Huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình: Chính quyền xã Hồng Phong đấu giá bến đò kiểu “lệ làng”

PV| 01/04/2021 14:12

BVCL - Hết thời hạn cho thuê đất, UBND xã Hồng Phong (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) tổ chức đấu giá tài sản sai nguyên tắc, bỏ qua các quy định cơ bản của Luật đấu giá năm 2016 khiến chủ đầu tư rơi vào cảnh “khốn đốn”.

anh-1.jpg
Bến đò Thái Phú 2 do gia đình ông Điến đầu tư xây dựng để chở người và phương tiện qua sông.

Bến đò đầu tư xong “bỗng dưng” bị mang ra đấu giá

Phản ánh tới Báo Công lý, ông Trần Văn Điến (SN 1959, trú tại thôn Tương Đông, xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cho rằng việc bến đò chở khách được gia đình đầu tư hàng tỷ đồng có nguy cơ mất trắng do UBND xã Hồng Phong thu hồi, mang ra đấu giá trái quy định pháp luật.

Theo ông Điến, hơn 30 năm trước, gia đình ông được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động bến đò Thái Phú 2 chuyên chở người, phương tiện từ xã Hồng Phong (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) sang địa bàn xã Nam Thanh (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) và ngược lại.

Năm 2013, do cơ sở bến đò xuống cấp, nhu cầu đi lại giữa hai bến sông tăng cao nên gia đình ông Điến đã gửi đơn xin cải tạo công trình nhà chờ, thiết bị phụ trợ, hoán cải phương tiện vận tải để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho nhân dân. Trong tờ trình, chủ đầu tư ghi rõ thời gian cần ổn định để thu hồi vốn là trên 20 năm.

Sau khi được chấp thuận, ông Điến đã bỏ kinh phí 1,4 tỷ đồng ra triển khai xây dựng dự án bến đò Thái Phú 2, tháng 10/2013 công trình được đưa vào sử dụng việc đi lại của người dân giữa hai bờ sông được thuận lợi, văn minh và an toàn.

anh-2-2-.jpg
Bến đò Thái Phú 2 được đổ bê tông chống sạt lở kiên cố.

Tuy nhiên, đầu năm 2021, bến đò đang hoạt động ổn định và tuân thủ các quy định pháp luật, thì bất ngờ nhận được thông báo của UBND xã Hồng Phong yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê đất. Đồng thời, UBND xã tiến hành tổ chức đấu giá bến đò mà không lập phương án bồi thường cho gia đình ông Điến.

Ông Trần Văn Điến buồn bã nói: “Gia đình chúng tôi đầu tư, cải tạo bến đò từ khi còn hoang sơ thiếu thốn về bến chờ, thiết bị phương tiện thô sơ lạc hậu. Hiện nay, bến đò được đổ bê tông chống sạt lở kiên cố, thiết bị giám sát camera hiện đại, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Cả đời tôi dành hết tâm huyết và tiền bạc để đầu tư xây dựng bến đò, nhưng khi hạ tầng ổn định thì bỗng dưng bị thu hồi mang ra đấu giá, kinh phí đầu tư chưa thu hồi lại được, khiến gia đình lâm vào cảnh khốn đốn”.

Được biết, hợp đồng thuê đất ký kết giữa UBND xã Hồng Phong và ông Trần Văn Điến đến ngày 31/3/2021 sẽ hết hạn. Do vậy, ngày 14/1/2021, UBND xã Hồng Phong đã tự đứng ra tổ chức đấu giá thuê đất tại khu bến đò Thái Phú 2. Trong quá trình đấu giá, UBND xã Hồng Phong đã không tính toán đến phần kinh phí xây dựng công trình, gây thiệt hại kinh tế cho nhà đầu tư.

Luật đấu giá năm 2016 quy định rõ, việc đấu giá tài sản của nhà nước phải được thực hiện dưới sự giám sát, điều hành của một Tổ chức đấu giá tài sản có kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Thế nhưng, “phớt lờ” các quy định pháp luật, UBND xã Hồng Phong đã tự ý thành lập “Hội nghị thống nhất phương thức và giá thuê đấu bến đò Thái Phú 2” để công nhận kết quả phiên đấu giá.

Tổ chức đấu giá kiểu “lệ làng”

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Trịnh Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong xác nhận: UBND xã đã nhận được đơn khiếu nại về kết quả đấu giá bến đò Thái Phú 2 của ông Trần Văn Điến. Hiện vụ việc đã được báo cáo lên UBND huyện Vũ Thư, khi nào có thông tin cụ thể sẽ phản hồi sau.

Cung cấp thêm thông tin với phóng viên, ông Vũ Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho rằng: “Trước khi tổ chức đấu giá cho thuê đất, UBND xã Hồng Phong cũng đã xin ý kiến tư vấn từ các phòng ban cấp huyện nhưng không có kết quả hướng dẫn. Do đây là lần đầu UBND xã tiến hành đấu giá, nên không thuê đơn vị tổ chức đấu giá chuyên nghiệp”.

Theo ông Vũ Tiến Dũng, kết quả trúng đấu giá thuộc về ông Trần Việt Hùng bỏ phiếu ở mức giá 618 triệu đồng. Kết thúc buổi đấu giá, biên bản được lập với đầy đủ chữ ký của 9 người tham gia bỏ phiếu. Về phần tài sản của ông Điến đã xây dựng tại bến đò Thái Phú 2, sắp tới, các bên có liên quan sẽ cùng ngồi thương lượng với nhau để tìm hướng giải quyết.

anh-3-2-.jpg
UBND xã Hồng Phong, nơi diễn ra buổi đấu giá “lạ đời”.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nhận định: Theo phân cấp về quản lý Nhà nước, UBND cấp xã không có chức năng đứng ra tổ chức đấu giá. Việc tổ chức đấu giá phải do đơn vị đấu giá chuyên nghiệp tiến hành theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Chính vì UBND xã Hồng Phong tổ chức đấu giá không đúng quy định, không thẩm định giá trị tài sản còn lại trên đất của hộ ông Trần Văn Điến đã dẫn đến thắc mắc khiếu kiện.

Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh, trong trường hợp phiên đấu giá diễn ra không đúng quy định pháp luật, kết quả công nhận tài sản đấu giá sẽ vô hiệu. Đồng thời, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, người trúng đấu giá mới phải thoả thuận với chủ kinh doanh cũ về số tiền đã đầu tư cơ sở hạ tầng theo tinh thần thoả thuận giữa các bên. Trường hợp không tìm được hướng giải quyết chung, hai bên có quyền mời đơn vị giám định tài sản để giải quyết tranh chấp.

“Ngoài vấn đề kinh tế, đơn vị tổ chức đấu giá cần xem xét năng lực của các bên tham gia đấu giá nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình hoạt động, đặc biệt là lĩnh vực vận chuyển người và phương tiện trên sông”, Luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ.

Theo đại diện Sở Giao thông vận tài tỉnh Thái Bình, giấy phép hoạt động bến khách ngang sông cấp cho ông Trần Văn Điến có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2021. Do đó, trong thời gian này cơ quan chức năng sẽ tạm dừng việc tiếp nhận cấp phép hồ sơ mới tại bến đò Thái Phú 2.

Báo Công lý sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin đến bạn đọc về sự việc trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình: Chính quyền xã Hồng Phong đấu giá bến đò kiểu “lệ làng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO