Hải Dương quy hoạch phát triển đô thị hiện đại

Trường An| 09/08/2022 11:47

BVCL - Theo Dự thảo Quy hoạch giai đoạn 2021-2030, Hải Dương đề ra mục tiêu đến năm 2025 thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có hạ tầng KT-XH khá đồng bộ; tiếp tục chuyển dịch kinh tế sang công nghiệp - dịch vụ, chủ trương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Tăng GRDP thực tế bình quân đầu người ở mức cao hơn cả nước, đạt khoảng 114 triệu đồng.

1(1).jpg
Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại

Phát triển toàn diện

Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 nêu rõ, đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước, đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng. Tăng GRDP thực tế bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt khoảng 183 triệu đồng.

Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Đến năm 2050, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông; một đô thị hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng; phát triển công nghiệp hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn cũng như toàn vùng đồng bằng sông Hồng.

Tỉnh đã lựa chọn phương án tăng trưởng cao với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 12,5%; năm 2030, tỷ trọng cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ sẽ đạt tương ứng là 4,8 - 63,9 - 31,3%.

Định hướng 5 cực tăng trưởng chính là đô thị trung tâm TP Hải Dương; 4 đô thị động lực gồm: TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, Bình Giang, Thanh Miện; 5 đô thị vệ tinh là Gia Lộc, Nam Sách, Cẩm Giàng, Thanh Hà, Tứ Kỳ; 2 đô thị chức năng chuyên biệt là: Ninh Giang và Kim Thành.

Không gian đô thị được mở rộng, TP Hải Dương chú trọng triển khai các dự án giao thông kết nối. Đường vành đai I là một trong những công trình giao thông như vậy. Tuyến đường có tổng mức đầu tư gần 886 tỷ đồng, điểm đầu nối với đường 62 m thuộc xã Liên Hồng và kết thúc ở xã Ngọc Sơn với tổng chiều dài 5,67 km. Khi đưa vào khai thác, đường vành đai I sẽ giảm tải lưu lượng cho quốc lộ 5 và hạn chế phương tiện qua trung tâm thành phố, góp phần giảm ô nhiễm, tiếng ồn cho khu vực lõi. Bên cạnh đó công trình giao thông này tạo tiền đề cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên đường, thu hút đầu tư nhằm làm giảm sự chênh lệch giữa các vùng.

Tại phía Nam, đường vành đai I đang tập trung thi công thì phía Đông, cầu Bùi Thị Xuân vượt sông Thái Bình đang được cơ quan chức năng gấp rút thi tuyển, lựa chọn thiết kế. Công trình thuộc dự án phát triển giao thông TP Hải Dương với tổng mức đầu tư 1.340 tỷ đồng nối các phường, xã phía Đông thành phố. Ngoài ra, TP Hải Dương cũng đang triển khai cải tạo, mở rộng các tuyến đường Tuệ Tĩnh, Vũ Công Đán để sắp xếp lại kiến trúc đô thị khu vực trung tâm.

Ưu tiên các địa phương

Lãnh đạo UBND TP Chí Linh cho biết: Dự kiến năm 2022, TP Chí Linh phát triển thêm 12 khu đô thị, khu dân cư mới với tổng diện tích hơn 71 ha. Cụ thể gồm các khu dân cư An Lạc I (phường An Lạc), Bồ Quân - Trụ Hạ (phường Đồng Lạc), Kỹ Sơn (phường Tân Dân), Vạn Phúc (phường Hoàng Tiến), điểm dân cư Nguyễn Trãi I và Đội Bốn (phường Sao Đỏ), Phượng Sơn (xã Hưng Đạo), khu trung tâm xã Nhân Huệ, Đá Bạc (xã Hoàng Hoa Thám), Thanh Tảo (xã Lê Lợi), khu đô thị Nguyễn Huệ (phường Cộng Hòa) và khu đô thị trung tâm phường Cổ Thành.

Tiếp đến là TP Hải Dương, hiện có 13 dự án nhà ở đã cơ bản hoàn thành, 9 dự án đang thi công và 11 dự án chưa khởi công. 7 dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị vừa được UBND tỉnh nghiệm thu. Trong đó có 2 dự án đã bàn giao cho UBND thành phố quản lý sử dụng và 5 dự án UBND tỉnh đã chấp thuận nghiệm thu, UBND thành phố chưa tiếp nhận quản lý sử dụng.

image005_qonw_11571886290.jpg
TP Hải Dương hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đô thị hiện đại, năng động phát triển trong không gian mở

Hai dự án đã bàn giao gồm: KĐT mới phía đông và KDC May I. 5 dự án đã chấp thuận nghiệm thu gồm: khu du lịch sinh thái và dịch vụ thành phố (giai đoạn 1); KDC, thương mại và tiểu thủ công nghiệp xã Thạch Khôi; KDC mới thuộc phường Tứ Minh (TP Hải Dương) và thôn Trụ, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng); KDC dịch vụ, thương mại phía bắc đường Nguyễn Lương Bằng và khu nhà ở phường Nhị Châu.

Tỉnh Hải Dương cũng vừa duyệt quy hoạch phân khu Khu đô thị mới tại các phường Hải Tân, Tân Hưng và xã Ngọc Sơn với tổng diện tích 230,61 ha.

Trong năm 2022, huyện Kinh Môn thực hiện 10 dự án phát triển khu dân cư, khu đô thị với tổng diện tích gần 191 ha, trong đó có gần 61 ha đất ở. Ngoài ra, thị xã còn đang thực hiện 9 dự án khu dân cư chuyển tiếp từ năm 2021 sang với tổng diện tích gần 96 ha.

Tại Dự thảo Quy hoạch đã phân toàn tỉnh thành 3 vùng với các đặc trưng khác nhau để có định hướng bảo vệ riêng biệt. Theo đó, vùng bảo vệ nghiêm ngặt sẽ gồm các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu vực có tính đa dạng sinh học cao, các hệ sinh thái đặc trưng của tỉnh như các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất… Dự thảo cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, 100% các KCN, CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; 100% chất thải tại các KCN, CCN được thu gom, xử lý; 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; 90% chất thải rắn tại khu vực đô thị được thu gom, xử lý; 60% nước thải tại khu vực đô thị được thu gom, xử lý; 85% chất thải rắn tại khu vực nông thôn được thu gom, xử lý…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương quy hoạch phát triển đô thị hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO