xây dựng chuỗi giá trị cho các mặt hàng nông sản của địa phương, hướng đến xuất khẩu, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và hợp tác xã”, ông Tuấn Thanh cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi lãnh đạo… cũng làm nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO