Huyện Tủa Chùa (Điện Biên): Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình

Minh Minh| 07/03/2022 11:00

BVCL - Tủa Chùa là 1 trong những huyện nghèo của cả nước đang được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Những năm qua, huyện đã chú trọng sử dụng các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… một cách hợp lý, phát huy tốt hiệu quả khi đưa vào sử dụng.

tua-chua-1.jpg
Đại biểu HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn đối ứng trên địa bàn huyện Tủa Chùa, giai đoạn 2016-2020

Tập trung các công trình trọng điểm

Với nguồn vốn hạn chế, trong khi danh mục cần đầu tư xây nhiều, hàng năm, huyện Tủa Chùa có chủ trương đầu tư theo thứ tự ưu tiên, không thể đầu tư tràn lan như các công trình đường, điện, trường, trạm... để các công trình này hoàn thiện đưa vào sử dụng sẽ tạo cơ hội cho đồng bào các dân tộc trong huyện có điều kiện phát triển kinh tế, chuyển đổi các mô hình trong chăn nuôi, sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ban Quản lý dự án các công trình huyện Tủa Chùa là đơn vị được UBND huyện giao nhiệm vụ chủ đầu tư và quản lý điều hành một số dự án trên địa bàn. Trong năm 2021, Ban Quản lý đã thực hiện 57 dự án (02 dự án hoàn thành; 17 dự án đang thực hiện dự án; 38 dự án chuẩn bị đầu tư), với tổng mức đầu tư: 712.751 triệu đồng. Cụ thể như sau:

Vốn ngân sách trung ương có 26 dự án (10 dự án đang thực hiện dự án; 16 dự án chuẩn bị đầu tư) với tổng mức đầu tư: 537.489 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương theo lĩnh vực hoạt động kinh tế gồm có 03 dự án (03 dự án đang thực hiện dự án) với tổng mức đầu tư: 192.000 triệu đồng. Các dự án ổn định dân cư phát triển kinh tế xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La huyện Tủa Chùa có 18 hạng mục dự án (07 hạng mục dự án có Quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật; 11 hạng mục dự án chuẩn bị đầu tư) với tổng mức đầu tư: 244.564 triệu đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 05 dự án (05 dự án chuẩn bị đầu tư) với tổng mức đầu tư: 100.925 triệu đồng.

Bên cạnh đó, có 15 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, gồm 02 dự án hoàn thành; 06 dự án đang thực hiện dự án; 07 dự án chuẩn bị đầu tư với tổng mức đầu tư: 131.637 triệu đồng. Trong đó, vốn Ngân sách địa phương cấp tỉnh quản lý có 03 dự án (03 dự án chuẩn bị đầu tư), với tổng mức đầu tư: 62.390 triệu đồng; Vốn Ngân sách địa phương cấp huyện quản lý có 12 dự án (02 dự án chuẩn bị đầu tư, 03 dự án hoàn thành; 06 dự án đang thực hiện dự án; 04 dự án chuẩn bị đầu tư), với tổng mức đầu tư: 69.247 đồng.

Vốn ngân sách huyện 16 dự án (01 dự án đang thực hiện dự án; 15 dự án chuẩn bị đầu tư), với tổng mức đầu tư 43.625 triệu đồng.

tua-chua-3.jpg
Đại biểu HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại công trình trường mầm non Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa

Đảm bảo chất lượng công trình

Trao đổi với phóng viên, Ông Lê Quang Đạo, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình huyện cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Ban đã yêu cầu các nhà thầu thi công áp dụng các biện pháp đẩy nhanh tiến độ công trình. Nhờ đó, 100% dự án do Ban làm chủ đầu tư và trực tiếp quản lý đang được nhà thầu huy động tối đa nhân lực, máy móc và phương tiện thi công. Với nguyên tắc “đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình”, Ban đã tăng cường cán bộ theo dõi, giám sát việc thi công của các nhà thầu, đồng thời phối hợp với nhà thầu, chính quyền địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thi công các công trình. Đồng thời đưa các công trình về đích đúng hẹn.

Công trình kè bảo vệ đất lúa hai bên bờ suối Tà Là Cáo là một trong những công trình vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra. Công trình kè có tổng chiều dài 1,277km, trong đó: Tuyến kè trái dài 625,52m và tuyến kè phải dài 625,41m. Công trình có tổng mức đầu tư 14,99 tỷ đồng, mục tiêu bảo vệ diện tích canh tác lúa nước của 2 bản: Tà Là Cáo và Dê Dàng với khoảng 30ha lúa ruộng 1 vụ và 20ha lúa 2 vụ. Khi hoàn thành, công trình sẽ góp phần bảo vệ trung tâm hành chính xã và dân cư sống gần bờ suối, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn, ông Đạo cho biết thêm.

Cũng theo Ông Lê Quang Đạo, dự án Nâng cấp tuyến đường Mường Đun - Na Sa (phân đoạn lý trình Km0 - Km1 + 200) xã Mường Đun gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai thi công do không có nguồn kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, quá trình thi công dự án, trên tuyến phải thi công 2 kè chống sạt lở đã ảnh hưởng đến một số diện tích đất ruộng và ao của người dân xã Mường Đun. Ban đầu người dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng vì không được đền bù.

Để giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai thi công, Ban quản lý dự án đã phối hợp với UBND các xã tổ chức tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của nhà nước, tỉnh, huyện liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án; giải thích cho các hộ bị ảnh hưởng hiểu rằng dự án không có kinh phí để đền bù giải phóng mặt bằng, từ đó vận động người dân đồng thuận, tạo điều kiện cho nhà thầu thi công. Sau nhiều cuộc gặp gỡ, vận động, các hộ dân đã đồng ý hiến đất, ao để công trình được triển khai đúng tiến độ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Với những giải pháp thiết thực trong công tác xây dựng các công trình trên địa bàn huyện Tủa Chùa, chắc rằng trong thời gian tới, công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện sẽ ngày càng chất lượng, hiệu quả, đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối nguồn lực của huyện...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Tủa Chùa (Điện Biên): Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO