Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội

Nhóm PV| 12/10/2020 15:12

(BVCL) Sáng 12/10, Đại hội Đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 497 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 45 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trong cả nước đã dự Đại hội.

Thấm thía bài học “Dân là gốc” 

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Vương Đình Huệ,Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhìn nhận, nhiệm kỳ qua, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, thành phố cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc, thường xuyên của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố trong cả nước và bạn bè quốc tế; với tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo, tranh thủ thuận lợi, thời cơ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu khai mạc Đại hội

Kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển ấn tượng; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo trong mọi tình huống; diện mạo đô thị, nông thôn có bước chuyển biến mới, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn, khang trang, hiện đại hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai đồng bộ, luôn gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được tăng cường; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới.

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, để có được những kết quả đó, chúng ta càng thấm thía bài học “Dân là gốc” và vai trò, công sức đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành, chủ thể của sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng bộ thành phố cũng thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, những khó khăn, bất cập và những điều chưa làm được trong quá trình phát triển Thủ đô. Kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, nhưng chưa tạo được các “đột phá lớn”, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố; chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn chậm được cải thiện. Chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch, phát triển đô thị chưa đồng đều. Quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý úng ngập, bảo vệ môi trường, nạn ùn tắc, an toàn giao thông chưa đáp ứng yêu cầu. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng. Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, còn để xảy ra điểm nóng về trật tự, an ninh nông thôn. Năng lực, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở còn thấp.

Trên tình thần đó, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu dự Đại hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, phát huy cao nhất vai trò đại diện ý chí, nguyện vọng của các cấp ủy Đảng và hơn 45 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ thành phố, quán triệt và nhận thức sâu sắc phương châm Đại hội, tích cực đóng góp vào thành công của Đại hội.

Thứ nhất, đề nghị các đồng chí đại biểu phát huy trí tuệ, bám sát thực tiễn và nhu cầu cuộc sống để tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội, tập trung phân tích sâu, khách quan, trung thực những kết quả nổi bật, cũng như hạn chế, yếu kém; tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đúc kết những bài học kinh nghiệm; xác định rõ mục tiêu, khâu đột phá và những nhiệm vụ trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với việc góp ý xây dựng các Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, với vị trí, vai trò của Đảng bộ Thủ đô, các đồng chí đại biểu tiếp tục tập trung trao đổi, thảo luận, làm sâu sắc hơn các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu trong dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, mà trọng tâm là Báo cáo chính trị.

Thứ hai, phát huy kết quả thành công của Đại hội đảng bộ các cấp, mỗi đại biểu cần đề cao tinh thần dân chủ, ý thức trách nhiệm, bám sát Đề án công tác nhân sự, nắm chắc quy chế bầu cử để sáng suốt lựa chọn bầu vào Ban Chấp hành các đồng chí thực sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, khả năng quy tụ, tập hợp, đoàn kết, có uy tín trong tổ chức đảng và nhân dân. Chú trọng phát hiện, lựa chọn những đồng chí có đức, có tài, có uy tín, triển vọng thông qua hành động thực tiễn, đảm bảo cơ cấu hợp lý, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đại hội cũng sẽ tiến hành bầu Đoàn đại biểu, gồm những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, đại diện và thay mặt cho bản lĩnh, trí tuệ của Đảng bộ Thủ đô tham dự, có khả năng đóng góp thiết thực, hiệu quả vào thành công chung của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Những dấu ấn và 5 bài học kinh nghiệm

Trình bày Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo triển khai học tập, quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Thành ủy theo hướng kịp thời, bài bản, khoa học. Nổi bật là việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trình bày Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Thành ủy đặc biệt coi trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Thành ủy đã sớm ban hành, chỉ đạo triển khai Chương trình 01-CTr/TU “về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh” với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tiễn của thành phố. Thành ủy cũng đã tập trung chỉ đạo, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng; chỉ đạo thực hiện sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Một trong những dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ qua là nhiều việc mới, việc khó đã được tập trung giải quyết, khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế, yếu kém. Thông qua việc ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”, Chỉ thị 15-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội”, đã củng cố 226/226 tổ chức cơ sở Đảng (đạt 100%) và giải quyết các vụ việc phức tạp góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từ cơ sở.

Thành ủy cũng đã ban hành, chỉ đạo triển khai Đề án 06-ĐA/TU, Đề án 21-ĐA/TU, rà soát, sắp xếp giảm 2.708 thôn, tổ dân phố (tỷ lệ 34,0%), giảm 8.900 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Sau sắp xếp giữ được ổn định tình hình và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh, đào tạo kỹ năng thực tiễn cho cán bộ nguồn. Công tác kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, mở rộng giám sát chuyên đề… được tập trung thực hiện, giúp các địa phương, đơn vị tháo gỡ khó khăn, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực.

Công tác dân vận không ngừng được đổi mới, chất lượng hoạt động của hệ thống dân vận có chuyển biến, đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả tích cực. Các lĩnh vực công tác dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được chú trọng, tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong xã hội. Công tác nội chính được tăng cường. Thành ủy đã lãnh đạo tổ chức thực hiện Chương trình 07-CTr/TU “về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” đạt kết quả tích cực.

Chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát, tái giám sát đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và thành phố.

Công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố được triển khai bài bản, khoa học, chặt chẽ. Thành ủy đã thành lập 16 đoàn công tác, 16 đoàn kiểm tra để chỉ đạo, kiểm tra đại hội cấp cơ sở. Kết quả đã chỉ đạo thành công toàn diện đại hội của 17.118 chi bộ; 2.310 đảng bộ, chi bộ cơ sở và 50 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy.

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Đảng bộ TP cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế còn tồn tại. Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy nghiêm túc tự phê bình trước toàn Đảng bộ về những thiếu sót, khuyết điểm đồng thời rút ra 5 bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất, luôn quán triệt và chấp hành nghiêm túc, đồng thời vận dụng sáng tạo, có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tình hình thực tiễn của Thủ đô; chủ động, tích cực tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thứ hai, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm của Đảng bộ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thứ ba, coi trọng đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn trúng và đúng những vấn đề quan trọng của TP.

Thứ tư, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn liền với kỷ cương, gắn bó mật thiết, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

Thứ năm, chú trọng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, nhân rộng gương điển hình; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu và của cán bộ, đảng viên.

5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá

Trình bày Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Thành ủy Hà Nội đã thống nhất mục tiêu, tầm nhìn trong Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội theo 3 mốc thời gian.

Đó là: Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Có thể thấy, với mục tiêu trên đây, Hà Nội đã khẳng định khát vọng vươn lên; từng bước nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới cạnh tranh với các thành phố trong khu vực và trên thế giới. Đó là bước tiến về tư duy tầm nhìn. 

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trình bày Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI tại Đại hội

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, Báo cáo chính trị nêu rõ 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025. Đây đều là những nội dung đã nhận được sự nhất trí cao của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở, của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô thông qua 10 hội nghị lấy ý kiến, đặc biệt là kết luận của Bộ Chính trị trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 19-9-2020.

Đối với những định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, Báo cáo chính trị xác định đầu tiên phải là tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn. Hà Nội sẽ đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực, tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ.

Hà Nội vẫn xác định khâu đột phá đầu tiên là ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Thành phố tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Khâu đột phá thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Thành phố sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hà Nội cũng sẽ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Khâu đột phá thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch… Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thành phố sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Hà Nội cũng sẽ đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, đây là những nội dung được Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố tập trung xem xét, thảo luận để thông qua; xây dựng chương trình hành động để thực hiện. Tất cả vẫn còn ở phía trước, nhưng với thành tích hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội XVI trong bối cảnh rất khó khăn, nhiều thách thức 5 năm qua, có niềm tin vững chắc rằng, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn, tạo ra bước chuyển mới như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO