Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường những tháng cuối năm

VH| 30/09/2021 10:19

BVCL - Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng cao, đây cũng là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, sản xuất hàng cấm, hàng giả diễn biến phức tạp. Nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, bình ổn thị trường cuối năm, Cục Quản lý thị trường (QLTT) thánh phố Hà Nội sẽ phối hợp tăng cường các đợt kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

3.jpg
Lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra các mặt hàng tiêu dùng

Do tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động buôn bán trao đổi hàng hóa qua mạng, các kênh thương mại điện tử diễn ra thường xuyên và phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa. Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường căn cứ địa bàn được giao, tiếp tục tăng cường và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT kiểm tra các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại kinh doanh, xuất, nhập khẩu hàng hóa; các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh qua trang web thương mại điện tử, trên mạng xã hội, bán hàng trực tuyến; phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt thực phẩm phục vụ Tết trung thu vừa qua; ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật việc kinh doanh các văn hóa phẩm, các sản phẩm, đồ chơi, trò chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, có tính chất bạo lực, kích động, phản giáo dục không phù hợp lứa tuổi trẻ em hoặc chứa chất độc hại, gây nguy hiểm cho trẻ em.

Song song với đó, các Đội QLTT cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết trung thu; thường xuyên nắm bắt tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa thiết yếu; đồng thời tuyên truyền, ký cam kết đến các đơn vị kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc niêm yết giá hàng hóa, không đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa trái quy định, không kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm và gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến thị trường, sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng đối với nhiều loại mặt hàng.

Trong dịp trước Tết Trung thu, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội kiểm tra 05 vụ, xử lý 04 vụ vi phạm về mặt hàng bánh, bánh trung thu. Tổng số tiền xử lý: 16.300.000 đồng; trong đó Phạt hành chính: 11.500.000 đồng; Trị giá hàng hóa vi phạm: 4.800.000 đồng.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, không đảm bảo sức khỏe trên các website và các mạng xã hội.

Các thủ đoạn thường được các đối tượng sử dụng là lập nhiều tài khoản Facebook, chạy quảng cáo, đăng ảnh chụp sản phẩm, nhưng chỉ có số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng), thông tin không minh bạch công khai. Điều này làm cho lực lượng QLTT khó khăn trong công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.

1.jpg
2.jpg
4.jpg
6.jpg
Một số hình ảnh lãnh đạo Cục, các đội Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội kiểm tra, kiểm soát dịp Tết Trung thu 2021

Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, giám sát thị trường để kịp thời triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng. Chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, nhãn hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, đo lường; các nguyên liệu, thành phẩm có nguồn gốc nước ngoài.

Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm đối với nhiều loại mặt hàng, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin cảnh báo… để giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn chủ động và tự giác chấp hành, tránh mua phải hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường những tháng cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO