Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 trong nước liên tục được phát hiện, tăng cao. Xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới là một trong những nguy cơ làm dịch bệnh lây lan, do đó, việc hệ thống Tòa án tăng cường xét xử các vụ án liên quan là một trong những giải pháp hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống dịch Covid-19.

NGUY CƠ BÙNG DỊCH TỪ NGƯỜI NHẬP CẢNH TRÁI PHÉP

Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới thì mỗi ngày có khoảng 100 đến 150 người tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng các con đường phi pháp. Ðây thật sự là vấn đề rất nghiêm trọng và đáng lo ngại, bởi nguy cơ những người nhập cảnh trái phép có thể mang mầm bệnh vào Việt Nam là rất lớn.

Các lực lượng chức năng các tỉnh có tuyến biên giới đang ngày đêm căng mình bám trụ trên các chốt, trạm, duy trì tổ chức tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn mọi hoạt động xuất nhập cảnh trái phép. Hơn bốn tháng đầu năm 2021, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 3.260 vụ/hơn 18.330 người xuất nhập cảnh trái phép; khởi tố 52 vụ/127 đối tượng. Nhập cảnh trái phép xảy ra nhiều nhất trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam – Campuchia.

luc-luong-chuc-nang(1).jpg

Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xuất phát từ hoàn cảnh kinh tế, đời sống của một bộ phận nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn, không có việc làm hoặc việc làm thu nhập thấp, thiếu thông tin về chính sách xuất khẩu lao động, nhận thức pháp luật còn hạn chế, mất cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin nên bị các đối tượng môi giới rủ rê đưa sang nước khác làm thuê trái phép hoặc tham gia tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép để nhận tiền công.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam với mục đích tìm việc làm hoặc chờ để xuất cảnh sang làm việc tại một số nước láng giềng khác. Mặc dù các lực lượng chức năng ngày đêm nỗ lực để ngăn chặn nhưng vẫn có nhiều trường hợp thực hiện trót lọt việc nhập cảnh vào Việt Nam, cư trú, sinh sống sâu trong nội địa, giữa khu dân cư với số lượng lớn.

luc-luong-chuc-nang-3(2).jpg

Trước thực trạng nêu trên, Ngành Y tế đã có nhiều cảnh báo về dịch bệnh liên quan tới việc nhập cảnh trái phép ngày càng gia tăng, đây là mối nguy cơ lớn làm lây lan dịch bệnh vào nước ta, đồng thời cũng tạo ra sự khó khăn trong công tác quản lý người nước ngoài để đảm bảo an ninh trật tự.

Thực tiễn thời gian qua nước ta đã xuất hiện thêm các ca nhiễm Covid-19 mới, qua điều tra dịch tễ, truy vết tiếp xúc của cơ quan y tế và công an xác định những ca nhiễm này đều là người nước ngoài hoặc có tiếp xúc với người nước ngoài. Trong khi đó, mỗi ngày có khoảng 100 đến 150 người tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng các con đường phi pháp thì đây thật sự là vấn đề rất nghiêm trọng và đáng lo ngại.

XÉT XỬ NGHIÊM MINH, GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 

toa-an-chong-dich.jpg

Trước tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép trong cả nước có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân các cấp cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng đã khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, xuất, nhập cảnh trái phép, tính từ đầu năm 2021 tới nay, Tòa án nhân dân các cấp đã tổ chức đưa ra xét xử lên đến hàng trăm vụ án.

Điển hình như tại Quảng Ninh: Ngày 25/5, tại nhà văn hoá xã Hoành Mô huyện Bình Liêu, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức xét xử lưu động 2 vụ án, đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Theo cáo trạng, từ ngày 21/3 đến ngày 29/3/2021, Nguyễn Thị Vui (Nơi ĐKNKTT: Phường Lương Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) và Tằng A Nhì (Nơi ĐKNKTT: Thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) đã 3 lần tổ chức cho 21 người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, trong đó có 11 người đã sang Trung Quốc, còn lại 10 người trên đường đi thì bị phát hiện bắt giữ. Tổng số tiền Vui thu lợi là 11.000.000 đồng và 3.500 NDT, Nhì thu lợi 11.300.000 đồng.

Căn cứ tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo Bế Thanh Đức 36 tháng tù; Bùi Thượng Trung 24 tháng tù; Tằng Chi Phu, Voòng Cắm Quân, Tằng Phúc Thoòng mỗi bị cáo 15 tháng tù về tội "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép".

quang-ninh-moi(1).jpg

Hay tại An Giang: Ngày 8/6, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang mở phiên tòa xét xử nhóm đối tượng tổ chức cho hàng chục người Trung Quốc xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Các bị cáo gồm: Nguyễn Văn Út (SN 1987), Phạm Tấn Lợi (SN 1988, cùng ngụ TPHCM), Nguyễn Thị Kim Huy (SN 1967, ngụ TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) và Nguyễn Như Nhỏ (SN 1960, ngụ TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cùng về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Căn cứ hành vi phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Út 9 năm tù giam, Huy 7 năm tù giam, Nhỏ 7 năm tù giam và Lợi 5 năm tù giam.

caobang(1).jpg
an-giang(1).jpg

Còn tại Cao Bằng: Ngày 16/7, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với ba bị cáo Phùng Văn Nhất (SN 1994), Nông Văn Trường (SN 1995) cùng trú tại xóm Bản Khun, thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng và Hoàng Văn Bắc (SN 1997) trú tại xóm Vĩnh Khải, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép.

Với hành vi của các bị cáo, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng tuyên phạt Phùng Văn Nhất 8 năm tù giam, Nông Văn Trường và Hoàng Văn Bắc mỗi người 5 năm tù giam. 

Cùng ngày, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đã phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đinh Văn Huấn (SN 1997) trú tại xóm Pác Ngà – Bó Hay, xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép. Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng tuyên phạt Đinh Văn Huấn 5 năm tù giam.

Tương tự tại Lạng Sơn: Ngày 14/6, TAND tỉnh Lạng Sơn đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đinh Văn Thảo (SN 1994, trú tại xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) cùng 8 đồng phạm về tội “Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép”.

Theo cáo trạng, khoảng cuối tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2020, Đinh Văn Thảo đã liên lạc, trao đổi và thỏa thuận với một số đối tượng người địa phương tổ chức cho 10 người xuất cảnh trái phép và 3 người nhập cảnh trái phép qua khu vực biên giới Lạng Sơn thuộc địa phận xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình và xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Thảo 10 năm 6 tháng tù. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 1 năm tù đến 8 năm 6 tháng tù về tội “Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép”.

lang-son(2).jpg

Tại Cà Mau: Ngày 11/6/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau cũng đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Phạm Văn Sơn phạm tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”.

Trước diễn biến tình hình dịch Covid hết sức phức tạp, hành vi của bị cáo Sơn là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động quản lý xuất nhập cảnh nói riêng và trậ tự an toàn xã hội nói chung. Bị cáo Sơn có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Vũ Sơn 1 năm 6 tháng tù, thời gian tính từ ngày bị cáo chấp hành án, phạt 30 triệu đồng vì hành vì “Tổ chức đưa người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam”.

Trên đây chỉ là một trong những vụ án điển hình được TAND các cấp đưa ra xét trong thời gian qua. Với tinh thần “ chống dịch như chống giặc”, để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, ngoài việc kịp thời ngăn chặn triệt để các nguy cơ, trong đó phải kiểm soát được tuyến biên giới, kiểm soát được tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, xây dựng được hệ thống "phòng thủ" vững chắc mà tuyến đầu chính là bảo vệ biên giới, hệ thống Tòa án nhân dân các cấp sẽ tiếp tục phát huy vai trò của công tác xét xử, nhanh chóng đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến hành vi xuất nhập cảnh trái phép góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân và nâng cao nhận thức của xã hội trong công tác phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 qua đường biên giới.

covid-19.jpg

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Thực hiện: Quách Chữ

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
E-magazine: Hệ thống TAND góp phần ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 qua đường biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO