Hành trình của rác (bài 1): Buông lỏng quản lý, ô nhiễm môi trường

Trường Giang| 29/07/2020 15:56

(BVCL) Người dân sống tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn đang phải chịu nỗi ám ảnh về những bãi rác lộ thiên khổng lồ, bốc mùi nồng nặc gây ô nhiễm môi trường. Đáng nói, đến bao giờ tình trạng này được giải quyết vẫn là câu hỏi lớn đối với cơ quan chức năng.

Bãi rác chềnh ềnh ven đường tại Thường Tín, Hà Nội
Bãi rác chềnh ềnh ven đường tại Thường Tín, Hà Nội

Ám ảnh bãi rác lộ thiên

Xử lý rác thải sinh hoạt như thế nào đang là vấn đề nhức nhối của nhiều địa phương hiện nay. Bởi lượng rác thải ngày càng nhiều trong khi quỹ đất dành cho việc chôn lấp ở nhiều tỉnh, thành phố ngày càng hạn hẹp, công nghệ xử lý vẫn chưa thể đáp ứng được thực tế.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước có tổng số 660 bãi chôn lấp quy mô lớn hơn 1 ha mới thì chỉ 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Tính riêng Hà Nội có tới 85 - 90% số bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh. Những bãi chôn rác tại các thành phố thường trực nguy có gây ô nhiễm nước và không khí.

Thực tế khảo sát, nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đang trong tình trạng quá tải. Một số bãi chôn lấp rác thải quy mô lớn (từ một đến vài nghìn tấn/ngày) gây ô nhiễm cho cả khu vực rộng lớn với khoảng cách xa tới cả chục km. Nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp không được thu gom, xử lý triệt để, kịp thời đã thấm xuống gây ô nhiễm các nguồn nước mặt và nước ngầm. Nhiều nhà máy xử lý rác đang tồn đọng hàng chục nghìn (thậm chí hàng trăm nghìn) tấn rác thải chưa xử lý, được chất đống tại các bãi hở, không có mái che, không có chống thấm nền, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác, nước mưa chảy tràn, không có biện pháp xử lý mùi hôi. Tình trạng này tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Có thể kể tới địa bàn xã Ninh Sở (huyện Thường Tín, Hà Nội), hàng trăm tấn rác còn ứ đọng ở bãi tập trung lộ thiên. Người dân vẫn tiếp tục đổ rác ở đây dẫn đến chuyện rác lấn ra kênh mương, lề đường, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Từ Ngọc Thành, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng Thường Tín cho biết: “Do lượng rác tồn từ những năm trước chưa được vận chuyển. Đặc biệt năm 2016-2017 khu xử lý chất thải của thành phố thường xuyên ngừng tiếp nhận do người dân ngăn chặn (không tiếp nhận khoảng 147 ngày, tương đương 20.580 tấn rác ùn ứ)”.

Cũng tại Thường Tín, tình trạng đổ rác thải, đốt rác rồi đổi lỗi cho nhau đã xảy ra ở các xã ven sông Nhuệ, gồm xã Khánh Hà, Hiền Giang, Hòa Bình… Do một số bộ phận người dân trong xã, đặc biệt là những doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh các ngành nghề đã thiếu ý thức, hình thành thói quen xấu là có rác thải trong sản xuất, sinh hoạt thì đổ trộm vào ban đêm rồi tiện tay đốt.

Việc thu gom, xử lý rác tại Thạch Thất, Phúc Thọ, Mỹ Đức (Hà Nội) cũng gặp nhiều khó khăn. Túi ni-lông, rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng bị đổ tràn lan, thậm chí có hiện tượng đổ trộm phế thải xây dựng ở những cung đường lớn như đường Láng - Hòa Lạc mà nhiều năm qua, dù lực lượng chức năng. Công an môi trường đã nỗ lực nhập cuộc, nhưng những đối tượng xấu vẫn tìm đủ cách đổ trộm phế thải.

Tại TP Hồ Chí Minh, bãi rác lộ thiên trên đường Điện Biên Phủ (Phường 25, quận Bình Thạnh) tồn tại hàng chục năm qua, ngày càng phình to, thường xuyên bốc mùi hôi thối.

Do không được che chắn kín, rác đang phân hủy bốc mùi nồng nặc bay thẳng vào nhà dân. Nhiều người dân sống gần đó chịu không nổi vì ruồi, chuột xuất hiện khắp nơi, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe nên đã phải bán nhà chuyển đi nơi khác.

Nguyên nhân tình trạng này, theo các chuyên gia môi trường, không phải là công nghệ xử lí rác mà là quá trình thu gom và xử lý rác chưa triệt để, công tác kiểm tra kiểm soát quy trình xử lý thu gom rác còn buông lỏng. Trong khi đó, công tác quy hoạch những bãi chôn lấp rác cho thành phố vẫn chưa cụ thể rõ ràng.

Rác thải ùn ứ tập kết trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP HCM)
Rác thải ùn ứ tập kết trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP HCM)

Chậm hay không thể xử lý?

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, chôn lấp là biện pháp rẻ tiền nhất, ít tốn kém nhất nên được sử dụng nhiều. Không chỉ ở Việt Nam, hầu hết, các nước đang phát triển vẫn áp dụng mặc dù công nghệ này không giải quyết hoàn toàn bài toán môi trường. Bất cập lớn hiện nay ở những bãi rác sử dụng công nghệ chôn lấp nhưng lại không làm tầng lót đáy tốt dẫn đến hiện tượng nước rác rỉ, gây mùi hôi.

Theo các chuyên gia, phải có quy hoạch, phải chọn được đúng nơi, xử lí về nền móng, xử lí về vi sinh để đảm bảo vệ sinh và làm thế nào có thể thu được nước thải để xử lí, đó là những vấn đề về kĩ thuật.

Trong khi đó, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhận xét, việc Việt Nam có tới 70% rác xử lý bằng chôn lấp là quá cao, gây tốn đất, ô nhiễm nước ngầm. Chính phủ cần đưa tỷ lệ chôn lấp rác giảm xuống dưới 20%. Ngoài ra, quy định hiện nay bãi rác chỉ cần cách khu dân cư 500 m, theo ông Võ là "quá gần, ảnh hưởng đến sức khỏe và dễ khiến người dân phản ứng chặn xe rác".

Bài toán đặt ra cho cơ quan chức năng ở các địa phương là phải phối hợp với cơ sở xử lý chất thải để có biện pháp nâng cấp công nghệ xử lý chất thải hiện đại.

Xu hướng chung của thế giới là phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng, biến rác trở thành nguồn tài nguyên. PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường chia sẻ, theo nguyên tắc của thị trường, người xả rác phải tự chịu chi phí thu gom, xử lý, xả rác càng nhiều càng phải nộp nhiều tiền. Việt Nam thu phí rác theo bình quân hộ gia đình, thải ra nhiều hay ít cũng chỉ nộp từng ấy tiền. Nguyên tắc cào bằng không khuyến khích được người dân hạn chế xả rác cũng như phân loại rác tại nguồn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham khảo kinh nghiệm các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản trong vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Quan điểm sửa đổi coi rác là tài nguyên, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng.        

Để giải quyết bài toán này, Hà Nội và các đô thị lớn cần áp dụng cách làm của Hàn Quốc, phân loại chất thải sinh hoạt làm 4 gồm nhóm chất hữu cơ dễ phân hủy như rau quả, cơm thừa, nhóm có thể tái chế, tái sử dụng, nhóm chất thải cồng kềnh như bàn ghế, sofa và nhóm chất thải phải xử lý.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ định đơn vị có chức năng sản xuất bao bì thu gom. Mỗi loại rác thải sẽ đựng trong một bao bì có màu sắc và giá tiền khác nhau. Tiền thu từ việc bán bao bì, bên cạnh việc bù chi phí sản xuất sẽ được dùng cho việc thu gom, vận chuyện và xử lý chất thải rắn.

Đáng nói một số đô thị từng vận động người dân phân loại rác, nhưng khi rác ra khỏi hộ dân thì lại đổ chung lên một xe thu gom khiến công sức phân loại trở nên vô nghĩa. Đây lại là vấn đề của đơn vị thu gom khi chưa thể phân loại rác đưa tới nơi xử lý.

Hiện các nhà máy xử lý rác thải trên toàn TP Hà Nội phần nhiều đang bị chậm tiến độ, nhiều dự án chưa tiến hành giải phóng mặt bằng, dù đã có quyết định từ nhiều năm. Đơn cử như Dự án Nhà máy điện rác Châu Can (thuộc địa bàn xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), nay mới triển khai đến bước lập quy hoạch chi tiết 1/500, chưa đến bước đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, trong năm 2020 một dự án sẽ được hoàn thành với công suất 4.000 tấn rác/ngày đêm, được xử lý theo công nghệ của Bỉ. Đến quý 1/2022, thành phố Hà Nội dự kiến khánh thành thêm một nhà máy đốt rác phát điện với công suất 1.500 tấn/ngày đêm. Đến khi đó, theo kỳ vọng cơ bản lượng rác thải của thành phố sẽ được đốt để phát điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình của rác (bài 1): Buông lỏng quản lý, ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO