Học cách sống chung với dịch khi Covid-19 không thể xóa sổ hoàn toàn

Thu Trang| 18/09/2021 16:33

BVCL - Thay vì theo đuổi mục tiêu “diệt sạch virus” đặt ra hơn 1 năm trước, một số quốc gia đã chuyển sang tìm cách sống chung an toàn với dịch bệnh. Giới chuyên gia cũng khẳng định sống chung với Covid-19 là một tương lai mà ở đó, các nước sẽ phải học cách kiểm soát các ổ dịch, song song với mục tiêu giảm thiểu cản trở hoạt động kinh tế.

Nhiều nước trên thế giới chấp nhận sống chung với dịch

Với sự xuất hiện của biến thể Delta lây lan nhanh, cuộc chiến chống Covid-19 của thế giới bước sang giai đoạn mới. Ngày càng nhiều nước chấp nhận kịch bản Covid-19 không thể ngay lập tức bị xóa sổ hoàn toàn, nên Chính phủ đã khuyến khích người dân chuyển dần sang trạng thái sống chung với sự có mặt của Covid-19 trong cuộc sống của họ.

Những thay đổi này bắt nguồn từ thực tế rằng một số nước có độ bao phủ tiêm vaccine ngừa Covid-19 hàng đầu thế giới đang chứng kiến số ca mắc tăng trở lại ở mức báo động, khi những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện.

anh-1.jpg
Sinh viên xếp hàng bên ngoài một trung tâm tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ở thủ đô London, ngày 5-6-2021. Ảnh: Reuters

Tại Anh, vừa qua ghi nhận khoảng 25.000 ca mỗi ngày. Mỹ, nước đã đạt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, gần đây số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trên 100.000 mỗi ngày. Số ca mắc mới tại những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine hàng đầu thế giới như Israel, Singapore cũng tăng trở lại.

Tại Australia, quốc gia đã duy trì thành công mục tiêu "zero-COVID" trong một thời gian dài, Thủ tướng Scott Morrison mới đây thừa nhận điều đó khó xảy ra và nhấn mạnh số ca mắc không phải là tất cả trong tình hình dịch bệnh, do đó kế hoạch quốc gia sẽ chuyển trọng tâm từ số ca lây nhiễm mới sang các vấn đề về nhập viện, các ca bệnh nặng.

Trước thực tế trên, các chuyên gia đều cho rằng sự xuất hiện của biến thể Delta chính là yếu tố "thay đổi cuộc chơi," và “zero COVID” sẽ không xảy ra kể cả khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao hay áp lệnh phong tỏa lâu dài. Vì vậy, thay vì theo đuổi mục tiêu “diệt sạch virus” đặt ra hơn 1 năm trước, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển sang tìm cách sống chung an toàn với dịch bệnh.

Tại Hàn Quốc, ngày càng có nhiều lời kêu gọi chính phủ sớm áp dụng chiến lược "sống chung với Covid-19," tập trung ngăn chặn số ca nhập viện và nguy kịch, đồng thời nới lỏng các biện pháp điều trị để giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường mới. Các cơ quan y tế của Hàn Quốc đang lên kế hoạch xem xét lại chiến lược phòng dịch mới vào cuối tháng Chín, thời điểm sẽ có hơn 70% dân số dự kiến hoàn tất ít nhất một mũi tiêm vaccine.

Tại New Zealand, Bộ trưởng phụ trách đối phó Covid-19 Chris Hipkins cũng nhận định biến thể Delta đã đặt ra “những câu hỏi lớn” về các kế hoạch tương lai của đất nước, trong đó bao gồm cả chiến lược đối phó dịch bệnh về lâu dài khi biên giới dần được mở với các nước có nguy cơ thấp.

s_1.jpg
Singapore từ cuối tháng 6 đã chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19

Singapore từ cuối tháng 6 đã chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19, thông báo chính sách đi lại miễn cách ly với Hong Kong (Trung Quốc), Ma Cao (Trung Quốc), Đức và Brunei.

Tại Đông Nam Á, Bộ trưởng Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia Mohamed Azmin Ali ngày 7/9 cũng cho biết từ cuối tháng 10 quốc gia này sẽ coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu, giống như sốt xuất huyết hay sốt rét. Còn Indonesia và Thái Lan cũng đang định hướng lại chiến lược từ coi Covid-19 là một đại dịch sang một bệnh đặc hữu sau nhiều tháng phong tỏa nhưng chưa thể chấm dứt sự lây nhiễm.

Việt Nam sẽ sống chung với dịch trong trạng thái bình thường mới

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo để kiểm điểm công tác phòng, chống dịch, đồng thời đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế sớm hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19, tập trung vào vắc-xin, xét nghiệm và điều trị; nâng cao năng lực hệ thống, trở lại trạng thái bình thường mới vào năm 2022.

anh-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng những chuyển biến đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định việc kiện toàn tổ chức chỉ đạo, chỉ huy mang lại hiệu quả và các biện pháp phòng, chống dịch đề ra là đúng đắn, kịp thời.Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua; đồng thời đề ra mục tiêu nhanh chóng kiểm soát tình hình, khống chế dịch bệnh, tổ chức sản xuất an toàn, đặc biệt là phải giảm tối đa ca tử vong do dịch Covid-19.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở. Nâng cao vai trò nêu gương, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn; khi thực hiện xã, phường, thị trấn phải thật sự là "pháo đài"; người dân phải thật sự là "chiến sĩ"; người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội; rà soát và đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 68; tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đóng góp cho công tác chăm lo an sinh xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, "phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống dịch phải quyết liệt, dứt điểm. Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả, thì không mất hàng triệu đồng cho chống dịch, nhất là sự mất mát về tinh thần và tính mạng của người dân”.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, dựa trên thực tiễn để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh để khôi phục và phát triển kinh tế. Giao Bộ Y tế sớm hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch trong tình hình mới, tập trung vào vắc-xin, xét nghiệm và điều trị; nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng, trở lại trạng thái bình thường mới vào năm 2022.

Ngày 16/9, sau chuyến làm việc tại Bình Dương, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chủ trì cuộc họp giữa Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ với Thành ủy TP.HCM, trong buổi làm việc, ông cũng nhấn mạnh, "Chúng ta phải sẵn sàng tinh thần sống chung với con Covid. TP.HCM, Bình Dương, Tiền Giang... không thể “Zero Covid". Và dù kiểm soát được dịch bệnh, người dân vẫn phải đảm bảo 5K, liên tục xét nghiệm...”

Vaccine là giải pháp căn cơ nhất

anh-3.jpg
Tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân ở Bình Dương

Để chuyển đổi chiến lược chống dịch, các nước đều nỗ lực đạt mục tiêu nâng mức độ bao phủ tiêm chủng vắc-xin đến mức được tin là an toàn (80-85% dân số) để mở cửa trở lại, đồng thời không loại trừ khả năng sẽ có những lúc vẫn phải phong tỏa, giãn cách để kiềm chế dịch bệnh bùng phát.

Và ngay từ khi dịch bùng phát, vắc-xin đã được xem là vũ khí duy nhất cho chúng ta cơ hội làm người tự do di chuyển, sống chung với dịch khôi phục cuộc sống bình thường mới. WHO cũng nhiều lần khẳng định vai trò của vắc-xin không còn là để tạo ra miễn dịch cộng đồng mà để hạn chế nguy cơ bệnh tăng nặng và tử vong.

Vắc-xin hiện là giải pháp căn cơ nhất, đang được coi là ưu tiên số 1 trong chính sách chống dịch của Việt Nam. Nghĩa là bằng mọi giá chúng ta phải thúc đẩy việc tìm, đàm phán, mua vắc-xin từ mọi nguồn có thể, kể cả vắc-xin sản xuất trong nước. Hiện chúng ta đang làm rất tốt việc này và đang phát huy lợi thế có sẵn để từng bước đạt tới miễn dịch cộng đồng, sống chung với dịch trong trạng thái bình thường mới.

Giới chuyên gia khẳng định sống chung với Covid-19 là một tương lai mà ở đó các nước sẽ phải học cách kiểm soát các ổ dịch song song mục tiêu giảm thiểu cản trở hoạt động kinh tế và Việt Nam cũng sẽ không ngoại lệ.

Để sống chung an toàn với Covid-19, chúng ta cần phải phối hợp các giải pháp về vaccine, tăng cường hệ thống y tế, linh hoạt các biện pháp ứng phó dịch tễ tùy theo mức độ lây lan, chính quyền đảm bảo thông tin đầy đủ và mỗi công dân tự đề cao trách nhiệm cá nhân. Thay đổi này không phải là đầu hàng mà là bước chuyển hướng để chúng ta từ sống chung tiến tới chiến thắng Covid-19.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học cách sống chung với dịch khi Covid-19 không thể xóa sổ hoàn toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO