Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh ký hợp tác cùng phát triển

Vũ Ba| 15/03/2022 10:10

BVCL - Với chủ đề “Chia sẻ - Liên kết - Cùng phát triển”, Thành ủy Hải Phòng, Tỉnh ủy Hải Dương và Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa ký kết hợp tác chia sẻ, hỗ trợ cùng phát triển trong thời gian tới.

anh-hai-phong-hai-duong-va-quang-ninh-ky-hop-tac-cung-phat-trien.jpg
Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Tỉnh ủy Hải Dương và Tỉnh ủy Quảng Ninh ký kết hợp tác giũa ba địa phương

Thời gian qua, Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh đã tích cực chỉ đạo, triển khai các nội dung về hợp tác và phát triển. Các địa phương đã thống nhất ban hành các chương trình, kế hoạch, quy chế phối hợp; chủ động, tích cực triển khai liên kết hợp tác trên các lĩnh vực, đã đạt được những kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với đảm bảo QP-AN; tiếp tục khẳng định vị thế của cả 3 địa phương là các động lực tăng trưởng của vùng, khu vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

Về xây dựng hạ tầng giao thông, giữa TP. Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đã xây dựng Cầu Dinh (thay thế đò Dinh); xây dựng cầu Quang Thanh (thay thế phà Quang Thanh) và đường dẫn kết nối ĐT.390 (huyện Thanh Hà, Hải Dương) với QL.10 (huyện An Lão, Hải Phòng); sửa chữa, cải tạo đường nối xã Kim Tân (Kim Thành, Hải Dương) và xã Lê Thiện (An Dương, Hải Phòng).

Tỉnh Hải Dương với Quảng Ninh đã xây dựng cầu Triều (thay thế phà Triều), cầu Mây (thay thế phà Mây) và đường dẫn nối QL.18 thị xã Đông Triều với QL.5 và thị xã Kinh Môn; xây dựng cầu Đông Mai (thay thế bến đò Đông Mai) và tuyến kết nối từ QL.18 với QL.37 nối đường 184 (địa phận TP. Chí Linh) đến QL.18, thị xã Đông Triều; xây dựng tuyến nối từ ĐT.398B (TP. Chí Linh) với ĐT.345 (thị xã Đông Triều).

Giữa tỉnh Quảng Ninh với TP. Hải Phòng đã triển khai hoàn thành dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; cải tạo, nâng cấp QL.10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến Cầu Kiền trên địa bàn TP. Hải Phòng; xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh); xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng ĐT.352...

Cùng với đó, 3 địa phương đã phối hợp tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản; thực hiện tốt công tác liên kết, hợp tác, phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố, trong đó có liên kết vùng phát triển du lịch giữa Hải Dương - Hải Phòng và Quảng Ninh.

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự hợp tác nhưng giữa 3 địa phương vẫn có những hoạt động tích cực trong hợp tác lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều mô hình liên kết bảo đảm an ninh trật tự giữa các địa phương giáp ranh, phát huy hiệu quả tốt, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc ngay từ cơ sở...

Một số khó khăn, hạn chế còn tồn tại như: Sự phối hợp giữa các địa phương còn chưa được thường xuyên, liên tục, chưa tạo được tính kết nối trong chuỗi các hoạt động phát triển KT-XH và bảo đảm môi trường; hợp tác trong phát triển giao thông kết nối còn có nội dung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của các tỉnh, thành phố; một số tuyến giao thông chưa được cải tạo, nâng cấp đồng bộ dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của các địa phương; hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp của các địa phương chủ yếu duy trì ở cấp độ tự phát, thiếu tính định hướng và chưa bền vững, nhất là sự liên kết phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm vùng…

Thời gian tới, ba địa phương thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp đối với từng địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ ngày càng đi vào thực chất, đi vào chiều sâu theo nguyên tắc “Chia sẻ - Liên kết - Cùng phát triển” nhằm phát triển KT-XH nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN, nâng cao đời sống xã hội, phát huy vai trò của 3 địa phương là những đầu tàu, cực tăng trưởng, địa bàn động lực trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng ĐBSH và phía Bắc.

Cụ thể, ba địa phương tập trung thực hiện 3 nhóm nội dung hợp tác trọng tâm gồm: Phối hợp chủ động triển khai chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; tăng cường hợp tác liên kết vùng, thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN; hợp tác đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận di sản thế giới.

Ba địa phương khuyến khích, tạo điều kiện để các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các sở, ngành tăng cường gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trên các lĩnh vực công tác. Mỗi địa phương phân công một Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng thảo luận, thống nhất chương trình, cụ thể hóa nội dung hợp tác. Các Sở, ban, ngành chức năng và các địa phương liên quan của các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình hợp tác nhằm cụ thể hóa các nội dung phối hợp giữa các tỉnh, thành phố; phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh ký hợp tác cùng phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO